Kho bạc Nhà nước Hải Phòng phát triển bền vững, hướng tới tương lai

ThS. Ngô Hải Trường

(Tài chính) Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) được thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 138/2007/QĐ-TTG ngày 21/8/2007.

KBNN Hải Phòng luôn hoàn thành nhiệm vụ thường xuyên của hệ thống Kho bạc. Nguồn: internet
KBNN Hải Phòng luôn hoàn thành nhiệm vụ thường xuyên của hệ thống Kho bạc. Nguồn: internet

Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước có mục tiêu tổng quát là: “Xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định, vững chắc trên cơ sở cải cách thể chế chính sách, hoàn thiện tổ chức bộ máy, gắn với hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực để thực hiện tốt các chức năng: quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN), các quỹ tài chính nhà nước và các quỹ khác của nhà nước được giao quản lý; quản lý ngân quỹ; tổng kế toán nhà nước; thực hiện việc huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển thông qua hình thức phát hành trái phiếu chính phủ theo quy định của pháp luật nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả và tính công khai, minh bạch trong quản lý các nguồn lực tài chính của nhà nước. Đến năm 2020, các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành kho bạc điện tử”.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, hệ thống KBNN đã xây dựng và triển khai thực hiện hàng loạt đề án, dự án lớn ngay khi Chiến lược được phê duyệt. Các dự án, đề án đều hướng đến thực hiện đầy đủ, với chất lượng ngày càng cao các chức năng của KBNN. Sau hơn 6 năm chiến lược được phê duyệt, KBNN với vai trò chỉ đạo,định hướng, tổ chức thực hiện mọi hoạt động của hệ thống KBNN đã chủ động xây dựng, tham mưu đề xuất Bộ Tài chính, Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng tạo hành lang pháp lý thực hiện các mục tiêu chiến lược đã đề ra. Một số đề án, dự án đã hoàn thành tạo đà cho việc thực hiện Chiến lược ở các năm tiếp theo, nhiều đề án, dự án tiếp tục được xây dựng, triển khai theo đúng lộ trình, thời gian đề ra.

Với vai trò là một đơn vị KBNN cấp tỉnh, KBNN Hải Phòng không những hoàn thành nhiệm vụ thường xuyên của hệ thống Kho bạc, mà còn tích cực tham gia triển khai thí điểm, triển khai diện rộng các đề án, dự án nhằm cụ thể hoá các mục tiêu chiến lược của ngành ở cấp cơ sở. Xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định, vững chắc trên cơ sở cải cách thể chế chính sách, hoàn thiện tổ chức bộ máy, gắn với hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực...

Ở cấp độ KBNN tỉnh, KBNN Hải Phòng đã tích cực tham gia vào các dự thảo của KBNN về cơ chế, chính sách, cũng như hoàn thiện bộ máy ở cấp tỉnh, cấp huyện như: Tham gia dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý tài sản công; Đề án Tổng kế toán Nhà nước; Chế độ kế toán nhà nước áp dụng cho hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc, Cam kết chi, Xác định vị trí việc làm của từng chức danh cán bộ công chức theo định hướng phát triển của Ngành…

Từ những kinh nghiệm ban đầu của việc triển khai thí điểm các chương trình ứng dụng như chương trình KTKB-PC; KTKB-LAN, thanh toán liên kho bạc, thu thuế công thương nghiệp…, KBNN Hải Phòng tiếp tục được Bộ Tài chính, KBNN tin tưởng giao nhiệm vụ triển khai thí điểm các đề án, dự án lớn của ngành trong việc thực hiện chiến lược phát triển hệ thống KBNN đến năm 2020 như: Dự án TABMIS; hiện đại hoá công tác thu thuế TSC phân tán; Nâng cấp nên thành TSC-TT, rồi đến TCS-PHT, thanh toán liên ngân hàng…

Với đội ngũ cán bộ công chức say mê nghiệp vụ, nhiệt tình, trách nhiệm cao trong công việc, tất cả các chương trình thí điểm tại KBNN Hải Phòng từ những ngày đầu thành lập đến nay đều thành công và được tiếp tục hoàn thiện triển khai diện rộng toàn quốc đã góp phần phát triển nhanh về công nghệ của hệ thống Kho bạc cả về hạ tầng truyền thông, trang thiết bị phần cứng, cũng như phần mềm ứng dụng, đặc biệt đã hình thành đội ngũ cán bộ công chức sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả.

