Hải quan Bình Dương phát huy hiệu quả đội ngũ chuyên gia

PV.

Xây dựng lực lượng Hải quan trình độ chuyên môn cao, chuyên nghiệp, hiện đại đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Cục Hải quan Bình Dương.

Hiện nay, đội ngũ chuyên gia của Cục Hải quan Bình Dương có 8 nhóm chuyên gia, với 72 thành viên
Hiện nay, đội ngũ chuyên gia của Cục Hải quan Bình Dương có 8 nhóm chuyên gia, với 72 thành viên

Tháng 4/2013, Cục Hải quan Bình Dương đã quyết định thành lập Đội ngũ chuyên gia Cục Hải quan  Bình Dương. Đội ngũ chuyên gia có nhiệm vụ tham gia nghiên cứu xây dựng nội dung chương trình; biên soạn tài liệu, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng, giảng dạy phù hợp với lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ tại Cục Hải quan Bình Dương.

Khi mới thành lập, Đội ngũ chuyên gia của Cục gồm 6 nhóm chuyên gia với 43 thành viên. Đến nay đội ngũ chuyên gia của Cục có 8 nhóm chuyên gia, với 72 thành viên là đây là những cán bộ công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, là các cán bộ nòng cốt có kinh nghiệm trong lĩnh vực được giao.

Dựa trên sở trường công tác, các chuyên gia được phân công phụ trách ở các lĩnh vực khác nhau gồm: phân tích phân loại hàng hóa; xuất xứ hàng hóa; trị giá hải quan; kế toán thuế; quản lý rủi ro; sở hữu trí tuệ; quyết toán hàng gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất; pháp chế.

Qua 8 năm hoạt động, đã cho thấy hiệu quả hoạt động và chất lượng đội ngũ chuyên gia ngày càng được khẳng định, đã từng bước phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Các nhóm chuyên gia tại Cục đã được hình thành theo hướng chuyên sâu, đã thực hiện tốt vai trò tham mưu, được ví như “cánh tay nối dài” của các Phòng tham mưu giúp Lãnh đạo Cục triển khai thực hiện và giải quyết một số vụ việc đạt hiệu quả.

Nổi bật trong đó là công tác tự đào tạo. Các nhóm chuyên gia đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực cho đơn vị. Hàng năm, các Nhóm đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ công chức từ cơ bản đến chuyên sâu, theo các chuyên đề khác nhau như phân tích thông tin, quản lý rủi ro, công tác trị giá hải quan, xuất xứ hàng hóa …

Mặt thuận lợi của công tác tự đào tạo là các chuyên gia làm việc tại đơn vị, giỏi nghiệp vụ, giàu kinh nghiệm nên hiểu rõ những khó khăn, hạn chế trong công tác chuyên môn tại đơn vị mình. Vì vậy, những bài giảng được thiết kế phù hợp với thực tế, có nhiều minh họa chi tiết, dễ hiểu, sát với công việc hàng ngày.

Trong quá trình học và trong công việc hàng ngày, giữa các chuyên gia và CBCC trong đơn vị dễ dàng trao đổi, giải đáp những vướng mắc phát sinh trong công tác chuyên môn. Hiệu quả của công tác tự đào tạo là kiến thức chuyên môn của cán bộ công chức trong đơn vị ngày càng được nâng cao, học viên đánh giá cao những nội dung được truyền đạt vì khả năng vận dụng sau đào tạo, từ đó hiệu quả và chất lượng công việc của đơn vị ngày càng tốt hơn. Chính vì vậy công tác đào tạo tại chỗ đã thực sự đem lại hiệu quả tích cực và từng bước nâng cao trình độ cán bộ công chức một cách toàn diện, đồng bộ.  

Hơn thế nữa, các nhóm chuyên gia còn là nhân tố chủ chốt tham mưu giúp lãnh đạo Cục trong việc đánh giá, sát hạch trình độ cán bộ công chức hàng năm. Cụ thể, Nhóm đã xây dựng được ngân hàng đề thi Cục với câu hỏi tình huống, trắc nghiệm, lý thuyết… phục vụ cho việc sát hạch. Các chuyên gia còn trực tiếp tham gia chấm điểm, kiểm tra trình độ của cán bộ công chức. Từ kết quả kiểm tra, giúp cho lãnh đạo Cục nắm rõ năng lực, trình độ của từng CBCC. Qua đó sẽ có hướng sắp xếp, bố trí cũng như đào tạo hợp lý.

Bên cạnh tự nghiên cứu, biên soạn tài liệu phục vụ công tác đào tạo, đội ngũ chuyên gia còn tham gia biên soạn nhiều Sổ tay nghiệp vụ hướng dẫn quy trình nghiệp vụ cho các đơn vị thực hiện thống nhất, hạn chế sai sót. Tham gia giải đáp khó khăn, vướng mắc của các Chi cục và cộng đồng DN trong quá trình làm thủ tục. Kịp thời tham mưu Cục đề xuất Tổng cục Hải quan tháo gỡ các vướng mắc khi áp dụng tại địa phương.

