Mua sắm tài sản công đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả

Theo Cổng thông tin Điện tử Bộ Tài chính

Trong những tháng đầu năm 2012, các bộ, ngành, địa phương vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm túc tạm dừng mua sắm mới tài sản theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ. Việc mua sắm tài sản phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Mua sắm tài sản công đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả

Ngày 10/5/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về một số giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, theo đó cho phép các Bộ, ngành và địa phương thực hiện việc mua sắm tài sản từ khoản kinh phí năm 2011 đã được bố trí nguồn nhưng chưa sử dụng vì thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 11/NQ-CP và đã được chuyển sang năm 2012.

Việc thực hiện mua sắm tài sản phải đảm bảo theo nguyên tắc: Kinh phí mua sắm ô tô trong dự toán ngân sách được cơ quan có thẩm quyền giao; việc mua sắm ô tô thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại theo quy định; việc mua sắm tài sản phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Đối với việc tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá từ NSNN theo phương thức tập trung, sau 5 năm thực hiện, công tác này ngày càng được đẩy mạnh, hoàn thiện và mở rộng hơn về quy mô và đối tượng. Trước đây, tài sản mua sắm tập trung chủ yếu là các trang thiết bị văn phòng, thiết bị giáo dục, trang thiết bị y tế, tin học, đến nay nhiều loại tài sản khác đã được thực hiện mua sắm tập trung, như xe ô tô, phương tiện vận tải chuyên dùng, máy soi container, máy đo CO2, N2, tem thuốc lá, dịch vụ hảo hiểm tài sản, thiết bị an toàn kho quỹ, phương tiện của lực lượng bảo vệ, đồ dùng cho công tác đối ngoại, lễ tân của nhà nước, các công cụ, phương tiện hỗ trợ công tác thi hành án...

Theo báo cáo của một số Bộ, ngành, địa phương, từ năm 2008 đến năm 2012, số tiền tiết kiệm được qua việc mua sắm tài sản tập trung là trên 467 tỷ đồng (năm 2008 là 66,5 tỷ đồng, năm 2009 là 109,3 tỷ đồng, năm 2010 là 21,2 tỷ đồng, năm 2011 là 266,5 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2012 là 5,2 tỷ đồng). Việc thực hiện mua sắm tài sản tập trung đã góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức của các cơ quan, đơn vị về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đáp ứng được yêu cầu trang bị hiện đại, đồng bộ về tài sản, góp phần đổi mới công nghệ quản lý theo hướng cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là việc trang bị thiết bị công nghệ thông tin, trang thiết bị chuyên dùng trong ngành: Kho bạc Nhà nước, Hải quan, Dự trữ Nhà nước, Ngoại giao, Toà án, Kiểm sát, Y tế, Giáo dục...

Từ việc thực hiện mua sắm tài sản tập trung, các Bộ, ngành, địa phương có điều kiện rà soát, điều chuyển, bố trí sử dụng có hiệu quả tài sản giữa các cơ quan, đơn vị khi cần phải xử lý; các đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản không mất nhiều thời gian cho việc mua sắm tài sản, dành nhiều thời gian hơn cho công tác chuyên môn của đơn vị mình.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của phương thức mua sắm tài sản tập trung, Chính phủ sẽ chỉ đạo tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm và mở rộng triển khai trên phạm vi cả nước. Đồng thời hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản, hàng hoá của các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước. Từng bước hình thành tổ chức chuyên trách mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung ở các bộ, ngành, địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán việc mua sắm công của các bộ, ngành, địa phương và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm.

Trong tháng 9, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2012/NĐ-CP ngày 06/9/2012 quy định việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Theo quy định tại Nghị định này, các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại khu vực hành chính sự nghiệp, tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước sẽ bị xử lý nghiêm. Bên cạnh các hình thức xử phạt chính (phạt tiền, cảnh cáo), tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2012.

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo đó, việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm các phương thức: Bán quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong một thời hạn nhất định cho tổ chức, đơn vị, cá nhân; Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong một thời hạn nhất định cho tổ chức, đơn vị, cá nhân; Chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho tổ chức, đơn vị, cá nhân...

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đúng quy định của pháp luật để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 07/9/2012 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi sẽ được sử dụng cho cả mục đích dân dụng và quân sự. Nguồn vốn thực hiện đầu tư, bên cạnh vốn thu từ quỹ đất còn có nguồn vốn của doanh nghiệp cảng hàng không, ngân sách của thành phố Hải Phòng và các nguồn vốn hợp pháp khác.