Kết nối và tăng trưởng kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Ngày 21 và 22/10/2014 tại Bắc Kinh - Trung Quốc, Bộ trưởng các nền kinh tế thành viên APEC đã nhóm họp Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 21 dưới sự chủ tọa của ông Lou Jiwei - Bộ trưởng Tài chính Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - nước chủ trì APEC 2014. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Tài chính Việt Nam tham dự Hội nghị.

Kết nối và tăng trưởng kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Nguồn: mof.gov.vn

Tham gia Hội nghị còn có Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Giám đốc điều hành hoạt động Ngân hàng thế giới (WB), Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, và Chủ tịch Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC.

Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC là cơ chế chủ chốt trong khuôn khổ hợp tác APEC nhằm thúc đẩy việc chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm trong điều hành và xử lý các vấn đề về chính sách tài chính và kinh tế vĩ mô giữa các nền kinh tế thành viên cũng như tăng cường đối thoại chính sách và nâng cao năng lực. Ngay trước Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC đã diễn ra Hội nghị Quan chức Tài chính cao cấp, Hội nghị Thứ trưởng Tài chính APEC và hoạt động đối thoại không chính thức với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC.

Sáu năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế thế giới đã dần được hồi phục. Tuy nhiên đà tăng trưởng vẫn còn khiêm tốn và tồn tại nhiều thách thức hơn dự tính. Với vai trò là động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cần có các biện pháp cả riêng rẽ và tập thể để ứng phó với những thách thức này. Hội nghị Bộ trưởng năm nay thảo luận bốn vấn đề cơ bản gồm tình hình hiện tại và triển vọng kinh tế thế giời và khu vực; hợp tác và tài trợ cơ sở hạ tầng; chính sách tài khóa, chính sách thuế và tái cơ cấu nền kinh tế; và cải thiện dịch vụ tài chính phục vụ cho khu vực sản xuất thực.

Với chủ đề thảo luận "Kết nối và Tăng trưởng kinh tế ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Đóng góp của tiến trình hợp tác tài chính APEC", các Bộ trưởng đã tập trung vào chủ đề tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng - điểm nhấn trong hợp tác tài chính APEC 2014. Hợp tác và phát triển cơ sở hạ tầng đóng vai trò chính yếu trong việc khơi dậy các tiềm năng tăng trưởng thông qua việc giảm thiểu các chi phí giao dịch thương mại, lưu chuyển con người và đầu tư.

Chính vì thế, đây được xác định là một chủ đề quan trọng và được thảo luận liên tục suốt nhiều năm trong tiến trình hợp tác tài chính APEC. Về việc này, với vai trò là nước chủ trì APEC 2014, Bộ Tài chính Trung Quốc đã phối hợp với các nền kinh tế thành viên để kết nối kết quả hợp tác trong năm 2013 và nâng cấp các sáng kiến của Indonesia nhằm thực hiện Kế hoạch nhiều năm về đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng (MYPIDI) đã được các Nguyên thủ Quốc gia thông qua tại Hội nghị cấp cao APEC 2013.

Đóng góp của các Bộ trưởng Tài chính lên Hội nghị cấp cao APEC 2014

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC nằm trong nhóm các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành cùng với các ngành khác như giáo dục, năng lượng, môi trường, viễn thông, du lịch,…được tổ chức thường xuyên để chuẩn bị nội dung cho Hội nghị cấp cao.

Theo chức năng nhiệm vụ của mình, các Bộ trưởng Tài chính APEC đã thảo luận kỹ và sẽ báo cáo lên Hội nghị cấp cao tình hình kinh tế vĩ mô của thế giới và khu vực APEC cũng như các biện pháp chính sách tài chính để khắc phục hậu quả khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu nhằm mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững và cân đối trong khu vực cũng như đối với từng thành viên.

Với trọng tâm hợp tác của năm 2014 là tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, năm nay các Bộ trưởng Tài chính APEC đã thống nhất trình lên Hội nghị cấp cao APEC để phê duyệt bản Lộ trình Thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Bản lộ trình này bao gồm các hướng dẫn cụ thể trong việc xây dựng các dự án PPP, đặc biệt là hỗ trợ chính phủ các nền kinh tế thành viên APEC hiểu rõ hơn, chuẩn bị và cơ cấu tốt hơn, cũng như thực hiện thành công các dự án PPP với cơ cấu vốn hợp lý hơn. Các nền kinh tế thành viên có thể coi đây là tài liệu tham khảo hữu ích trong việc triển khai mô hình đầu tư cơ sở hạ tầng PPP ở nước mình.

Tham gia của Việt Nam tại Hội nghị

Đoàn Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ càng nội dung tham gia lần này trên tinh thần là thành viên tích cực và có trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển chung của cả khu vực APEC. Những ý kiến đóng góp của Việt Nam đã được các Bộ  trưởng Tài chính APEC đánh giá cao. Cụ thể:

- Để khắc phục hậu quả khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững và cân bằng, Việt Nam cho rằng các nền kinh tế đang phát triển cần tập trung nỗ lực thực hiện biện pháp cơ cấu lại nền kinh tế. Trong năm 2014, tình hình kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến khả quan, tăng trưởng những tháng đầu năm 2014 cao hơn cùng kỳ năm trước; lạm phát được kiềm chế, giá cả ổn định, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ và kim ngạch xuất khẩu tăng khá; an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm; dự báo tăng trưởng GDP năm 2014 là 5,8%, nếu điều kiện thuận lợi sẽ đạt cao hơn. Với các biện pháp được triển khai đồng bộ trong thời gian qua, chương trình cơ cấu lại nền kinh tế đã thu được nhiều kết quả khả quan, trong đó các biện pháp tài khóa và cải cách thuế đóng vai trò quan trọng.

- Việt nam đánh giá cao chủ đề phát triển cơ sở hạ tầng. Tại Việt nam, cũng như nhiều nền kinh tế đang phát triển trong khu vực, nhu cầu về nguồn vốn đầu tư cho các dự án CSHT là rất lớn. Việc tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiêm và nâng cao năng lực trong việc tìm kiếm và khơi thông các dòng vốn đầu tư cho CSHT, đặc biệt là việc huy động các nguồn vốn của khu vực tư nhân thông qua các dự án PPP là vấn đề Việt Nam đang quan tâm. Việt Nam ủng hộ việc đưa vào Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Tài chính Lộ trình triển khai nhằm phát triển thành công các dự án PPP trong khu vực APEC. Tuy nhiên, đây là công việc liên quan đến nhiều bộ ngành và nhiều lĩnh vực. Vì vậy, Việt Nam đề nghị trình lên Hội nghị cấp cao để thông qua Lộ trình này và giao cho các kênh hợp tác liên quan của APEC cùng phối hợp triển khai. Sau khi được Hội nghị cấp cao thông qua, Lộ trình này cần được xây dựng chi tiết để thực sự trở thành tài liệu tham khảo hữu ích cho các nền kinh tế thành viên.

Cuộc thảo luận của các Bộ trưởng Tài chính APEC đã diễn ra cởi mở và sâu sắc, tăng cường mối quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các nền kinh tế thành viên, đóng góp tích cực vào sự thành công của Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC và thúc đẩy sự phát triển hài hòa trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.