Bên cạnh công tác đào tạo cho cán bộ công chức trong đơn vị, các Nhóm chuyên gia còn phối hợp tốt với các phòng tham mưu và các Chi cục tổ chức nhiều Hội nghị đối thoại, tập huấn, tuyên truyền chính sách pháp luật và giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, qua 8 năm hiệu quả hoạt động và chất lượng đội ngũ chuyên gia ngày càng được khẳng định. Được học viên và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao đánh giá cao bởi sự chuyên nghiệp cũng như nội dung truyền đạt mang tính thực tiễn, dễ hiểu và khả năng áp dụng sau khi được đào tạo rất cao.

Hiện nay, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương có nhiều chuyên gia được Trường Hải quan Việt Nam tin tưởng chọn làm giảng viên kiêm chức, thường xuyên hỗ trợ Trường giảng dạy các lớp nghiệp vụ. Ngoài ra, đội ngũ chuyên gia của Cục còn thường xuyên tham gia cùng Tổng cục Hải quan để biên soạn, xây dựng, đóng góp ý kiến sửa đổi các chính sách mới của ngành Hải quan như: sửa đổi Luật Thuế, Thông tư, Nghị định, tham gia xây dựng các bộ đề đánh giá năng lực của Ngành…

Để có được kết quả như trên là do chủ trương đúng đắn lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, đã luôn quan tâm, định hướng hoạt động, tạo điều kiện phát huy năng lực sở trường của đội ngũ chuyên gia. Quan trọng hơn cả là đội ngũ chuyên gia của Cục luôn nêu cao tinh thần tự học, tự nâng cao trình độ, chủ động nghiên cứu để hoàn thành nhiệm vụ được giao ngày càng tốt hơn.

Tiếp nối kết quả đã đạt được, để tiếp tục phát huy tốt Đội ngũ chuyên gia trong việc tham mưu, phối hợp với các đơn vị thuộc và trực thuộc trong triển khai thực hiện các lĩnh vực Hải quan đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cải cách hiện đại hóa trong thời gian tới, mới đây Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương đã chỉ đạo các đơn vị và Nhóm chuyên gia quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau: Trưởng Nhóm chuyên gia cần chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động trong năm trình Lãnh đạo Cục phụ trách; tổ chức tập huấn nghiệp vụ liên quan cho cán bộ công chức ít nhất 01 lần/1 năm; chủ động bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng để trao đổi nghiệp vụ trên lĩnh vực của Nhóm.

Hàng năm, các Nhóm chuyên gia tham khảo ý kiến của các phòng ban chức năng về lĩnh vực nghiệp vụ chuyên môn cần thiết để nghiên cứu, đào tạo, hướng dẫn cho CBCC để từ đó xây dựng kế hoạch, phương hướng hoạt động của nhóm.

Đối với các nhóm chuyên gia cần tập trung đầu tư, nghiên cứu những vấn đề mới phát sinh, cũng như đã xảy ra ở các địa phương khác, xây dựng kế hoạch để tham mưu cụ thể nhằm cảnh báo, phòng ngừa cho các phòng chức năng tham mưu.

 Lãnh đạo các Phòng Nghiệp vụ tổ chức họp với các Nhóm chuyên gia có liên quan 02 lần/năm; trao đổi, tham khảo ý kiến của Nhóm chuyên gia khi có văn bản hướng dẫn mới của Ngành cần triển khai hoặc cần trao đổi để xử lý các vướng mắc liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ.

Trong phân công nhiệm vụ, Lãnh đạo các đơn vị lưu ý nghiên cứu, xem xét bố trí các thành viên nhóm chuyên gia sao cho phù hợp với lĩnh vực tham gia và để hài hòa, phát huy năng lực, sở trường của đội ngũ chuyên gia, kết hợp hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Lãnh đạo các đơn vị ưu tiên tạo điều kiện và cử các thành viên nhóm chuyên gia tham gia các buổi tập huấn, đào tạo bồi dưỡng, hội thảo do Tổng cục Hải quan và Trường Hải quan Việt nam tổ chức, nâng tầm các nhóm chuyên gia.

Giao Phòng Tổ chức cán bộ và Thanh tra lựa chọn cán bộ công chức có năng lực, tiếp tục đào tạo chuyên sâu, chuyên Ngành và giao tiếp tốt nhằm tham gia hỗ trợ các chương trình biên dịch, hội nghị đối thoại và tham gia các Nhóm chuyên gia của Cục; phối hợp với các Trưởng nhóm chuyên gia xem xét, bổ sung thêm nhân tố mới, có trách nhiệm và tích cực, tham mưu lãnh đạo Cục kiện toàn Đội ngũ chuyên gia Cục Hải quan tỉnh Bình Dương có chất lượng…