Khẳng định thương hiệu trung tâm đào tạo hàng đầu

Văn Trường

(Tài chính) Hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Học viện Tài chính – Cái nôi đào tạo nhiều thế hệ sinh viên giữ các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, để hiểu rõ hơn về công tác đào tạo và ng­hiên cứu khoa học, Tài chính & Đầu tư đã có cuộc phỏng vấn GS., TS., NGND. Ngô Thế Chi – Giám đốc Học viện Tài chính.

PV: Xin Giáo sư khái quát một số thành quả nổi bật của Học viện Tài chính (HVTC) trong chặng đường 50 năm trưởng thành và phát triển?

Khẳng định thương hiệu trung tâm đào tạo hàng đầu - Ảnh 1
GS.,TS.,NGND. Ngô Thế Chi
Giám đốc Học viện Tài chính
GS., TS. Ngô Thế Chi: Với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ viên chức của Học viện trong suốt 50 năm qua và nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo, HVTC đã đạt được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như: Huân chương độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba. Hơn nữa, HVTC đã đào tạo ra được nhiều thế hệ sinh viên (SV) (trên dưới 70.000 SV, trong đó có những cựu SV giữ các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước).

Về cơ sở vật chất của Học viện, trong 50 năm dần dần từng bước được cải thiện, từ cơ sở ban đầu ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội với 2 khóa SV trong những năm 1964 – 1965 và phải đi sơ tán tại xã Lãng Công, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm tháng giặc Mỹ bắt đầu mở chiến dịch chiến tranh phá hoại miền Bắc Xã hội chủ nghĩa. Đến nay, cơ sở vật chất của Học viện tương đối tốt.

Công tác nghiên cứu khoa học (NCKH): HVTC luôn chú trọng vào hoạt động NCKH và triển khai đồng bộ có hiệu quả hướng vào các nghiên cứu phục vụ cho giảng dạy và học tập. Qua đó, Học viện đã hoàn thành hàng trăm đề tài các cấp, trong đó có đề tài cấp nhà nước, cấp bộ để phục vụ cho việc hoạch định chính sách kinh tế - tài chính của Ngành.

Điểm đặc biệt, trong vài năm gần đây, HVTC đã mở rộng liên kết hợp tác đào tạo và NCKH, tích cực triển khai các hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài. Theo đó, Học viện đã liên kết với Học viện Kinh tế - tài chính Lào, mở được 3 lớp đào tạo Thạc sỹ tại Thủ đô Viêng Chăn. Bên cạnh đó, thời quan qua, Học viện đã đào tạo được trên 400 Cử nhân, Thạc sỹ, Tiến sỹ của Lào học tập tại Việt Nam. Đội ngũ này khi trở về Lào, họ làm việc rất tốt và nắm giữ các vị trí quan trọng của ngành Tài chính như: Bộ trưởng, Giám đốc Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước các địa phương.

Cùng với đó, Học viện đã phối hợp liên kết đào tạo Thạc sỹ với nước ngoài như: Dự án đào tạo Thạc sỹ với các trường của Anh; Đào tạo liên thông Đại học với trường của Hong Kong; Đào tạo chương trình CCA (Anh) và BBA liên kết đào tạo với New Zealand… Ngoài ra, HVTC luôn chú trọng đổi mới nội dung chương trình giảng dạy, gắn đào tạo, NCKH với thực tiễn (SV của trường năm nào cũng đi thi Olympic và đạt được nhiều giải cao).

HVTC được đánh giá là một trong những cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế - tài chính của đất nước. Vậy, đâu là “bí quyết” tạo nên thành công trên, thưa Giáo sư?

