Hải quan Bình Dương đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản

Phi Vũ - Cục Hải quan tỉnh Bình Dương

Cục Hải quan tỉnh Bình Dương vừa tổ chức Hội nghị tập huấn kết hợp đối thoại (lần 3 năm 2018) với lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại tỉnh Bình Dương. Ông Nguyễn Trường Giang – Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Dương chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Trường Giang – Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đã trực tiếp giải đáp tất cả những vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản nêu ra
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Trường Giang – Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đã trực tiếp giải đáp tất cả những vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản nêu ra

Mục đích của Hội nghị đối thoại là nhằm giới thiệu chính sách mới và lắng nghe, giải đáp các vướng mắc nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Nhật Bản trong hoạt động xuất nhập khẩu…

Tại hội nghị, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương khái quát những điểm mới tại các nghị định, thông tư quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan; Các chính sách mới có liên quan đến lĩnh vực Thuế xuất nhập khẩu; nhằm giúp doanh nghiệp (DN) hạn chế được những vi phạm trong quá trình làm thủ tục hải quan do chưa nắm rõ các quy định. 

Cùng với đó, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương cũng lưu ý các sai phạm phổ biến qua công tác kiểm tra sau thông quan mà doanh nghiệp thường gặp phải để doanh nghiệp lưu ý tránh sai phạm.

Sau phần giới thiệu chính sách mới, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đã dành phần nhiều thời gian để lắng nghe và giải đáp các vướng mắc cho lãnh đạo các doanh nghiệp.

Các vướng mắc DN chủ yếu về chính sách mặt hàng, quy định về tỷ lệ hao hụt nguyên phụ liệu trong quá trình sản xuất, khai báo hải quan đối với nguyên liệu vật tư nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất, phương thức nộp hồ sơ hải quan, phí bản quyền…

Trả lời vướng mắc của doanh nghiệp về trường hợp nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, nhưng trong quá trình sản xuất có tỷ lệ hao hụt cao. Cục Hải quan tỉnh Bình Dương hướng dẫn như sau, tỷ lệ hao hụt có thể tăng bất thường trong quá trình sản xuất do rất nhiều lý do. Định mức khai báo với cơ quan hải quan là định mức thực tế sản xuất do DN khai báo và tự chịu trách nhiệm.

Do đó, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm lưu trữ dữ liệu, chứng từ, tài liệu liên quan đến việc xác định định mức thực tế và thông báo định mức thực tế của lượng sản phẩm đã sản xuất theo năm tài chính cho cơ quan hải quan khi báo cáo quyết toán. Khi có bất kỳ sự thay đổi điều chỉnh nào liên quan đến định mức, đề nghị DN ghi nhận và lưu trữ đầy đủ chứng từ, tài liệu liên quan để chứng minh.

Giải đáp vướng mắc về phương thức nộp hồ sơ hải quan, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay việc nộp các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử trừ các trường hợp theo quy định phải nộp bản chính các chứng từ dưới dạng giấy thì bản chính đó phải được nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính cho cơ quan hải quan. Ví dụ: Giấy phép, Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)…. trừ trường hợp Giấy phép được cấp qua Cơ chế một cửa quốc gia và C/O form D điện tử qua Cơ chế một cửa ASEAN một cửa ASEAN.

Trả lời vướng mắc của doanh nghiệp về chính sách mặt hàng đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng phế phẩm trong hoạt động sản xuất, gia công hàng hóa, thì theo quy định tại Thông tư 39/2018/TT-BTC Trường hợp hàng hóa là nguyên liệu, vật tư đã cấu thành lên sản phẩm khi thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa, người khai hải quan thực hiện khai báo nguyên liệu, vật tư ban đầu và sản phẩm hoàn chỉnh tại các dòng hàng riêng biệt trên tờ khai.

Trong đó thực hiện khai sản phẩm hoàn chỉnh trên một dòng hàng, không khai thuế đối với dòng hàng là sản phẩm hoàn chỉnh; khai nguyên liệu, vật tư nhập khẩu ban đầu (tại chỉ tiêu “mã số quản lý riêng” của dòng hàng khai mã “TĐMĐSDSP”) và tính thuế đối với nguyên liệu, vật tư trên các dòng hàng tiếp theo của tờ khai. Chính sách mặt hàng áp dụng đối với sản phẩm hoàn chỉnh theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Về phản ánh của doanh nghiệp về Hệ thống khai báo của Hải quan đôi lúc còn chậm, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương thông tin thêm, hiện tại Hệ thống thông quan điện tử tập trung của cơ quan hải quan đã hoạt động ổn định.

Tuy nhiên, nhằm phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp nên hệ thống thường xuyên nâng cấp, khi tiến hành nâng cấp đôi lúc sẽ ảnh hưởng đến thời gian truyền nhận tờ khai.

Những trường hợp như vậy xảy ra rất ít và thường được khắc phục kịp thời. Trong quá trình khai báo làm thủ tục hải quan, nếu xảy ra trường hợp hệ thống bị chậm ảnh hưởng đến thời gian giao nhận hàng hóa, đề nghị Công ty có phản ánh cho cơ quan hải quan để kịp thời khắc phục….

Ghi nhận tại Hội nghị, các vướng mắc của doanh nghiệp điều được Cục Hải quan tỉnh Bình Dương giải đáp thỏa đáng, doanh nghiệp hài lòng và đánh giá cao kết quả cũng như ý nghĩa của Hội nghị.