Người thủ kho có nhiều sáng kiến hay của ngành Dự trữ Quốc gia

Hồng Sâm

Đó là anh Lê Văn Hòa, một thủ kho giỏi và có nhiều sáng kiến hay của Chi cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) Hòa Vang, Cục DTNN khu vực Đà Nẵng, Tổng cục DTNN. Anh là tấm gương vượt khó, dám nghĩ, dám làm, không nề hà bất kỳ nhiệm vụ nào. Không những thế, anh biết tự học hỏi, trau dồi kiến thức để làm chủ công nghệ và đáp ứng được những yêu cầu mới đặt ra.

Anh Lê Văn Hòa (áo màu xanh) tại lễ bàn giao 04 bộ xuồng DT4 của Tổng cục DTNN cho lực lượng cảnh sát biển.
Anh Lê Văn Hòa (áo màu xanh) tại lễ bàn giao 04 bộ xuồng DT4 của Tổng cục DTNN cho lực lượng cảnh sát biển.

Tự học để làm chủ công nghệ mới

Người thủ kho có nhiều sáng kiến hay của ngành Dự trữ Quốc gia - Ảnh 1

Anh Lê Văn Hòa - Chi cục DTNN Hòa Vang, Cục DTNN khu vực Đà Nẵng.

Trong những năm qua, anh Lê Văn Hòa luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo quản vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia (DTQG) an toàn, đảm bảo số lượng, chất lượng. Đặc biệt, anh còn có nhiều sáng kiến thiết thực được áp dụng một cách hiệu quả tại Chi cục DTNN Hòa Vang, cũng như trong toàn Cục DTNN khu vực Đà Nẵng. 

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Điện Bàn Quảng Nam - vùng đất đã đi vào ca dao: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm…”, vậy nên hơn ai hết, anh Lê Văn Hòa thấu hiểu những nỗi cơ cực của người dân đất Quảng khi phải vượt qua bao khắc nghiệt của thiên nhiên để tồn tại và vươn lên xây dựng quê hương, đất nước.

Cũng chính từ đây với phẩm chất chịu thương, chịu khó và quyết không để những khó khăn khuất phục, với bản chất của những con người sống tại miền đất này đã được hun đúc trong anh để trở thành 1 cán bộ điển hình của Tổng cục DTNN. Anh là tấm gương vượt khó, dám nghĩ, dám làm, không nề hà bất kỳ nhiệm vụ nào. Không những thế, anh biết tự học hỏi, trau dồi kiến thức để làm chủ công nghệ và đáp ứng được những yêu cầu mới đặt ra.

Là người được giao nhiệm vụ bảo quản vật tư thiết bị, trước yêu cầu về kỹ thuật mới, hiện đại đối với những mặt hàng dự trữ như xe máy, xuồng cứu nạn, anh đã tích cực tìm hiểu tính năng kỹ thuật về các mặt hàng này qua tài liệu, sách hướng dẫn để nắm chắc nguyên lý hoạt động và các yêu cầu kỹ thuật của máy móc thiết bị.

Cùng với đó, anh tiếp tục phát huy những kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm làm công tác bảo quản xe máy, tuân thủ nghiêm quy trình, quy phạm, thời gian quy định bảo quản cho từng loại vật tư dự trữ.

Vì thế, qua nhiều năm bảo quản với khối lượng xe, xuồng nhiều, trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết của miền Trung và nhiều yếu tố ảnh hưởng khác, nhưng vật tư thiết bị trong điểm kho do anh trực tiếp quản lý, bảo quản, luôn được giữ gìn an toàn và bảo đảm số lượng, chất lượng.

Bên cạnh việc bảo quản vật tư thiết bị, anh cũng được giao nhiệm vụ tiếp nhận, nhập và bảo quản gạo. Trong quá trình làm việc, anh luôn biết lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, luôn chịu khó mày mò nghiên cứu tài liệu nên đã từng bước làm chủ công nghệ bảo quản, áp dụng tốt các biện pháp nghiệp vụ với các kỹ thuật bảo quản gạo trong môi trường áp suất thấp; trong môi trường khí nitơ.