Theo số liệu khảo sát hàng năm của HVTC, có đến 96% SV tốt nghiệp trường HVTC hằng năm ra trường đều có việc làm, trong đó có khoảng 60% có việc làm ngay trong 3 tháng đầu. Để có được kết quả trên phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như:

Thứ nhất, điểm đầu vào của HV thường nằm ở top trên;

Thứ hai, tập thể đội ngũ giảng viên luôn tâm huyết với nghề, thường xuyên đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy, đổi mới giáo trình, đưa thực hành vào trong trường để cho SV nắm bắt được thực hành để khi ra trường đáp ứng được yếu cầu công việc;

Thứ ba, cứ 3 năm, HVTC tiến hành đổi mới giáo trình một lần, hàng năm rà soát nội dung chương trình môn học nhằm giảm bớt lý thuyết tăng thực hành;

Thứ tư, khuyến khích SV NCKH, hàng tháng xuất bản nội san SV NCKH để SV học tập và tiếp cận được với thực tế.

Ngoài ra, Ban lãnh đạo nhà trường đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm: Giữ ổn định quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo kết hợp với củng cố và mở rộng các chuyên ngành phù hợp với nhu cầu của xã hội và định hướng phát triển của Học viện; Tăng cường gắn kết đào tạo, NCKH với thực tiễn; SV Học viện tu dưỡng, rèn luyện cả chuyên môn và đạo đức… Tất cả những yếu tố nói trên đã tạo nên chất lượng và thương hiệu HVTC.

Kỳ thi tuyển sinh Đại học đã kết thúc, Giáo sư có thể điểm lại những kết quả nổi bật của kỳ thi tuyển sinh năm nay của HVTC?

Không giống với Kỳ thi tuyển sinh Đại học các năm trước, năm nay, số lượng thí sinh đăng ký thi vào Học viện giảm 50% so với năm ngoái. Điều đó là hợp lý với xu hướng hiện nay, vì thực tế vài năm trở lại đây cho thấy, tình trạng nguồn nhân lực ngành kinh tế tốt nghiệp ở các trường là “quá tải” và không xin được việc làm. Tuy nhiên, kết thúc Kỳ thi tuyển sinh, HVTC vẫn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu đặt ra. (Tổng chỉ tiêu năm 2013: 3350). Số SV đỗ vào trường HVTC năm nay vẫn đảm bảo chất lượng và đúng quy chế tuyển sinh.

Bên cạnh đó, để thu hút các thí sinh có điểm cao trên 20 điểm ở các trường khác, Học viện dành khoảng trên 200 chỉ tiêu tuyển sinh nguyện vọng 2 cho các thí sinh. Đáng chú ý, năm nay, Học viện có 3- 4 thủ khoa thi vào các chuyên ngành khác nhau, đạt 27,5 điểm.

Thời gian tới, HVTC sẽ tiếp tục chú trọng vào những mục tiêu và nhiệm vụ nào để bắt kịp với xu hướng hội nhập và phát triển ngày càng sâu rộng, thưa Giáo sư?

Một trong những mục tiêu quan trọng của HVTC đang hướng tới là xây dựng HVTC hội nhập và phát triển để bắt kịp với xu hướng của thời đại hiện nay. Để làm được điều đó, trước hết, chúng tôi đang tập trung nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới cơ cấu đào tạo và NCKH. Đồng thời, từ vài năm trước, chúng tôi đã lên kế hoạch viết giáo trình giảng dạy bằng tiếng Anh; Tổ chức các cuộc Hội thảo, qua đó thành lập được Ban nghiên cứu, khảo sát thực tế để tìm hiểu những điều xã hội cần; Từ năm học 2012- 2013, trường HVTC đã đưa vào một số môn học vào giảng dạy và học tập bằng tiếng Anh.

Đặc biệt, tăng cường các hoạt động liên kết đào tạo và NCKH với các trường Đại học, Viện nghiên cứu, các tổ chức trong nước và quốc tế; tiếp tục chú trọng các hoạt động hợp tác đào tạo với CHDCND Lào. Đẩy mạnh việc gắn kết công tác đào tạo, NCKH và thực tiễn.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 8 - 2013