Quản lý, điều hành và bình ổn giá linh hoạt, kịp thời

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) “Trước diễn biến tình hình kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức như sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, sức mua của thị trường giảm, nền kinh tế tuy có tăng trưởng nhưng tốc độ tăng thấp, công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cần hết sức linh hoạt và kịp thời trong những tháng cuối năm 2013”, Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính khẳng định.

Quản lý, điều hành và bình ổn giá linh hoạt, kịp thời
Chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp trực tiếp về quản lý, điều hành giá. Nguồn: mof.gov.vn

Điều hành giá bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát

Theo Cục Quản lý Giá cho biết, công tác điều hành giá luôn bám sát mục tiêu “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 là “Bám sát mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ “Về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2013” trong đó đề ra mục tiêu và tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 6-6.5%”.

Cục Quản lý Giá nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm 2013, tình hình kinh tế thế giới, trong nước có những diễn biến phức tạp đòi hỏi công tác tham mưu về các giải pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá phải linh hoạt, kịp thời.

Hướng dẫn, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quy định về quản lý giá. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy định về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục nhà nước định giá, mặt hàng thực hiện bình ổn giá, những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống.

Bên cạnh đó, Cục đã thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh để giữ bình ổn giá những mặt hàng thuộc diện Nhà nước đang quản lý như điện, than cho sản xuất điện, nước sạch gắn với việc thực hiện lộ trình giá theo cơ chế thị trường, bảo đảm khuyến khích được đầu tư sản xuất và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện chương trình bình ổn giá, kiểm tra, giám sát để bảo đảm các doanh nghiệp (DN) sử dụng vốn vay ưu đãi thực hiện chương trình bình ổn giá đúng mục đích, hiệu quả; tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát thị trường, giá cả trên địa bàn.

Đồng thời, Cục cũng tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phân tích dự báo theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong và ngoài nước; thanh tra, kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, ngăn chặn đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, nhất là các thời điểm mùa vụ, các dịp lễ Tết; xử phạt nghiêm minh các vi phạm pháp luật về giá cả, thị trường.

Điểm nhấn quan trọng trong công tác quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu trong 6 tháng đầu năm là giá xăng dầu đã được điều hành linh hoạt phù hợp với diễn biến giá thị trường thế giới và bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát. Cụ thể:

Với 3 lần tăng và 3 lần giảm, giá xăng dầu đã được điều hành linh hoạt, tăng và giảm kịp thời theo tín hiệu thị trường. Cơ quan quản lý đã ban hành nhiều văn bản điều hành kết hợp hài hoà các biện pháp thuế, Quỹ bình ổn giá (BOG) theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa Nhà nước - người tiêu dùng và DN.

Kiên trì cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước

Đối với công tác điều hành giá trong những tháng cuối năm 2013, Cục Quản lý Giá nêu rõ, Cục sẽ chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp trực tiếp về quản lý, điều hành giá. Cụ thể, tiếp tục kiên trì cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, Nhà nước chỉ can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp kinh tế vĩ mô theo quy định của Luật Giá.

Đồng thời, tập trung đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá theo yêu cầu. Chủ động tham mưu cho Bộ, Chính phủ tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường vào thời điểm thích hợp đối với một số mặt hàng, dịch vụ Nhà nước còn định giá. Tham mưu sử dụng linh hoạt các công cụ phí, thuế, quỹ bình ổn giá, đăng kí giá, kê khai giá.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh và thường xuyên hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về cơ chế, chính sách và công tác quản lý điều hành về giá tới các tầng lớp nhân dân và DN. Chủ động thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, giá cả trong và ngoài nước. Tham mưu kịp thời và có hiệu quả cho Bộ, Chính phủ về công tác chỉ đạo, điều hành giá, bình ổn giá. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan thực hiện việc kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật Nhà nước về giá.