Để bảo quản gạo, anh đã làm tốt công tác chuẩn bị như bố trí kho tàng, vật tư dụng cụ, phương tiện, tạo thuận lợi cho công tác xuất nhập; nắm chắc từng chỉ tiêu chất lượng hàng hóa nhập thông qua hướng dẫn về quy định tiếp nhận hàng của ngành dự trữ. Vì thế, công tác xuất nhập luôn an toàn, nhanh chóng, đủ  số lượng, đảm bảo chất lượng. Điểm kho của anh luôn đảm bảo sự an toàn tuyệt đối với chất lượng tốt…

Với nhiệm vụ của một thủ kho bảo quản, anh Lê Văn Hòa còn thực hiện nhiều công việc khác như kê lót phục vụ nhập lương thực, công tác kiểm nghiệm hàng hóa, xuất nhập vật tư cứu hộ cứu nạn. Điển hình như, anh đã thành thạo với kỹ thuật chạy máy dán màng PVC phục vụ bảo quản lương thực, tự học vận hành tốt xe nâng hàng, giúp cho đơn vị chủ động trong công tác xuất nhập, bảo quản hàng hóa vật tư lương thực.

Ngoài ra, anh thường được phân công tham gia trực tiếp đi áp tải xuất hàng cứu trợ lũ lụt, cứu đói giáp hạt cho các huyện vùng sâu vùng xa của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế; tham gia trực tiếp áp tải giao nhận xuồng cứu nạn cho tỉnh Phú Yên ngay trong những ngày mưa lũ. Công việc này anh thực hiện với tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm cao như nhận đủ, giao đúng, hoàn chỉnh hồ sơ kịp thời, tạo niềm tin đối với nhân dân, được các đơn vị tiếp nhận hàng khen ngợi.

Sáng kiến nối tiếp sáng kiến

Anh Lê Văn Hòa vốn là người trầm lặng. Anh thường rất băn khoăn suy nghĩ trước một khó khăn mà thực tiễn công việc đặt ra. Vì thế, hễ công việc xuất hiện tình huống khó là anh có ngay cách tháo gỡ bằng những sáng kiến nối tiếp sáng kiến.

Sáng kiến đầu tiên của anh cần phải nhắc đến là việc lắp dựng khung ngăn lô hình chữ A để áp dụng cho việc nhập thóc với ngăn kho bảo quản kín lô 110 tấn trong kho 250 tấn được an toàn vững chắc. Tiếp đó, trong công tác bảo quản gạo, anh đã đề xuất phương pháp mới là dán kín tuyệt đối góc lô tấm màng phủ PVC và được anh em CBCC trong đơn vị cũng như lãnh đạo thống nhất áp dụng.

Anh Hòa tâm sự: “Sáng kiến mà anh tâm đắc nhất là sáng kiến dành cho công tác bảo quản hàng vật tư. Anh đã đưa sáng kiến tạo một xe nâng hạ thùng nước dung tích 0,7m3 nước phục vụ nổ máy xuồng khi thực hiện bảo quản định kỳ”.

“Từ công tác bảo quản xuồng gặp nhiều khó khăn trong việc kê kích di chuyển thùng nước để làm mát máy xuồng khi nổ máy định kỳ; từ mô hình của dụng cụ kê kích cơ khí (kiến thức vận dụng từ việc học thợ sửa chữa ô tô) tôi đề xuất và được lãnh đạo đơn vị đồng ý cho chế tạo một xe nâng hạ thùng nước phục vụ nổ máy xuồng.

Việc hoàn thiện và đưa vào sử dụng xe nâng hạ thùng nước bảo quản xuồng, làm cho công tác bảo quản máy xuồng trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn. Trước kia, việc bảo quản nổ máy xuồng cần phải có ít nhất phải 4 công nhân để di chuyển, kê kích nâng hạ thùng nước thì nay chỉ cần một công nhân di chuyển xe nâng hạ”- Anh Hòa tâm huyết kể.

Cũng từ thực tế công tác bảo quản xuồng ST450, hàng năm phải di chuyển máy xuồng gặp nhiều khó khăn, nặng nề, cần phải có ít nhất hai công nhân thực hiện trong bảo quản, anh Hòa đã đưa ra sáng kiến chế tạo một giá bảo quản tập trung xuồng ST450. Ngay lập tức sáng kiến này được Hội đồng thi đua sáng kiến đơn vị công nhận và triển khai thực hiện. Việc có một giá bảo quản tập trung xuồng ST450 đã làm cho việc bảo quản xuồng nhẹ nhàng, giảm lao động và chỉ cần một công nhân thao tác là đủ.