Năm 2013 là một năm có nhiều khó khăn của đất nước nói chung, cũng như của hệ thống Kho bạc nói riêng, nhưng năm 2013 lại năm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hệ thống Kho bạc đó là năm hoàn thành triển khai diện rộng, tiếp nhận chuyển giao ứng dụng lõi của hệ thống công nghệ thông tin của Kho bạc đó là dự án TABMIS; là tiền đề để hệ thống Kho bạc xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện hiện đại hoá Kho bạc theo đề án chiến lược đề ra; TABMIS góp phần hình thành các nền tảng cơ bản để xây dựng mô hình tổng kế toán nhà nước

Các chương trình ứng dụng vệ tinh khác liên quan đã được thực hiện là phối hợp thu (TCS-PHT), thanh toán liên kho bạc, thanh toán liên ngân hàng, thanh toán song phương điện tử với 2 hệ thống NHTM lớn đó là hệ thống Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển và hệ thống Ngân hàng TMCP Công thương, đáp ứng yêu cầu thanh toán nhanh, chính xác và tập trung kịp thời các khoản thu vào NSNN trong những tháng cuối năm; đẩy nhanh tốc độ thanh toán của nền kinh tế; góp phần hiện đại hoá công nghệ thanh toán mở ra kênh thanh toán mới hiện đại, hạn chế tối đa việc thanh toán bằng tiền mặt của các đơn vị sử dụng NSNN; tạo tiền đề quan trọng để hình thành tài khoản kho bạc duy nhất (TSA- Treasury Single Account) của hệ thống Kho bạc, nhằm tập trung nhanh các nguồn lực tài chính của nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn NSNN tiết kiệm các chi phí phát sinh trong quá trình luân chuyển, điều hoà vốn trong nội bộ hệ thống.

Năm 2013 cũng là năm KBNN Hải Phòng thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tất cả 14 đơn vị KBNN quận, huyện trực thuộc đã hoàn thành việc xây dựng và triển khai áp dụng đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001: 2008, riêng Văn phòng KBNN Hải Phòng đã hoàn thành việc đánh giá giám sát hệ thống quản lý chất lượng sau 01 năm áp dụng, tạo sự công khai, minh bạch trong hoạt động nghiệp vụ của hệ thống Kho bạc tại địa phương. Góp phần nâng cao chất lượng phục vụ các đơn vị giao dịch, nhân dân trên địa bàn TP Hải Phòng.

Ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng ở tất cả các hoạt động nghiệp vụ của KBNN Hải Phòng từ công tác kế toán, thanh toán, kiểm soát chi, thanh tra, kho quỹ, tài vụ đến công tác tổ chức cán bộ, hành chính, văn thư lưu trữ…Việc thực hiện nghiêm các quy trình nghiệp vụ, thủ tục đã được toàn thể đội ngũ cán bộ công chức đơn vị tuân thủ đáp ứng tốt yêu cầu cải cách hành chính…

Đến năm 2013, KBNN Hải Phòng đã triển khai áp dụng 20 chương trình phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các mảng hoạt động nghiệp vụ, cụ thể là: Nghiệp vụ Kế toán, thanh toán đang sử dụng các chương trình ứng dụng: KTKB, TABMIS, Thanh toán điện tử LKB, Thanh toán điện tử liên ngân hàng (Citad), Thanh toán song phương điện tử (TT SPĐT), Hiện đại hoá thu (TSC_TT), phối hợp thu (TCS_PHT), Quản lý trái phiếu (BMS), Quản lý cấp mã QHNS, Quản lý yêu cầu. Trong đó các ứng dụng TABMIS, TSC_PHT BMS, TT LKB, Citad TT SPĐT là những ứng dụng được xây dựng theo mô hình tập trung đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về kế toán, thanh toán của hệ thống Kho bạc.

