Doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận và đánh giá tích cực về cải cách thủ tục hải quan

PV.

Khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với cải cách thủ tục hành chính (TTHC) hải quan vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan công bố ngày 27/4 tại Hà Nội. Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều chỉ số đánh giá của doanh nghiệp về cải cách TTHC hải quan năm 2016 đã cải thiện đáng kể so với năm 2015.

Cải cách thủ tục hành chính hải quan ghi nhận nhiều chuyển biến mới

Phát biểu tại buổi hội thảo công bố báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính hải quan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh khẳng định: Những đánh giá của doanh nghiệp (DN) khích lệ ngành Hải quan tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách TTHC hải quan.

Về đánh giá thông tin TTHC hải quan mà DN đã tiếp cận, có 86% DN tham gia khảo sát cho biết cơ quan Hải quan cung cấp thông tin thống nhất, 84% đánh giá thông tin sẵn có, dễ tìm và 87% DN cho biết các biểu mẫu TTHC hải quan dễ điền, 77% DN cho biết cơ quan Hải quan cung cấp thông tin cho DN nhanh chóng, kịp thời và 74% DN cho biết thông tin đơn giản, dễ hiểu. Hai khía cạnh được cải thiện đáng kể so với năm 2015 là tiêu chí đánh giá biểu mẫu TTHC hải quan dễ điền (tăng 10%) và thông tin cơ quan Hải quan cung cấp là thống nhất (tăng 9%).

Theo Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh, Hải quan Việt Nam đóng một vai trò then chốt, giúp các DN xuất khẩu, nhập khẩu tiếp cận thị trường thế giới với nhiều cơ hội rộng mở để phát triển sản xuất, kinh doanh, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho Việt Nam. Do vậy, thời gian qua, ngành Hải quan đã rất nỗ lực cải cách hiện đại hóa theo hướng công khai, minh bạch, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào các quy trình thủ tục, áp dụng phương pháp quản lý hiện đại; tăng cường kỷ cương, kỷ luật cán bộ công chức hải quan… 

“Để thực hiện tốt hơn vai trò này, thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho DN theo đúng tinh thần và yêu cầu của Nghị quyết 19/NQ-CP”, Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh nói.

Trình bày kết quả khảo sát, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho biết, cuộc khảo sát DN năm 2016 được thực hiện theo phương pháp điều tra qua thư. Tương tự như 3 cuộc khảo sát trước đây, khảo sát năm 2016 sử dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên đối với 3.500 DN có thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, đảm bảo mang tính đại diện, thông tin DN cung cấp là những trải nghiệm thực sự và trực tiếp của DN trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.

“Cuộc khảo sát năm 2016 đã nhận được 1.035 phiếu trả lời. Bên cạnh các chỉ số khảo sát thường niên gồm: Tiếp cận thông tin quy định về hải quan và TTHC hải quan; thực hiện TTHC hải quan; thủ tục thông quan; thủ tục quản lý thuế; thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại; sự phục vụ của công chức hải quan, cuộc khảo sát năm 2016 bổ sung thêm hai chỉ số khảo sát mới, bao gồm: Kiểm tra chuyên ngành và cơ chế một cửa quốc gia. Kết quả khảo sát cho thấy, năm 2016 DN tiếp tục ghi nhận những cải cách TTHC hải quan, nhiều nội dung có sự cải thiện đáng kể so với năm 2015”, ông Đậu Anh Tuấn thông tin.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, về phương diện tiếp cận thông tin quy định về hải quan và TTHC hải quan, có trên 90% DN tham gia khảo sát hài lòng/hoàn toàn hài lòng về việc tiếp cận thông tin TTHC hải quan qua trang web hải quan, cũng như các lớp tập huấn hoặc đối thoại hải quan.

Về đánh giá thông tin TTHC hải quan mà DN đã tiếp cận, có 86% DN tham gia khảo sát cho biết cơ quan Hải quan cung cấp thông tin thống nhất, 84% đánh giá thông tin sẵn có, dễ tìm và 87% DN cho biết các biểu mẫu TTHC hải quan dễ điền, 77% DN cho biết cơ quan Hải quan cung cấp thông tin cho DN nhanh chóng, kịp thời và 74% DN cho biết thông tin đơn giản, dễ hiểu. Hai khía cạnh được cải thiện đáng kể so với năm 2015 là tiêu chí đánh giá biểu mẫu TTHC hải quan dễ điền (tăng 10%) và thông tin cơ quan Hải quan cung cấp là thống nhất (tăng 9%).

Đối với việc thực hiện thủ tục hải quan, khảo sát năm 2016 đề nghị các DN đánh giá mức độ dễ dàng trong việc thực hiện: TTHC hải quan; khó khăn cụ thể trong thực hiện thủ tục thông quan; thủ tục xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát; thủ tục quản lý thuế; thủ tục kiểm tra sau thông quan; hỗ trợ giải quyết khó khăn trong thực hiện TTHC. 

