Quốc hội thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Theo Báo Hải quan

Ngày 27/5, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc, thảo luận ở tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Quốc hội thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu thảo luận tại tổ. Baohaiquan.vn

Giữ nguyên tên nước

Trao đổi về Điều 1, Chương 1 về chế độ chính trị, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, nên giữ nguyên tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như hiện nay. ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nêu ý kiến, tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thể hiện rõ chính thể của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ.

Tuy nhiên, việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

ĐB Lê Hữu Đức (Khánh Hòa) cũng tán thành với quan điểm này. Theo ĐB, tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ năm 1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Hơn nữa, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là đang xa rời mục tiêu, con đường lên chủ nghĩa xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp.

Còn theo phân tích của ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình), tên gọi của nước vẫn nên thống nhất là để tên hiện nay nhưng cần bàn một chút để thấy rõ hơn vấn đề. “Căn cứ vào việc thực hiện Hiến pháp năm 1992 đến nay, chúng ta đã làm được nhiều nhưng cũng còn nhiều vấn đề tồn tại, chưa phát huy hết dân chủ của nhân dân. Chúng ta đi theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng định hướng xã hội chủ nghĩa là thế nào? Vì thế tên nước rất quan trọng mà dự thảo Hiến pháp lần này phải giải quyết được”- ĐB Cao Sỹ Kiêm phân tích.

Theo ĐB Cao Sĩ Kiêm, trong 2 lần sửa đổi Hiến pháp gần đây là năm 1980 và năm 1992, thể chế nước là cộng hòa, bản chất Nhà nước là dân chủ. Nếu xét về bản chất, trong điều kiện hiện nay, nền kinh tế là dân chủ, thị trường dưới áp lực nước ngoài. Do đó, tên gọi Việt Nam dân chủ cộng hòa là đúng nhất. Nhưng việc sửa Hiến pháp trong lúc khó khăn, chọn tên nước là vấn đề nhạy cảm, trong đó quan trọng nhất là phải tránh sự xuyên tạc. Với những lập luận này ĐB cho rằng, cần giữ nguyên tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Làm rõ nguyên tắc thu hồi đất

Một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các ĐB là việc thu hồi đất được quy định trong Điều 58 của dự thảo. Dự thảo quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Các trường hợp thu hồi đất do luật định. Việc thu hồi đất phải có bồi thường, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật”.

Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh), quy định “Thu hồi đất phải có bồi thường, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật” là khó khả thi. “Tôi đồng nhất với quan điểm đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng quản lý thì cần rõ ràng và minh bạch để hiến định là cơ sở căn bản để sửa Luật Đất đai”.

Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, dự thảo quy định thu hồi đất cho tất cả trường hợp thì phải định nghĩa thu hồi đất như thế nào chứ nói chung cho cả dự án phát triển kinh tế- xã hội là chưa chính xác, bởi trong thực tế không phải trường hợp thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế- xã hội nào cũng phải bồi thường.

Vấn đề thứ 2 được ĐB quan tâm là khái niệm “thu hồi đất” là nếu thu hồi đất trên cùng một địa bàn, cùng một khu vực thì giá đền bù cho dân phải ngang nhau chứ không phân định dự án quốc phòng an ninh hay dự án kinh tế- xã hội.

Về vấn đề ngân sách Nhà nước lấy tiền đâu để đền bù, theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, đây là việc của Nhà nước, Nhà nước phải lấy chênh lệch địa tô để đền bù cho dân chứ không phải đẩy cái khó về phía dân. “Nếu vấn đề này không được hiến định cụ thể thì những khiếu kiện về đất đai sẽ còn mãi”- ĐB Tâm nhấn mạnh. 

Nhiều ý kiến ĐB còn đồng tình với việc đề nghị xác định rõ các nguyên tắc thu hồi đất. ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, nhân dân còn băn khoăn nhiều về thu hồi đất. ĐB đề nghị, chỉ thu hồi đất với lý do quốc phòng an ninh còn nếu với mục đích kinh tế- xã hội thì cần trưng mua quyền sử dụng đất.

Theo ĐB Võ Thị Dung (TP. Hồ Chí Minh), cũng cần nói rõ tài sản trên đất thì giải quyết thế nào. Do đó trong dự thảo cần quy định hình thức trưng mua mới thể hiện được quyền lợi và quyền sở hữu tài sản được pháp luật bảo hộ của người dân.

Các ý kiến ĐB cũng trao đổi về những vấn đề khác của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như chính quyền địa phương, hội đồng hiến pháp, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội...

Xây dựng chính quyền địa phương: Cần sự tổng kết và đừng bỏ cuộc

Trong báo cáo của Ban soạn thảo về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến nhân dân, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cho biết, mô hình chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay đang đứng trước thực tế cần đổi mới để phù hợp với tình hình mới, trình độ phát triển của đất nước. Đồng thời, nhiều đề án liên quan đến đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hiện đang được triển khai nghiên cứu, thí điểm như Đề án thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, Đề án về chính quyền đô thị... Tuy nhiên, do chưa có kết luận từ tổng kết các đề án này nên Dự thảo chưa thiết kế được mô hình cụ thể của chính quyền địa phương.

Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh), do chúng ta chưa có sự tổng kết, đánh giá hoạt động của các đề án thí điểm nên chưa đưa ra được cách thức thành lập hội đồng nhân dân (HĐND), ví dụ như tỷ lệ cán bộ chuyên trách trong HĐND. “Đại biểu chuyên trách trong HĐND thành phố là 12 ĐB là không đủ để quyết định những vấn đề quan trọng của một thành phố”- ĐB cho biết.

Có ý kiến ĐB khác cũng đề nghị quy định cụ thể và nâng cao tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách, nhằm tránh tình trạng một người vừa là đại biểu HĐND, vừa là cán bộ, công chức nhà nước.

Đồng tình với ý kiến của ĐB Quyết Tâm là cần sớm tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện các đề án thí điểm, ĐB Trương Thị Ánh (TP. Hồ Chí Minh) bổ sung, Điều 115 quy định về đơn vị hành chính cần quy định thêm trong thành phố trực thuộc trung ương nên có thành phố trong thành phố để thực hiện chủ trương xây dựng thành phố và đô thị vệ tinh.

Trao đổi về vấn đề này, ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) đồng nhất quan điểm cho rằng, nếu đưa ra phương án 2 theo dự thảo là giữ nguyên quy định về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương như Hiến pháp năm 1992 thì thời gian qua thực hiện thí điểm một số mô hình chính quyền nhân dân là lãng phí. ĐB đặt câu hỏi, sau một thời gian thực hiện thí điểm và nhận được một số kết quả, bây giờ là lúc thực hiện thì tại sao chúng ta lại bỏ cuộc?