Quy chế đối ngoại sửa đổi: Tăng cường hiệu quả hoạt động đối ngoại ngành Tài chính

Minh Hà

Chiều 28/3/2016, tại TP. Hải Phòng, Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội thảo tham vấn quy chế quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại của Bộ Tài chính. Ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hà Duy Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế cho biết, năm 2015, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Quyết định số 272-QĐ/TW có các quy định điều chỉnh hoạt động đối ngoại, đồng thời Ban Đối ngoại Trung ương ban hành Hướng dẫn 01-HD/BĐNTW về triển khai thực hiện quy chế này.

Các quy định điều chỉnh toàn bộ hoạt động đối ngoại của tất cả các đơn vị, tổ chức thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 1422/QĐ-BTC (quy chế 1422) đã khắc phục được những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện và bao quát, điều chỉnh hết các hoạt động đối ngoại trong bối cảnh mới.

Tại Hội thảo, bà Mai Thị Lê Mai – Phó trưởng phòng Phát triển quốc tế của Vụ Hợp tác Quốc tế đã trình bày những điểm mới về quy chế làm việc trong hoạt động đối ngoại của Bộ Tài chính được ban hành kèm theo Quyết định 1422/QĐ-BTC ngày 25/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Quy chế đối ngoại sửa đổi: Tăng cường hiệu quả hoạt động đối ngoại ngành Tài chính - Ảnh 1

Ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế phát biểu tại Hội thảo, chiều 28/3/2016. Ảnh: Văn Trường

Theo bà Mai, qua 8 năm triển khai thực hiện, cơ bản quy chế đã góp phần quán triệt hoạt động đối ngoại phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, phù hợp với nhiệm vụ đối ngoại ngành Tài chính. Tăng cường quan hệ trên các diễn đàn tài chính song phương và đa phương, nâng cao vị thế ngành Tài chính quốc gia. Công tác đối ngoại chuyên nghiệp hóa, triển khai phù hợp với thông lệ và thể thức đối ngoại quốc gia, khu vực và quốc tế.

Trên thực tế, hiện nay, quy chế đối ngoại theo Quyết định 1422/QĐ-BTC có một số vướng mắc bất cập trong quá trình thực hiện không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Dẫn chứng cụ thể hơn về những bất cập này, bà Mai cho rằng, quy trình đối ngoại chưa được triển khai phù hợp, chưa đáp ứng được kịp thời nhu cầu và tình hình thực tế của ngành Tài chính. Đồng thời, quy chế chưa có hướng dẫn về phân cấp và trách nhiệm triển khai các hoạt động đối ngoại phù hợp; một số quy định về lễ tân hậu cần, khánh tiết, thông tin tuyên truyền phục vụ hoạt động đối ngoại còn chưa được kịp thời cập nhật và sửa đổi phù hợp với các quy định hiện hành.

Quy chế đối ngoại sửa đổi: Tăng cường hiệu quả hoạt động đối ngoại ngành Tài chính - Ảnh 2

Bà Mai Thị Lê Mai – Phó trưởng phòng Phát triển quốc tế của Vụ Hợp tác Quốc tế trình bày những điểm mới về quy chế làm việc trong hoạt động đối ngoại của Bộ Tài chính. Ảnh: Văn Trường

Bên cạnh đó, một số quy định chưa điều chỉnh được các hoạt động đối ngoại phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện bao gồm: nhóm quy định về tổ chức đoàn ra, đoàn vào, giao dịch với đối tác nước ngoài bằng văn bản chưa được sửa đổi phù hợp với thực tế triển khai; nhóm quy định về đàm phán ký kết, tổ chức hội nghị hội thảo quốc tế và các sự kiện khác, công tác biên phiên dịch, khen thưởng đối ngoại, lễ tân khánh thiết và quà tặng đối ngoại chưa được sửa đổi, quy định rõ ràng.

Để khắc phục những vướng mắc, phát sinh trên thực tế, bà Mai cho biết, Quy chế sửa đổi sẽ hình thành cơ sở để tăng cường hiệu quả hoạt động đối ngoại của ngành Tài chính trong thời gian tới. Quan trọng là, quy chế đối ngoại sửa đổi nhằm hoạt động đối ngoại của Bộ Tài chính theo định hướng của Đảng và Nhà nước (Quyết định 272/QĐ-TW, Hướng dẫn 01-HD/BĐNTW).

Theo Vụ Hợp tác Quốc tế, Dự thảo quy chế mới hiện đang được dự thảo gồm 10 chương và chia thành 35 điều (tăng thêm 3 chương và 12 điều so với nội dung quy chế 1422). Cụ thể hơn, dự thảo quy chế mới bổ sung quy định về việc xây dựng Kế hoạch hoạt động đối ngoại hàng năm, trong đó: Quy định cụ thể các căn cứ để xây dựng các nội dung hoạt động cần đưa vào kế hoạch; tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý hoạt động đối ngoại, chuyển từ việc quản lý theo từng sự việc/ hoạt động cụ thể sang hình thức quản lý mang tính tổng thể; cung cấp “bức tranh” toàn diện về các hoạt động đối ngoại của Bộ Tài chính trong năm phục vụ công tác tổ chức, điều hành, kiểm tra, giám sát đánh giá khi cần thiết.

Về thẩm quyền, nguyên tắc, phân công, phân cấp đối trong hoạt động đối ngoại, dự thảo quy chế mới quy định rõ hơn về thẩm quyền, xác định rõ nguyên tắc phân công, phân cấp đối với từng cấp lãnh đạo trong phê duyệt các hoạt động đối ngoại (điều 3 dự thảo Quy chế). Quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và đánh giá các hoạt động đối ngoại trong năm (điều 5, điều 33, điều 34 và các Phụ lục kèm theo dự thảo Quy chế).

Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Lê Thái - Chánh Văn phòng Ban Đối ngoại Trung ương cho biết, trên cơ sở Quyết định 272/QĐ-TW, bám sát Hướng dẫn 01-HD/BĐNTW để làm sao hoàn thiện quy chế mới trở thành cẩm nang nghiệp vụ đối ngoại cho các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính. “Dự thảo quy chế đối ngoại sửa đổi được soạn thảo khá công phu bao quát đủ các hoạt động đối ngoại phục vụ được đặc thù riêng của ngành Tài chính”, ông Thái nói.

Ngoài ra, ông Thái cũng lưu ý, đối với hoạt động đối ngoại song phương và đa phương của Bộ Tài chính không phân biệt nguồn ngân sách, xã hội hóa trước khi triển khai thực hiện đều phải được duyệt về chủ trương.

Quy chế đối ngoại sửa đổi: Tăng cường hiệu quả hoạt động đối ngoại ngành Tài chính - Ảnh 3

Nhóm 1 thảo luận Dự thảo quy chế đối ngoại sửa đổi. Ảnh: Văn Trường

Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đã đánh giá cao về dự thảo quy chế quản lý hoạt động đối ngoại sửa đổi đã bao quát được toàn bộ hoạt động đối ngoại, phù hợp với bối cảnh mới và tình hình thực tế./.