Hải quan Bình Dương chủ động vào cuộc đổi mới phương thức kiểm tra chuyên ngành

Q.Sơn

Hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Hải quan Bình Dương đặt lên hàng đầu. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, mà còn giữ vững uy tín, giữ vững thị trường hàng hoá của Việt Nam…

Công chức Hải quan Bình Dương thực hiện soi chiếu container hàng hóa xuất nhập khẩu qua máy soi.
Công chức Hải quan Bình Dương thực hiện soi chiếu container hàng hóa xuất nhập khẩu qua máy soi.

Chủ động vào cuộc

Thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về kiểm tra chuyên ngành (KTCN), thời gian qua, Cục Hải Bình Dương đã chủ động vào cuộc triển khai và đã đạt nhiều kết quả khả quan.

Theo đó, Cục Hải quan Bình Dương đã chủ động, tích cực tham mưu cho Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về KTCN, đảm bảo hành lang pháp lý phù hợp cho việc triển khai có hiệu quả trên thực tế. Đồng thời, kiến nghị với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính để phối hợp cùng với các bộ, ngành rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết vượt mục tiêu đề ra.

Tính đến cuối năm 2018 đã cắt giảm được hơn 60% so với mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% của Chính phủ và cắt giảm các danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành (giảm 5279 mặt hàng từ 82,698 mặt hàng xuống còn 77.419 mặt hàng đến cuối năm 2018).

Các bộ, ngành cũng đã ban hành Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và KTCN ngành kèm mã số hồ sơ; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các nhóm hàng phải KTCN, từng bước loại bỏ những quy định chồng chéo trong hoạt động KTCN. Đã từng bước thay đổi phương thức quản lý và KTCN thông qua việc áp dụng quản lý rủi ro và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Đặc biệt, từ năm 2016, Cục Hải quan Bình Dương và Sở Khoa học và Công nghệ đã ký kết Bản ghi nhớ về việc phối hợp nhiệm vụ trong việc kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, ngay sau khi nhận được thông báo kết quả kiểm tra từ các cơ quan giám định, Sở Khoa học và Công nghệ thông báo ngay trong ngày cho Cục Hải quan Bình Dương biết qua hộp thư điện tử của Phòng Giám sát quản lý để chuyển ngay cho các Chi cục Hải quan thông qua hệ thống Cloud Office để thông quan tờ khai.

Việc phối hợp này giữa 02 cơ quan đã rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá, hỗ trợ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhanh chóng đưa hàng hoá vào sản xuất, kinh doanh, tránh các chi phí phát sinh do phải lưu giữ hàng hoá tại cửa khẩu và nhà máy trong thời gian chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành. 

Vướng mắc cần tháo gỡ

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên thì trong quá trình thực hiện KTCN cũng gặp một số vướng mắc, điển hình như: Công tác KTCN vẫn chưa thực sự đi vào thực chất và có chiều sâu, việc tổ chức thực thi trong thực tế còn có khoảng cách so với quy định pháp luật, dẫn đến mức độ hài lòng của doanh nghiệp chưa cao.

Hiện nay, các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động KTCN có khá nhiều, có những quy định chưa được hướng dẫn đầy đủ, thiếu thống nhất. Một số bộ, ngành chưa công bố kịp thời Danh mục hàng hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành hoặc phải KTCN theo Nghị định của Chính phủ. Hoặc một số bộ, ngành có ban hành Danh mục nhưng phạm vi quá rộng, tên hàng không rõ ràng, chung chung và thiếu mã số hồ sơ để xác định mặt hàng cụ thể… Điều này đã gây không ít khó khăn cho cơ quan hải quan và DN trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, thời hạn thông báo kết quả KTCN của các cơ quan kiểm tra chuyên ngành chưa được quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng trong các văn bản pháp luật về KTCN, dẫn đến kéo dài thời gian thông quan cho một lô hàng, làm phát sinh chi phí lưu kho bãi, làm mất đi tính cạnh tranh, thậm chí doanh nghiệp bị phạt đền hợp đồng do giao hàng hoá chậm trễ hoặc bị từ chối nhận hàng.

Trước những tồn tại trên, Cục Hải quan Bình Dương cho rằng, Chính phủ sớm ban hành Nghị định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Theo đó, các quy định của Nghị định cần đổi mới căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành bằng cách chỉ áp dụng KTCN có trọng tâm, trọng điểm và tại các thời điểm phù hợp trước khi thông quan, phát triển hệ thống kho, bãi bảo quản hàng hóa tại cửa khẩu. Đồng thời, áp dụng quản lý rủi ro trong KTCN, công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra hàng hóa và ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi dữ liệu điện tử về kết quả KTCN. 

Đối với các bộ, ngành khi ban hành Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành hoặc thuộc diện KTCN cần nêu rõ điều kiện quản lý chuyên ngành cụ thể rõ ràng; thủ tục phải đơn giản, không rườm rà, phức tạp; không ràng buộc, giới hạn doanh nghiệp phải đăng ký KTCN một nơi nhất định, mà có thể đăng ký ở nơi doanh nghiệp thấy thuận tiện nhất để giảm chi phí phát sinh nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong quá trình thực hiện. 

Cùng với đó, cần rút ngắn tối đa thời gian ra thông báo kết quả KTCN để đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hoá, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp do phải bảo quản hàng hóa chưa được đưa vào sử dụng. Nên có quy định chế tài đối với các trường hợp cơ quan KTCN ra thông báo kết quả KTCN chậm trễ so với thời hạn quy định của pháp luật.