Ngành Tài chính:

Dốc sức chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên toàn quốc

PV.

(Tài chính) Đánh giá mức độ buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép đang diễn ra phức tạp, với các hành vi ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn, gây thất thoát nguồn thu NSNN, khiến đời sống người dân bất an, ngành Tài chính đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai mọi biện pháp để giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng này.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra hàng hóa (bắt giữ hàng tấn thuốc lá điếu, vải, mỹ phẩm nhập lậu). Nguồn: Hải quan An Giang
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra hàng hóa (bắt giữ hàng tấn thuốc lá điếu, vải, mỹ phẩm nhập lậu). Nguồn: Hải quan An Giang

Tình hình chung

- Tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại diễn biến phức tạp. Tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại hàng cấm như ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, gỗ quý hiếm chưa có chiều hướng giảm. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao như thuốc lá điếu ngoại, rượu ngoại,... diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ các tỉnh biên giới phía Bắc về Hà Nội diễn biến phức tạp.

Phương thức, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng buôn lậu là chia nhỏ hàng hóa, thuê cửu vạn vận chuyển lén lút qua các đường mòn, lối mở, kênh, rạch biên giới; cất giấu, trà trộn hàng lậu trong người, trong đồ đạc, hành lý cá nhân khi xuất nhập cảnh; gia cố thêm hầm hàng, vách ngăn trên phương tiện vận tải, ghe, xuồng để chứa hàng lậu; cải tạo, chế lại phân khối xe gắn máy để chuyên chở, tẩu tán hàng lậu;... Bên cạnh đó là các thủ đoạn tinh vi hơn, tập trung vào lợi dụng các chính sách ưu đãi để buôn lậu như: gian lận trong khai báo hải quan, khai báo thuế; mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn chứng từ; lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT đối với hàng xuất khẩu, chính sách miễn thuế đối với hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới; vi phạm trong hoạt động tạm nhập – tái xuất, kho ngoại quan; trong cấp phép nhập khẩu, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa,...

- Tình trạng xuất lậu than, khoáng sản qua vùng biển Đông Bắc và Bắc miền Trung; buôn lậu xăng, dầu trên vùng biển Thanh Hóa, Tp Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu; buôn lậu thuốc lá, gỗ các loại trên vùng biển Tây Nam;... Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật hoang dã và sản phẩm của động vật hoang dã chủ yếu xảy ra tại khu vực Cảng Hải Phòng và Tp Hồ Chí Minh. Điển hình là vụ ngày 23/10/2014, Cục Hải quan Tp Hải Phòng qua kiểm tra, đã phát hiện, bắt giữ lô hàng 1.288 khúc ngà voi có trọng lượng 1.732,4 kg;

Thủ đoạn chủ yếu của đối tượng buôn lậu là cố tình khai báo sai về số lượng, tên hàng, mã số thuế đối với hàng hóa nhập khẩu; cố tình khai báo hàng hóa nhập khẩu nằm ngoài danh mục rủi ro, quản lý chuyên ngành để hệ thống phân luồng xanh - miễn kiểm tra thực tế hàng hóa; khai báo gian lận định mức tiêu hao nguyên, phụ liệu trong lĩnh vực đầu tư gia công; lợi dụng chính sách ưu đãi hoàn thuế, tạm nhập tái xuất hàng hóa,...

- Vi phạm trên tuyến hàng không, bưu điện quốc tế tập trung chủ yếu vào các loại hàng cấm, hàng hóa gọn nhẹ, có giá trị kinh tế cao và dễ cất dấu như: mỹ phẩm, điện thoại di động, đồng hồ, máy ảnh kỹ thuật số, máy quay phim, máy tính xách tay, ngoại tệ,... Địa bàn trọng điểm gồm Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, Sân bay quốc tế Nội Bài; Sân bay quốc tế Đà Nẵng... thông qua chuyển phát nhanh Fedex, DHL, Bưu điện trung tâm Tp Hồ Chí Minh... Đáng chú ý, tình trạng vận chuyển trái phép các loại ma túy, tiền chất, tân dược, động vật hoang dã trên tuyến này đang tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Điển hình là vụ ngày 10/8/2014, Chi cục Hải quan cửa khẩu SBQT Tân Sơn Nhất, Cục Hải quan Tp Hồ Chí Minh đã kiểm tra, phát hiện 3,97kg Cocain; trong các ngày 27/10/2014 và 01/11/2014, Chi cục Hải quan Cửa khẩu SBQT Nội Bài đã kiểm tra, phát hiện 04 hành khách có hành vi vận chuyển trái phép tổng số 26 miếng (khoảng 12,7kg) sừng tê giác; mới đây, ngày 24/11/2014, Chi cục Hải quan Cửa khẩu SBQT Tân Sơn Nhất tiếp tục phát hiện, bắt giữ 30.000 viên thuốc gây nghiên đang trên đường vận chuyển từ Pháp về Campuchia, quá cảnh qua Việt Nam.

Thủ đoạn phổ biến của đối tượng buôn lậu là cất giấu hàng hoá trong người, trong hành lý không khai báo khi xuất cảnh, nhập cảnh; tách bill, chia nhỏ số lượng hàng hóa, gửi về nhiều địa chỉ khác nhau nhưng thực chất chỉ có một người nhận; lợi dụng định mức miễn thuế, hàng quà biếu, quà tặng để vận chuyển trái phép hàng lậu; lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc một số đối tượng là du học sinh, người lao động nghèo thông qua con đường du học, du lịch để tham gia đường dây vận chuyển ngoại tệ, ma túy, chất gây nghiện, hướng thần,...

