Hải quan Quảng Ninh:

Hiệu quả cao từ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Xuân Hương

Trong thời gian qua, Cục Hải quan Quảng Ninh luôn là một trong những đơn vị đi đầu trong việc phát triển, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), góp phần quan trọng vào công tác cải cách thủ tục hành chính (CCHC), hiện đại hóa hải quan, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua địa bàn.

Công nghệ thông tin đã được ứng dụng toàn diện trong tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ tại Cục Hải quan Quảng Ninh
Công nghệ thông tin đã được ứng dụng toàn diện trong tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ tại Cục Hải quan Quảng Ninh

Hiện nay, công nghệ thông tin đã được ứng dụng toàn diện trong tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ tại Cục Hải quan Quảng Ninh, góp phần đơn giản hóa quy trình, thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp; 100% các chi cục hải quan đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử; thu nộp ngân sách có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, gần 90% thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Trong những tháng đầu năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Cục Hải quan Quảng Ninh đã tích cực triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT, tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng như tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp qua địa bàn.

Đến nay, Cục Hải quan Quảng Ninh đã triển khai và vận hành ổn định một Hệ thống các ứng dụng công nghệ thông tin của Ngành Hải quan, đảm bảo an ninh, an toàn, thông suốt 24/24/7, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ hải quan, góp phần hoàn thành mục tiêu 5E (E-Declaration; E-payment; E-C/O; E-Permit và E-Manifest) về ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước về hải quan của Ngành Hải quan.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp

Là một trong những đơn vị đi đầu của ngành Hải quan trong đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quá trình làm thủ tục hải quan nói riêng và hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) nói chung nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN, Cục Hải quan Quảng Ninh đã đạt được những kết quả nổi bật như sau:

Thực hiện thủ tục hải quan hoàn toàn bằng phương thức điện tử:

Cùng với sự phát triển nhanh của kinh tế đất nước, khối lượng công việc của Cục Hải quan của Cục Hải quan Quảng Ninh đã tăng lên một cách nhanh chóng với kim ngạch hàng hóa XNK chiếm khoảng 45%-60% tổng kim ngạch XNK trong toàn tỉnh, số tiền thuế thu nộp ngân sách hàng năm trung bình trên 9.000 tỷ đồng, chiếm trên 90% số thu nộp ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Kim ngạch XNK trung bình mỗi năm tăng 3-5%, số lượng tờ khai XNK trung bình mỗi năm tăng 7,5 %/năm, kim ngạch XNK dao động từ 10 đến 15 tỷ USD/năm với khoảng 1.100 đến trên 1.200 DN tham gia hoạt động XNK, trong khi đó, số lượng cán bộ, công chức hải quan giảm theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhờ ứng dụng CNTT, việc làm thủ tục hải quan của doanh nghiệp tại các Chi cục Hải quan trực thuộc Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh vẫn được diễn ra thuận lợi, liên tục, nhanh chóng. Có thể nói, CNTT đã trở thành công cụ quan trọng để Cục Hải quan Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

Đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% chi cục hải quan trực thuộc Cục Hải quan Quảng Ninh đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 100% doanh nghiệp tham gia. Theo đó, việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa cao; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan chỉ từ 01-03 giây.

Triển khai mạnh mẽ thanh toán điện tử (E-payment):

Từ năm 2012, Hải quan Quảng Ninh đã chủ động triển khai "Đề án phối hợp thu ngân sách nhà nước qua hệ thống Ngân hàng thương mại bằng phương thức điện tử E-Payment". Nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, từ tháng 10/ 2017, Cục Hải quan Quảng ninh tiếp tục triển khai thành công Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 giúp doanh nghiệp có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện kết nối internet, đảm bảo kịp thời, chính xác; giảm thời gian nộp thuế.

Đồng thời, thông quan hàng hóa ngay sau khi nộp thuế, qua đó rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan; đến này số thu ngân sách qua phương thức điện tử đạt 100% đối với tiền thuế XNK và 98% đối với phí liên quan tại các chi cục Hải quan trực thuộc Cục.

Thực hiện giám sát hải quan tự động:

Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính và tạo thuận lợi thương mại theo chủ trương của Chính phủ, từ năm 2018, Cục Hải quan đã triển khai Hệ thống Quản lý hải quan tự động (VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan.

