Nâng cao chất lượng công tác quản lý tài chính nội ngành Tài chính

Theo Cổng thông tin Điện tử Bộ Tài chính

(Tài chính) Ngày 3/5, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị Giao ban đánh giá kết quả công tác tài chính nội Ngành năm 2012 và giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch năm 2013. Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh chủ trì và chỉ đạo Hội nghị.

Nâng cao chất lượng công tác quản lý tài chính nội ngành Tài chính
Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh phát biểu tại Hội nghị. Nguồn: Internet
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý tài chính, đầu tư xây dựng của Bộ Tài chính cho thấy: năm 2012, công tác quản lý tài chính nội Ngành đã được thực hiện nghiêm túc, đúng nguyên tắc, nhất là trong công tác thực hiện lập, phê duyệt, giao dự toán và chấp hành dự toán theo quy định; thực hiện chi thường xuyên đảm bảo nội dung, mức chi quy định, mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Luật Đấu thầu. Trong quản lý dự án đầu tư xây dựng đã đảm bảo phù hợp quy hoạch được phê duyệt, việc lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng kinh tế đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng quy định.

Việc phân bổ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), kế hoạch vốn đầu tư xây dựng đã tuân thủ theo đúng quy định của Luật NSNN, cơ chế tài chính đối với từng lĩnh vực, cơ chế quản lý tài chính đặc thù của các hệ thống và Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nguyên tắc và giải pháp tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Thực hành tiết kiệm chi thường xuyên, đảm bảo thực hiện các dự án trong quy hoạch, bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng đối với các công trình trọng điểm của Bộ Tài chính, các hệ thống và theo thực tế thực hiện, khả năng giải ngân của từng đơn vị; không bố trí, phân bổ cho những nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết. Trên cơ sở đó đảm bảo cân đối, tập trung nguồn lực thực hiện các chiến lược, đề án, dự án hiện đại hóa trọng tâm của ngành, các đơn vị nhằm đẩy nhanh thực hiện dự án, giải ngân vốn của toàn ngành.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã quán triệt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng, công khai kinh phí, tài sản… Từ đó, ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản, trang thiết bị, xe ô tô…; lập sổ theo dõi sử dụng phương tiện đi lại, thực hiện công khai dự toán, quyết toán, tài sản, đầu tư xây dựng theo quy định.

Báo cáo tổng kết cũng chỉ rõ một số điểm còn tồn tại trong công tác quản lý tài chính, công tác quản lý đầu tư xây dựng… bên cạnh đó đưa ra kế hoạch và giải pháp thực hiện công tác quản lý tài chính, đầu tư xây dựng năm 2013.

Xác định rõ tình hình của năm 2013, là năm ngành Tài chính thực hiện nhiệm vụ của mình với yêu cầu hiện đại hóa rất lớn, đó là yêu cầu tăng cường sử dụng văn bản điện tử, cải cách hành chính của Chính phủ; là năm mà các dự án hiện đại hóa lớn của ngành đều đưa vào thực hiện như: hệ thống TABMIS chuyển sang giai đoạn tiếp nhận; hệ thống ITAIS bắt đầu tổ chức triển khai thực hiện; hệ thống VNACCS bắt đầu triển khai thử nghiệm từ tháng 6/2013…

Đứng trước những nhiệm vụ đó, với mục tiêu tiếp tục đổi mới công tác quản lý, điều hành của Bộ Tài chính và của các đơn vị thuộc Bộ đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời cân đối nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phục vụ các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của toàn Ngành; kiện toàn tổ chức bộ máy, công tác cán bộ trong các lĩnh vực quản lý nội bộ ngành… Bộ Tài chính đã có những cải cách, đổi mới so với các năm trước trong việc xây dựng dự toán, thẩm định, tổng hợp, phân bổ, giao dự toán thu, chi NSNN năm 2013.

Theo đó, trọng tâm sẽ hoàn chỉnh, ban hành các văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa chính sách, chế độ, quy trình quản lý trong các lĩnh vực quản lý ngành đảm bảo đồng bộ, đầy đủ và phù hợp với đặc điểm các đơn vị trong ngành; tập trung ban hành cơ chế quản lý tài chính và biên chế từ năm 2014 của Kho bạc Nhà nước và đổi mới cơ chế quản lý tài chính các đơn vị sự nghiệp công, đơn vị nghiên cứu khoa học thuộc Bộ.

Trong thời gian từ nay đến năm 2015, đồng thời với việc tổ chức triển khai thực hiện đề án áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tài chính, đầu tư xây dựng, tài sản và kế toán trong các đơn vị, hệ thống thuộc Bộ Tài chính gồm: Tổng cục Thuế, Hải quan, Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước có kế hoạch củng cố bộ máy quản lý tài chính, tài sản tại cấp Cục để đảm bảo từng bước thực hiện phương án các đơn vị cấp huyện (cấp chi cục) không làm đầu mối sử dụng ngân sách, đơn vị cấp tỉnh (cấp cục) chịu trách nhiệm toàn bộ đối với các huyện trực thuộc.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đặt ra nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, kiểm toán nội bộ nhằm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án nội ngành.

Hội nghị Giao ban lần này cũng ghi nhận nhiều ý kiến của các hệ thống, các đơn vị thuộc Bộ trong quá trình triển khai công tác quản lý tài chính, các kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đối với công tác quản lý tài chính, công tác đầu tư xây dựng cơ bản năm 2013 của ngành Tài chính.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Sỹ Danh đánh giá cao kết quả thực hiện công tác quản lý tài chính nội ngành năm 2012. Thứ trưởng nhấn mạnh, trong năm 2013 và các năm tiếp theo, Bộ Tài chính cần thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp quản lý tài chính nội ngành, các đơn vị thuộc Bộ phải đề ra chỉ tiêu giải ngân một cách hiệu quả, kết hợp với ký kết giao ước thi đua, để từ đó nêu cao chương trình hành động cho kế hoạch 5 năm (2011 - 2015).

Thứ trưởng Phạm Sỹ Danh cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ: Tăng cường sự hợp tác hơn nữa để nâng cao chất lượng công tác quản lý tài chính nội ngành; Vụ kế hoạch tài chính cần tiếp thu nghiêm túc đầy đủ các ý kiến, trên cơ sở đó phân nhóm công việc cụ thể, nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với những quy định mới của Đảng, Nhà nước và Chính phủ; Chú trọng công tác tổ chức cán bộ đối với công tác quản lý tài chính nội ngành, cần quan tâm hơn nữa tới công tác đào tạo cán bộ; cần phải gắn công tác quản lý với thực tế cơ sở do tính đặc thù trong công tác quản lý tài chính nội ngành rất đa dạng để từ đó có hình thức quản lý phù hợp và hiệu quả hơn; Các đơn vị phải đặc biệt chú trọng tới công tác phối hợp và vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa vì bài học kinh nghiệm từ thực tế cho thấy: sự quyết tâm mệnh lệnh hành chính là chưa đủ.