Nghiệp vụ Kiểm soát chi đang sử dụng các ứng dụng chính sau: TABMIS, Thanh toán vốn đầu tư, vốn CTMT, Quản lý yêu cầu. Ứng dụng thanh toán vốn đầu tư đang được nâng cấp, hoàn thiện thành chương trình đầu tư Kho bạc (ĐTKB) theo mô hình tập trung được giao diện với chương trình TABMIS sẽ góp phần nâng cao chất lượng kiểm soát vốn đầu tư cũng như hệ thống các báo cáo liên quan đến vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Bên cạnh đó, nghiệp vụ thanh tra đang sử dụng các ứng dụng chính sau: Giám sát từ xa để phục vụ việc giám sát, ngăn ngừa, quản lý rủi ro đối với hoạt động nghiệp vụ của Kho bạc. Nghiệp vụ tổng hợp đang sử dụng ứng dụng quản lý phát hành và thanh toán trái phiếu. Nghiệp vụ tin học đang sử dụng các ứng dụng Quản lý tài sản; Quản lý yêu cầu; Sao lưu dữ liệu và tham gia quản trị tất cả các ứng dụng hiện có của hệ thống Kho bạc đảm bảo việc truyền, nhận dữ liệu, nâng cấp, cập nhật các ứng dụng kịp thời theo yêu cầu quản lý.

Nghiệp vụ Kho quỹ đang sử dụng ứng dụng Quản lý kho quỹ và Quản lý trái phiếu, tuy nhiên do việc định hướng giảm dần việc chi tiêu bằng tiền mặt của các đơn vị sử dụng NSNN do đó chương trình
Quản lý kho quỹ cũng không được phát triển theo mô hình tập trung mà thực hiện phân tán tại mỗi đơn vị Kho bạc.

Nghiệp vụ Tài vụ đang sử dụng các ứng dụng Kế toán nội bộ, Quản lý tài sản, Ứng dụng KTNB đã được xây dựng theo mô hình tập trung đáp ứng được yêu cầu phát triển của hệ thống đến năm 2020 và ứng dụng này đã được Bộ Tài chính lựa chọn tiếp tục nâng cấp triển khai rộng ra các hệ thống đơn vị thuộc Bộ tài chính: Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan, Dự trữ Nhà nước…

Nghiệp vụ Hành chính, quản trị đang sử dụng các ứng dụng Quản lý tài sản, truyền nhận văn bản của thành phố có sử dụng chữ ký số. Nghiệp vụ Tổ chức cán bộ đang sử dụng các ứng dụng Quản lý cán bộ, Thi đua khen thưởng.

Ngoài ra tất cả các phòng nghiệp vụ, các KBNN huyện đều sử dụng các phần mềm hệ thống INTRANET để trao đổi thông tin nội bộ, sử dụng thư điện tử, chat...; Phần mềm diệt virus (Kaspersky), Phần mềm Office trong soạn thảo văn bản, báo cáo nhanh; trình chiếu… phục vụ các yêu cầu quản lý riêng lẻ.

Có thể khẳng định công nghệ thông tin đã được triển khai và ứng dụng tại tất cả các nghiệp vụ của KBNN Hải Phòng đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ công chức Kho bạc. 100% cán bộ nghiệp vụ đều có hộp thư điện tử và khai thác sử dụng trong quá trình thực thi nhiệm vụ ở các mức độ khác nhau, từng bước tạo ra đội ngũ cán bộ sử dụng thành thạo công nghệ thông tin tạo tiền đề vững chắc cho việc hình thành và vận hành Kho bạc điện tử vào năm 2020.

Bài đăng trên Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia số 1+2/2014