Việc triển khai Hệ thống VASSCM góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong thực hiện hồ sơ, thủ tục để đưa hàng ra khỏi kho bãi cảng; giảm tiếp xúc giữa hải quan và doanh nghiệp; giảm thời gian đi lại làm thủ tục của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, khắc phục được tình trạng ùn tắc tại cổng cảng/kho bãi; tạo ra sự thuận lợi, minh bạch trong quản lý điều hành công việc của doanh nghiệp. Đến nay, Hệ thống giám sát hải quan tự động đã và đang được thực hiện có hiệu quả tại 02 cảng biển, 23 kho ngoại quan và 01 địa điểm kiểm tra hàng xuất khẩu trên địa bàn Tỉnh.

Tiếp tục triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp:

Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc tăng cường triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp và đã đạt được những kết quả mang tính đột phá.

Đến nay, Cục Hải quan Quảng Ninh đã triển khai có hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tất cả các hệ thống phần mềm nghiệp vụ Hải quan ( VNACCS/VCIS, HQ36a, E-Manifest, E-Customs5…). 

Với 129/150 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 dành cho cấp Cục và cấp chi cục, chiếm 86% tổng số thủ tục hành chính thực hiện tại Cục Hải quan Quảng Ninh, trong đó có 120 thủ tục đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 93%), thời gian giải phóng hàng trung bình cho một lô hàng nhập khẩu là dưới 9 giờ 55 phút đối với hàng hóa nhập khẩu và 2 giờ 50 phút đối với hàng hóa xuất khẩu, giảm tỷ lệ tờ khai phần luồng đỏ xuống dưới 15% tổng tờ khai trong toàn Cục.

Ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện trong nghiệp vụ hải quan

Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Cục Hải quan Quảng Ninh cũng từng bước ứng dụng CNTT một cách toàn diện vào tất cả các mặt công tác nghiệp vụ của Cục như:

Giám sát quản lý về hải quan:

Cục Hải quan Quảng Ninh đã từng bước triển khai hệ thống CNTT phục vụ cho công tác quản lý theo từng chế độ, loại hình nghiệp vụ như: Quản lý gia công, sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chế xuất, theo dõi và quản lý cửa hàng miễn thuế, kho ngoại quan, chế độ riêng…

Các hệ thống này đã tạo ra một môi trường điện tử cho phép doanh nghiệp khai báo các thông tin về đối tượng hàng hóa chịu sự quản lý, giúp cơ quan hải quan tiếp nhận, xử lý, theo dõi tình hình thực hiện thủ tục hải quan của doanh nghiệp, quản lý các số liệu một cách đầy đủ, kịp thời, thực hiện các yêu cầu thanh khoản của doanh nghiệp. Nhờ áp dụng các hệ thống này, thời gian xử lý các công tác nghiệp vụ của cán bộ, công chức hải quan tại cơ sở đã giảm đáng kể.

Quản lý thu thuế xuất nhập khẩu:

Hàng năm tổng số tiền thuế thu qua hoạt động XNK chiếm tỷ trọng khoảng 90% tổng số thu ngân sách qua địa bàn (đạt khoảng 9 nghìn tỷ đồng/năm). Với việc triển khai hệ thống kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã đem đến những hiệu quả tích cực, đó là tăng mức độ chính xác trong công tác quản lý theo dõi nợ thuế; giảm khối lượng công việc.

Công tác quản lý giá tính thuế:

Cục Hải quan Quảng Ninh đã triển khai hệ thống quản lý thông tin giá tính thuế theo lộ trình của Tổng cục Hải quan. Đây là công cụ đắc lực giúp Hải quan Quảng Ninh quản lý, theo dõi các thông tin về giá của hàng hóa xuất nhập khẩu, qua đó đề ra được các biện pháp đấu tranh, chống gian lận thương mại qua giá.

Về quản lý rủi ro:

Việc triển khai hệ thống quản lý rủi ro đã mở ra một giai đoạn mới trong quá trình phát triển ứng dụng CNTT, đó là giai đoạn thực hiện các chuẩn mực của Tổ chức Hải quan thế giới trong thông quan hàng hóa.

