Giải quyết triệt để hiện tượng trục lợi bảo hiểm thủy sản ở Sóc Trăng

PV.

(Tài chính) Mới đây, Đoàn công tác liên ngành của Ban Chỉ đạo Bảo hiểm Nông nghiệp Trung ương đã về làm việc với Ban chỉ đạo Bảo hiểm Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng về việc xuất hiện tin đồn hiện tượng trục lợi bảo hiểm tôm nuôi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tham gia Đoàn công tác còn có đại diện của Cục Kinh tế, hợp tác Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (đơn vị thường trực, là đầu mối phối hợp trong Ban chỉ đạo Trung ương của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn); ông Nguyễn Quang Phi, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt - thành viên Ban chỉ đạo Bảo hiểm Nông nghiệp Trung ương.

Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng có diện tích tôm nuôi khoảng 50.000ha/năm, trong đó bán thâm canh và thâm canh chiếm trên 50%; sản lượng bình quân đạt trên 60.000 tấn/năm, là nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Năm 2012, diện tích nuôi tôm nước lợ toàn Tỉnh đạt 41.735ha với 7,2 tỉ con giống, do 34.100 hộ nuôi, trong đó diện tích nuôi công nghiệp là 26.000 ha, chiếm 62% diện tích nuôi tôm. Nhìn chung, hoạt động nuôi tôm nước lợ năm 2012 gặp nhiều khó khăn, thời tiết môi trường diễn biến phức tạp, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, làm thiệt hại 23.722 ha (chiếm 55,7% diện tích thả nuôi).

Ông Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Bảo hiểm Nông nghiệp Tỉnh đã báo cáo với Đoàn công tác tình hình thực hiện Bảo hiểm Nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh thời gian qua.

Theo ông Trí, các hoạt động của chương trình như công tác tổ chức thực hiện, việc ban hành văn bản chỉ đạo và kiến nghị tháo gỡ khó khăn, quy trình sản xuất, công tác tuyên truyền, việc công bố số liệu thống kê phục vụ thí điểm bảo hiểm, về triển khai thực hiện ban chỉ đạo cấp huyện, hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm Bảo Việt địa phương, hoạt động kiểm tra, giám sát… đều được các cấp, các ngành chú trọng triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, các Tổ kiểm tra, giám sát bảo hiểm của Tỉnh phối hợp với Công ty bảo hiểm Bảo Việt, Chi cục Thú y, chính quyền địa phương, đại lý bảo hiểm và công an xã, phường đã xác minh làm rõ dư luận về việc có dấu hiệu tiêu cực gian lận số lượng con giống, khi tôm thiệt hại không báo ngay mà kéo dài ngày nuôi để hưởng lợi bảo hiểm, khai thác bảo hiểm không đúng đối tượng. Việc xác định thông tin có hiện tượng trục lợi trong người nuôi tôm cũng đã được tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các cơ quan báo chí, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn vừa giải thích và kết hợp tuyên truyền những điểm dân chưa hiểu hết, vừa ghi nhận ý kiến góp ý của người dân.

Ông Lê Thành Trí khẳng định, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng chưa xuất hiện tình trạng trục lợi bảo hiểm con tôm, đặc biệt là những hiện tượng đã có đều xuất phát từ tâm lý muốn thêm nhiều lợi ích của người nuôi, chưa có phản ảnh nào về tư cách của cán bộ thực hiện Bảo hiểm Nông nghiệp và đây là điều mà tỉnh Sóc Trăng an tâm thực hiện tiếp tục Chương trình.

Ngoài ra, hiện nay, đã có 14 cuộc làm việc đến tận ao nuôi, hộ nuôi đã được thực hiện của các Tổ công tác, kết quả cho thấy chưa phát hiện tình trạng thả giống ít, báo lên nhiều; xác minh đối chiếu danh sách hộ nghèo của xã với danh sách của cơ quan quản lý nhà nước là khớp đúng, không có hiện tượng khai thác không đúng đối tượng bảo hiểm...

Riêng trường hợp giống thả quá dầy so với hình thức nuôi là có thật, từ đó, các Tổ công tác đã chấn chỉnh ngay và chỉ đền bù bảo hiểm theo quy định kỹ thuật của Tỉnh đã ban hành. Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đã chấm dứt 02 hợp đồng bảo hiểm vì thực hiện không đúng quy tắc bảo hiểm; đồng thời giảm từ 20-30% số tiền bồi thường của 2 hộ cải tạo không đúng quy trình kỹ thuật… Ban chỉ đạo các cấp cũng đã giám sát dịch bệnh trên địa bàn bởi với hệ thống thú ý rộng khắp đến cấp xã đã tạo thuận lợi cho việc quản lý và phối hợp tốt trong việc lấy mẫu xác minh dịch bệnh (đã xét nghiệm 3464 mẫu bệnh phẩm của tôm)…

Ông Trí chia sẻ, Ban chỉ đạo Bảo hiểm Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cam kết với Ban chỉ đạo Bảo hiểm Nông nghiệp Trung ương sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn, giải quyết triệt để những điều kiện có thể dẫn tới trục lợi Bảo hiểm Nông nghiệp trên địa bàn.