Nâng cao hiệu quả chống gian lận trốn thuế trước và sau thông quan

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Trong những năm qua ngành Hải quan đã và đang có hướng đi mạnh mẽ trong hiện đại hóa, triển khai quản lý tuân thủ đối với doanh nghiệp (DN). Trong đó, áp dụng quản lý rủi ro (QLRR) và kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) làm nền tảng kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), kịp thời ngăn chặn hành vi gian lận, trốn thuế.

Nâng cao hiệu quả chống gian lận trốn thuế trước và sau thông quan
Ngành Hải quan đã và đang có hướng đi mạnh mẽ trong hiện đại hóa, triển khai quản lý tuân thủ đối với DN. Nguồn: internet

Tăng cường hoạt động quản lý rủi ro

Theo quy định của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), Công ước Kyoto, đặc biệt là theo quy trình của các nước ASEAN, KTSTQ là hoạt động kiểm tra thông thường của cơ quan hải quan nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của DN, đồng thời phát hiện những sai sót của chính cơ quan hải quan trong quá trình làm thủ tục thông quan.

Theo Ban Quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan cho hay, về cơ bản pháp luật quốc tế coi KTSTQ thực chất là khâu nghiệp vụ tiếp theo sau khi đã hoàn thành các thủ tục hải quan. Qua KTSTQ, cơ quan hải quan có thêm thông tin để xác định mức độ tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân, làm cơ sở cho việc xác định ưu tiên áp dụng, quản lý rủi ro khi tiến hành các thủ tục XNK.

Hiện nay, để phòng ngừa gian lận thương mại, trốn thuế, cơ quan hải áp dụng mạnh mẽ kỹ thuật QLRR như: đánh giá rủi ro, lập hồ sơ rủi ro và kỹ thuật lựa chọn nhằm xác định trọng điểm các lô hàng có rủi ro cao cho mục đích kiểm tra thực tế, giúp giải phóng phần lớn lượng hàng từ khu vực kiểm soát hải quan. Hai là, áp dụng KTSTQ trên cơ sở nguyên tắc QLRR, căn cứ trên những phân tích nghiệp vụ, thông tin thu thập được.

Dự thảo Luật Hải quan bổ sung, sửa đổi dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp giữa năm nay, cũng xác định công tác KTSTQ được tiến hành theo nguyên tắc QLRR, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các hồ sơ thuộc diện ưu tiên, ưu đãi, miễn kiểm tra.... Theo đó, các quy định về KTSTQ được sửa đổi, bổ sung theo hướng xác định rõ mục đích chủ yếu của việc KTSTQ là nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của DN để làm cơ sở cho việc thực hiện ưu tiên đối với các DN có quá trình chấp hành tốt pháp luật hải quan.

Tổ chức Hải quan thế giới cũng nêu quan điểm, chiến lược quản lý tuân thủ hải quan nên xoay quanh việc hỗ trợ QLRR và KTSTQ.

Nâng cao hiệu quả kiểm soát hải quan

Hiện nay cơ quan hải quan áp dụng QLRR để lựa chọn đối tượng KTSTQ đối với hàng hóa XNK, bao gồm 3 trường hợp chính, nhằm nâng cao hiệu quả phân loại DN.

Một là, xây dựng tiêu chí, ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ để xác định các trường hợp miễn kiểm tra hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong thông quan được lựa chọn để KTSTQ.

Hai là, các trường hợp đã thực hiện kiểm tra trong thông quan nhưng chưa có điều kiện làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan được hệ thống QLRR cảnh báo và chuyển sang KTSTQ.

Ba là, qua thu thập, phân tích thông tin về lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu sau khi đã được thông quan phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan.

Theo quy trình, đơn vị, công chức KTSTQ sẽ cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin kết quả kiểm tra vào hệ thống để phục vụ QLRR như các dấu hiệu bất thường được phát hiện qua KTSTQ; Thái độ hợp tác của DN trong KTSTQ.

Trường hợp DN không hợp tác hoặc có hành vi trì hoãn việc cung cấp hồ sơ, chứng từ, theo quy định của pháp luật về KTSTQ, sẽ bị lập biên bản và chuyển sang áp dụng hình thức kiểm tra thực tế hàng hóa đối với những lô hàng xuất nhập khẩu sau đó…

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã phê duyệt (Quyết định số 1773/QĐ-BTC ngày 30/7/2013), đề án tăng cường năng lực QLRR của ngành Hải quan giai đoạn 2013 - 2015, tầm nhìn 2020, yêu cầu cần thiết phải kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của đơn vị chuyên trách QLRR.

Kiện toàn hoạt động QLRR ở ba cấp: Tổng cục, cục hải quan, chi cục hải quan và đơn vị thu thập, xử lý thông tin, vừa đảm bảo tính hệ thống, vừa đảm bảo tính đặc thù, đáp ứng tiến trình hội nhập quốc tế và cải cách hiện đại hóa hải quan, nhằm đảm bảo: “Minh bạch - Hiệu quả - Thuận lợi” cho hoạt động XNK, xuất nhập cảnh.