Đến nay, hệ thống quản lý rủi ro hàng ngày, hàng giờ cung cấp thông tin phục vụ quá trình thông quan tự động, cũng như giúp Hải quan Quảng Ninh tập trung nguồn lực để xử lý hồ sơ có nghi vấn. Việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý rủi ro đã góp phần tạo thuận lợi thương mại, đồng thời nâng cao năng lực quản lý của cơ quan hải quan.

Kiểm tra sau thông quan và điều tra, chống buôn lậu, xử lý vi phạm:

Cục Hải quan Quảng Ninh đã triển khai các hệ thống CNTT phục vụ cho công tác kiểm tra sau thông quan và điều tra, chống buôn lậu, xử lý vi phạm. Các hệ thống trên đều đã được triển khai thống nhất trong toàn Cục và mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước về hải quan.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành

Bên cạnh việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong công tác nghiệp vụ hải quan, Cục Hải quan tỉnh Quảng ninh cũng đã ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành nội bộ của Cục Hải quan tỉnh và đã đạt hiệu quả cao. Hàng năm, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận và xử lý hàng chục ngàn  tờ khai hải quan với việc tuân thủ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật.

Để quản lý được khối lượng khổng lồ văn bản đi và đến cũng như thực hiện việc chỉ đạo điều hành nội bộ qua mạng, Cục Hải quan đã triển khai hệ thống E.Doc liên thông với Tổng Cục Hải quan, kết nối tự động 3 cấp: tổng cục - cục hải quan - chi cục hải quan; cho phép quản lý công văn đi, đến giúp giảm thiểu một lượng lớn giấy tờ; đồng thời, nâng cao tính kịp thời trong việc cung cấp, xử lý các văn bản của cán bộ, công chức hải quan trong cả nước...

Đặc biệt trong năm 2021, để đáp ứng tính tức thời trong công tác chỉ đạo và điều hành của các cấp lãnh đạo nhất là trong tình hình dịch Covid 19 đang diễn biến hết sức phức tạp, Cục Hải quan tỉnh Quảng ninh đã đưa vào ứng dụng có hiệu quả Phần mềm Hệ thống quản trị điều hành được triển khai dựa trên nền đám mây nội bộ bao gồm các thành phần Synology Drive, Synology Office và Synologuy Chat.

Đây là hệ thống có thể  giúp các cấp lãnh đạo của Cục Hải quan tỉnh có thể làm việc mọi lúc mọi nơi, liền mạch trên các thiết bị điện thoại, máy tính bảng bằng các các hệ điều hành Linux cũng như của Apple, chụp được màn hình, tạo được các bình chọn, bình luận được, hẹn giờ gửi thông tin được, làm việc được theo nhóm, giao việc được..., cộng tác trong thời gian thực và sử dụng được trong mạng LAN, WAN và Internet. Toàn bộ dữ liệu đều được lưu trữ trên hệ thống máy chủ đặt tại Phòng CNTT của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh do đó đáp ứng được tính bảo mật của thông tin.

Triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN

Mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Cục Hải quan vẫn tích cực đẩy mạnh triển khai thực hiện kịp thời những chỉ đạo của Tổng cục Hải quan về triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN, đến nay, Việt Nam đã thực hiện trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D bản điện tử (e-C/O form D) với 09 nước ASEAN: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào, Phillipine.

Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN đã giúp giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành; đồng thời đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, tích cực tham gia chuyển đổi số

Nhận thức việc tiếp cận và chủ động ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là chìa khóa để tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa hải quan, Cục Hải quan đã từng bước ứng dụng các công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý nhà nước về hải quan.

Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước về hải quan trong thời gian vừa qua vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Chưa ứng dụng đầy đủ công nghệ của CMCN 4.0; mức độ ứng dụng CNTT và tự động hóa ở một số lĩnh vực nghiệp vụ hải quan vẫn còn chưa cao.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan ngày càng nặng nề, yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước nói chung, cũng như ngành Hải quan, Cục Hải quan Quảng Ninh nói riêng phải tiến hành mạnh mẽ, hiệu quả và sâu rộng hơn nữa tiến trình cải cách, hiện đại hóa. Để thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi Cục Hải quan Quảng Ninh phải chủ động nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến do CMN 4.0 mang lại.