Bên cạnh đó, anh Hòa còn luôn suy nghĩ về việc bảo quản xuồng ST750CN, xuồng ST 1200CN. Đây là những xuồng lớn, có ắc quy loại 150AH nặng trên 40kg để phát động máy bảo quản định kỳ. Nếu dùng dây mát đề nối từ mặt đất lên máy xuồng dài 4m, hao tốn năng lượng ắc quy trên đường dây sẽ lớn và mau hỏng bình điện.

“Vậy phải đưa bình điện lên ca bin xuồng”- ý nghĩ ấy đã nảy ra trong đầu và từ đó anh đã có sáng kiến chế tạo một xe nâng hàng bán thủ công. Từ công tác bảo quản trong những năm gần đây, anh còn có báo cáo kinh nghiệm về công tác kê kích xuồng. Trong đó, anh đã đưa ra một quy trình kê kích xuồng và được ứng dụng vào công tác bảo quản xuồng cũng như trong công tác xuất nhập xuồng, góp phần giảm sức lao động, tiết kiệm thời gian, an toàn cho hàng hóa và con người...

Gần ba mươi năm gắn bó với ngành dự trữ, dẫu trong công việc còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng thủ kho Lê Văn Hòa luôn hết mình vì công việc. Với anh, từ sự tạo điều kiện, quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo Chi cục cùng với việc tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, theo các lớp do ngành tổ chức như: năm 2000 học trung cấp bảo quản lương thực tốt nghiệp loại giỏi, năm 2008 anh học khóa kỹ thuật viên tin học xếp loại giỏi, năm 2013 tham gia học lớp bảo quản sử dụng máy cứu hỏa và lớp bảo quản xuồng cứu nạn tại Hà Nội và Hải Phòng. Tất cả các khóa bồi dưỡng, anh đều đạt kết quả tốt và tích lũy thêm rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm, ngoài ra anh còn tự học, tự nghiên cứu tài liệu… Đó chính là cách anh tự vươn lên để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Vì thế, chín năm liền (từ 2005-2013), anh được nhận danh hiệu chiến sỹ thi đua từ cấp cơ sở đến toàn ngành và được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp các ngành. Đặc biệt, năm 2011 anh được UBND Thành phố Đà Nẵng tặng Bằng khen cho cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi lao động sáng tạo giai đoạn 2006 – 2011. Năm 2012, anh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và năm 2013, anh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba...

Khi nhận xét về anh, rất nhiều đồng nghiệp của anh chia sẻ: Anh Lê Văn Hòa là thủ kho vật tư dự trữ giỏi, luôn tự mày mò nghiên cứu về kỹ thuật, công nghệ mới, có nhiều sáng kiến hữu ích, được áp trong đơn vị và trong toàn Cục DTNN khu vực Đà Nẵng. Anh ấy là người hiền lành, trầm tính, ít nói, rất cần cù, chịu khó, luôn nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp, việc gì giao cho anh ấy thì cứ yên tâm, anh sẽ hoàn thành tốt. Đồng nghiệp và cấp trên luôn yêu mến anh ở tấm lòng tận tụy, ở sự trách nhiệm và thủy chung.

Nói chuyện với anh, tôi mới hiểu hết được tâm tư của những người làm ngành dự trữ, dù ở bất kỳ vị trí công việc nào, họ cũng luôn hết lòng vì nghề, luôn hy sinh thầm lặng và phấn đấu không mệt mỏi bảo quản hàng DTQG để mỗi khi đồng bào gặp thiên tai, dịch bệnh, cán bộ, công chức ngành DTQG không quản ngại mưa nắng, ngày đêm, dù cho giao thông bị chia cắt vẫn sẵn sàng, khẩn trương xuất cấp hàng DTQG đến với người dân kịp thời, đảm bảo không để người dân trong những ngày gặp thiên tai bị đứt bữa, đảm bảo khi xuân về Tết đến bếp của người dân trong những vùng đặc biệt khó khăn luôn đỏ lửa.