Kho bạc Nhà nước chú trọng mở rộng hợp tác quốc tế

Hoàng Anh

Trong nỗ lực cải cách hiện đại hóa các quy trình nghiệp vụ, Kho bạc Nhà nước (KBNN) luôn chú trọng việc mở rộng hợp tác quốc tế với các tổ chức tài chính quốc tế; tranh thủ kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài về kỹ thuật, nghiệp vụ kho bạc, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và các đơn vị sử dụng ngân sách.

Tranh thủ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia quốc tế

Hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng lộ trình phát tiển, cải cách và hiện đại hóa KBNN. Nhận thức rõ điều này, thời gian qua, KBNN luôn chú trọng việc mở rộng hợp với các tổ chức tài chính quốc tế uy tín như: Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… để trao đổi, tranh thủ kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài về kỹ thuật, nghiệp vụ kho bạc.

Minh chứng trong năm 2019, KBNN đã tổ chức thành công các hội thảo quốc tế về lĩnh vực nghiệp vụ kho bạc. Thông qua các hội thảo, các buổi làm việc theo chủ đề với các chuyên gia của IMF về quản lý ngân quỹ, đổi mới chức năng quản lý của KBNN, định hướng Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 – 2030, KBNN đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, tạo tiền đề, cơ sở vững chắc cho các hoạt động hợp tác trong tương lai.

Thông qua các hội thảo, các buổi làm việc theo chủ đề với các chuyên gia của IMF về quản lý ngân quỹ, đổi mới chức năng quản lý của KBNN, định hướng Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 – 2030, KBNN đã tích lũy nhiều kinh nghiệm tạo tiền đề, cơ sở vững chắc cho phát triển hệ thống Kho bạc trong tương lai.

Trên cơ sở đó, KBNN đã nhận được sự hỗ trợ của IMF trong việc đánh giá hiện trạng và xây dựng các định hướng cải cách, hiện đại hóa dài hạn của KBNN. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để KBNN hoàn thiện Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030 và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, KBNN còn được IMF và Văn phòng Phát triển năng lực của IMF tại Thái Lan phối hợp hỗ trợ tổ chức các hoạt động đào tạo trực tuyến, đào tạo thông qua hình thức hội thảo, đào tạo tại nước ngoài (Thái Lan, Singapore, Ấn Độ…).

Trong lĩnh vực quản lý ngân sách, các chuyên gia của IMF đã tư vấn, đề xuất với KBNN định hướng đổi mới cơ chế kiểm soát cam kết chi phù hợp với thông lệ quốc tế, thực hiện quản lý cam kết chi trước khi đơn vị tổ chức đấu thầu, ký kết hợp đồng, phù hợp với ngân sách trung hạn và hàng năm; gắn kết dữ liệu thông tin điện tử và ghi nhận dữ liệu giữa các đơn vị đơn vị sử dụng ngân sách với hệ thống KBNN; thực hiện kiểm soát chi điện tử; tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sử dụng ngân sách gắn với quản lý chi ngân sách theo rủi ro và hoàn thiện cơ chế kiểm toán nội bộ của các bộ, ngành, địa phương; chuyển dần từ kiểm soát chi theo kết quả đầu vào sang kết quả đầu ra.

Trong lĩnh vực quản lý ngân quỹ, chuyên gia IMF đã hỗ trợ KBNN liên quan đến: Tài khoản tập trung, dự báo dòng tiền; bộ đệm ngân quỹ và ngân quỹ mục tiêu, mối quan hệ giữa quản lý ngân quỹ và quản lý nợ và thiết kế về thể chế, xây dựng chiến lược đối với các hoạt động về huy động vốn và quản lý ngân quỹ, xây dựng thông tư hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ của KBNN, xây dựng quy trình quản lý rủi ro trong quản lý ngân quỹ.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chương trình hỗ trợ kỹ thuật của IMF đã tác động khá lớn đến việc nâng cấp Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS) của KBNN. Tiếp thu các khuyến nghị và tư vấn của IMF, KBNN đã từng bước nâng cấp Hệ thống TABMIS phù hợp.

Trong lĩnh vực kế toán nhà nước và kiểm toán nội bộ, các chương trình hỗ trợ kỹ thuật của IMF cũng đã cung cấp các kinh nghiệm hữu ích giúp KBNN xây dựng Báo cáo tài chính nhà nước và kế toán đồ cải tiến, hoàn thiện chất lượng báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, cung cấp các thông tin tổng quan về kiểm toán nội bộ, dự kiến thời gian thiết lập và triển khai kiểm toán nội bộ; cấu trúc, quản trị, chính sách, các quy trình thủ tục, theo dõi, đo lường kết quả kiểm toán nội bộ và phân biệt chức năng thanh tra - kiểm tra với kiểm toán nội bộ…

Tăng cường đối thoại, trao đổi trực tiếp

Theo chương trình hợp tác kỹ thuật năm 2020, KBNN và IMF tiếp tục trao đổi, hợp tác về kỹ thuật trong các lĩnh vực như: Quản lý Quỹ ngân sách nhà nước, kế toán đồ, các quỹ tài chính nhà nước, quản lý ngân quỹ, kế toán và báo cáo, kiểm toán nội bộ... Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (Vụ Ngân sách Nhà nước, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán) làm việc với đoàn chuyên gia của IMF về các nội dung như: Thiết kế đổi mới kế toán đồ; rà soát chế độ kế toán, hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp và các biểu mẫu, nội dung của báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Về hình thức hợp tác, KBNN tiếp tục tăng cường đối thoại, trao đổi trực tiếp với tổ chức quốc tế, hoặc thông qua các chương trình hợp tác trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Tài chính và các tổ chức quốc tế để chủ động hơn nữa trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật; đồng thời, tăng cường năng lực cho cán bộ KBNN thông qua các chương trình hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ...

Với kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế và sự phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị trong hệ thống, giữa KBNN với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan, việc mở rộng hợp tác quốc tế sẽ thu nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu và Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 – Tháng 4/2020