- Trong thị trường nội địa, tình trạng bày bán, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng chưa có chiều hướng giảm. Các mặt hàng bị làm giả rất đa dạng, từ hàng tiêu dùng thông dụng như quần áo, giầy, dép, nước uống đóng chai, bột ngọt, nước mắm, rượu, bia, thuốc lá điếu, điện thoại di động, phụ tùng xe máy, mũ bảo hiểm,... đến các mặt hàng có giá trị cao hoặc chức năng đặc biệt như: vàng, thẻ tín dụng, thẻ cào điện thoại, phần mềm tin học, linh kiện điện tử, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thời trang cao cấp, phân bón, thức ăn chăn nuôi,... Phần lớn hàng giả được sản xuất ở nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) sau đó nhập lậu qua tuyến biên giới phía Bắc và miền Trung.

Triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lân thương mại và hàng giả

Thực hiện Quyết định số 389/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 19/3/2014,  ngày 3/9/2014,  Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2238/QĐ-BCĐ 389 về quy chế hoạt động  của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Bộ Tài chính (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389QG).

Thời gian qua, đặc biệt là từ giữa năm 2014, Ban Chỉ đạo 389QG đã tích cực triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ, của Bộ Tài chính trên các mặt:

- Quán triệt, triển khai chỉ đạo  của Thủ tướng Chính phủ tới các đơn vị từ trung ương tới địa phương. Phân công đầu mối bộ phận thường trực giúp việc công tác này.

+ Tham mưu với Bộ, trình Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo 389QG ban hành Công điện số 2118/CĐ-TTg ngày 28/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 20/8/2014 về Qui định chế độ báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả,…

+ Phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan đôn đốc, tổng hợp kết quả triển khai nhiệm vụ của các bộ, ngành, lực lượng chức năng.

+ Tham mưu về chấn chỉnh công tác báo cáo của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và hướng dẫn xây dựng báo cáo tổng kết công tác năm 2014 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.

- Tham mưu triển khai các đoàn kiểm tra liên đi thị sát, kiểm tra tình hình, kết quả công tác phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trao đổi với địa phương tiếp thu, tổng hợp các nội dung kiến nghị để kịp thời báo cáo Chính phủ xem xét, tháo gỡ. 

Ban Chỉ đạo 389QG Bộ Tài chính Chủ động tham mưu, báo cáo lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389QG chỉ đạo triệt phá thành công nhiều vụ việc buôn lậu lớn, như vụ bắt giữ trên 60 tấn dược liệu Trung Quốc, 08 tấn bao bì giả tại Hà Nội; vụ bắt giữ 08 xe ôtô tải vận chuyển trái phép khoảng 100 tấn hàng lậu tại Hưng Yên; vụ bắt giữ 04 xe ô tô tải vận chuyển trái phép khoảng 100 tấn hàng lậu tại Lạng Sơn; vụ bắt giữ 120 tấn hàng lậu tại Móng Cái, Quảng Ninh,…
- Phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan giải quyết các vấn đề kiến nghị, vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; triển khai các nội dung tuyên truyền của Ban chỉ đạo 389QG:

+ Đôn đốc các Bộ, ngành có liên quan thực hiện rà soát, xử lý trên 300 nội dung kiến nghị, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

+ Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Ban chỉ đạo 389 Quốc gia áp dụng hình thức khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

+ Phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam và một số báo, đài, trang thông tin điện tử uy tín như Báo Tiền phong, Báo Pháp luật, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình công an nhân dân, Báo điện tử Vietnam net, Báo điện tử Vnexpress,…về cung cấp, trao đổi thông tin và tuyên truyền trên các kênh của Đài THVN trong lĩnh vực phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;

Kết quả xử lý các vụ vi phạm

Bộ Tài chính Đã chỉ đạo lực lượng Thuế, Hải quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, thể hiện ở một số kết quả như: vụ Cục Hải quan Tây Ninh phối hợp, bắt giữ 18,2 tỷ đồng vận chuyển trái phép từ Việt Nam sang Campuchia; Cục Hải quan Tp Hà Nội phối hợp, bắt giữ 1.984,83 gram MTTH và 4.572,46 gram cocain vận chuyển trái phép qua đường hàng không; Cục Hải quan Tp. Hải Phòng phát hiện, bắt giữ lô hàng 1.288 khúc ngà voi có trọng lượng 1.732,4 kg vận chuyển trái phép qua đường biển; Cục Hải quan Tp Hồ Chí Minh bắt giữ 144.000 viên đạn mã tử có ký hiệu AX14; Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp kiểm tra, phát hiện 02 vụ vận chuyển trái phép 240.000 lít xăng A92 và 320.000 lít dầu DO trên vùng biển Tp. Hồ Chí Minh; phối hợp bắt giữ 08 xe ôtô vận chuyển trái phép khoảng 100 tấn hàng bách hóa Trung Quốc không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp tại Hưng Yên; phối hợp bắt giữ 03 đối tượng/60 bánh heroin tại Quảng Ninh;...

Số liệu thống kê sơ bộ đến hết tháng 11/2014, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389QG:

- Lực lượng Thuế đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 57.284 doanh nghiệp; tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 10.660,97 tỷ đồng.

- Lực lượng Hải quan thông qua hoạt động chống buôn lậu, thanh tra, kiểm tra sau thông quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 20.353 vụ việc vi phạm, thu nộp NSNN ước đạt 1.238,35 tỷ đồng, khởi tố 20 vụ án hình sự.

Có thể thấy, qua thời gian ngắn triển khai Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 19/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã làm chuyển biến mạnh mẽ công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ trung ương đến địa phương; là căn cứ thuận lợi để các lực lượng phát huy tối đa tiềm lực và thế mạnh của mỗi ngành; giải quyết được tình trạng chồng chéo, cản trở lẫn nhau trong thực thi công vụ, đồng thời vẫn đảm bảo hiệu quả trong triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của mỗi lực lượng,...