Đánh giá về việc thực hiện TTHC hải quan, phần lớn DN được khảo sát đều cho rằng, DN đã tương đối thuận lợi trong thực hiện TTHC hải quan. Tuy nhiên, ngoài thủ tục nộp thuế và kiểm tra hồ sơ, còn có một số thủ tục DN đánh giá là khó thực hiện.

Cụ thể là còn trên 20% DN được khảo sát cho rằng họ gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục như: Thủ tục hoàn thuế (29%), thủ tục xét miễn thuế (26%), giải quyết khiếu nại (21%). Một số lĩnh vực, tỷ lệ DN gặp khó khăn đã giảm so với năm 2015, gồm: Kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa, thủ tục xét miễn thuế, thủ tục hoàn thuế, không thu thuế. Tuy nhiên, tỷ lệ DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục kiểm tra sau thông quan lại tăng lên. 

Về sự phục vụ của công chức hải quan, khảo sát đưa ra 5 tiêu chí gồm: Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; văn minh lịch sự; coi DN là đối tác hợp tác; công tâm, tận tụy; nhanh chóng, chính xác. Kết quả cho thấy, có 37% DN đánh giá mức độ thực hiện kỷ cương của cán bộ hải quan (ứng xử văn minh lịch sự và thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ) là cao/rất cao. Những tiêu chí còn lại, tỷ lệ ở mức 28-30%. Đánh giá về kỹ năng giải quyết công việc, các DN đã đánh giá tích cực hơn về kỹ năng giải quyết công việc của công chức hải quan so với năm 2015 trong các thủ tục quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, xử phạt vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại...

Doanh nghiệp còn vướng do quy định kiểm tra chuyên ngành quá nhiều 

Kiểm tra chuyên ngành là một trong hai chỉ số mới được đưa vào lấy ý kiến khảo sát của DN và cũng là vấn đề mà nhiều DN đang gặp vướng mắc, khó khăn. Kết quả khảo sát năm 2016 cho thấy, tới 93% DN cho biết các quy định về kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, lại nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, khiến DN khó nắm bắt thông tin và tuân thủ.

89% DN trong số được khảo sát cũng cho rằng, nhiều quy định không phù hợp thực tế và 82% DN nhận thấy việc phối hợp giữa các cơ quan chưa nhịp nhàng. Đáng lưu ý là có 81% DN cho rằng thời gian kiểm tra chuyên ngành theo quy định quá dài. 72% DN cho biết việc chia sẻ thông tin kết quả giữa các cơ quan là chưa tốt, khiến DN mất thêm thời gian để chờ đợi (68% DN cho biết thời gian kiểm tra bị kéo dài so với quy định).

Mặc dù có tỷ lệ lớn các DN cho biết việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành là bình thường, nhưng xét về tỷ lệ DN đánh giá khó/rất khó, thì Kiểm tra văn hóa đứng đầu bảng (59%), tiếp đến là Kiểm tra ngành Y tế (40%) và kiểm dịch động vật (36%). Một số lĩnh vực khác có trên 20% DN đánh giá là khó/rất khó, bao gồm: Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (29%) và kiểm tra chất lượng (25%).

Về việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, trong 1.035 DN được khảo sát thì có 35% DN cho biết họ đã từng thực hiện TTHC trên cổng thông tin Cơ chế một cửa quốc gia, trong số các DN từng thực hiện thủ tục qua cổng này, có 49% DN cho biết hoàn toàn thuận lợi và chỉ có 2% DN cho biết còn gặp vướng mắc khi thực hiện thủ tục qua Cổng thông tin Cơ chế một cửa quốc gia. Tính chung trong số DN được khảo sát thì, có 35% DN dân doanh, 34% DN FDI và 32% DNNN từng thực hiện thủ tục qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Để tiếp tục cải cách TTHC hải quan, tại hội nghị nhiều DN kiến nghị: Ngành Hải quan cần tiếp tục có sự cải cách hơn nữa, tăng cường thanh tra giám sát thực hiện tại các đơn vị hải quan địa phương nhằm: Giảm thiểu thủ tục; nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức; cập nhật kịp thời sự thay đổi của các văn bản pháp luật, đồng thời nâng cao chất lượng thông tin cung cấp đến DN. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách bền vững, có tính ứng dụng lâu dài để giúp cho DN thiết lập các quy trình thực hiện hiệu quả và mang tính cam kết, tuân thủ; tăng cường quan hệ đối tác hải quan - DN; ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh công khai minh bạch trong thực hiện thủ tục hải quan cho DN...