Quy định thu lệ phí cấp lại giấy phép lái xe là phù hợp

PV. (Tổng hợp)

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn về việc xem xét bỏ quy định về việc thu lệ phí khi cấp lại giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới quy định tại Điều 1 Thông tư số 73/2012/TT-BTC ngày 14/5/2012 của Bộ Tài chính, Bộ Tài chính cho biết quy định nêu trên là hoàn toàn phù hợp.

Quy định thu lệ phí cấp lại giấy phép lái xe là phù hợp. Nguồn: internet
Quy định thu lệ phí cấp lại giấy phép lái xe là phù hợp. Nguồn: internet

Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị như sau: "Cử tri phản ánh việc thu lệ phí của người dân khi đến làm thủ tục cấp lại giấy phép lái xe (sau đây viết tắt là GPLX) cơ giới theo công nghệ mới (đổi GPLX từ mẫu cũ sang mẫu mới quy định tại Thông tư số 35/2010/TT-BGTVT ngày 15/11/2010) là không hợp lý, vì theo yêu cầu của quản lý nhà nước thì phần lệ phí cấp lại GPLX cơ giới này phải do ngân sách nhà nước thực hiện. Đề nghị xem xét bỏ quy định về việc thu lệ phí khi cấp lại GPLX cơ giới quy định tại Điều 1 Thông tư số 73/2012/TT-BTC ngày 14/5/2012 của Bộ Tài chính."

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có giải đáp tại Công văn số 459/BTC-CST ngày 11/01/2017 như sau:

Mẫu GPLX bằng giấy bìa và hệ thống quản lý GPLX được thực hiện từ năm 1996 theo Quyết định số 909 QĐ/TCCB ngày 02/5/1996 của Bộ Giao thông vận tải.

Trước yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng và yêu cầu quản lý khi số lượng GPLX tăng cao, khoa học công nghệ phát triển thì GPLX bằng giấy bìa còn nhiều bất cập như:

Thứ nhất, kích cỡ chưa phù hợp trong sử dụng, độ bền không cao, dễ bị tẩy xoá, các thông tin ghi trong GPLX chỉ có tiếng Việt và chưa đầy đủ các thông tin đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Thứ hai, nội dung về hạng GPLX ghi trên GPLX chưa phù hợp với Luật Giao thông đường bộ. Chất liệu làm GPLX là giấy bìa, độ bền thấp, dễ bị hư hỏng do ẩm, mốc, nhàu nát, không tiện lợi cho người sử dụng.

Thứ ba, việc quản lý GPLX và GPLX bị đánh dấu vi phạm Luật Giao thông đường bộ (bấm lỗ trực tiếp trên GPLX) còn nhiều bất cập.

Việt Nam đã tham gia Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ. Để tuân thủ các quy định của Công ước cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý, Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện lộ trình chuyển đổi GPLX bằng giấy bì sang GPLX bằng vật liệu nhựa PET.

Việc chuyển đổi GPLX mới bằng vật liệu PET được nhiều người dân tích cực hưởng ứng bởi nó mang đến cho người sử dụng cũng như các cơ quan quản lý nhiều hiệu quả thiết thực như:

Một là, GPLX bằng vật liệu PET có độ bền cao hơn, không thấm nước, kích thước nhỏ gọn hơn trước và phù hợp tiêu chuẩn quốc tế; có khả năng chịu đựng lực xé và lực va chạm, chịu đựng sự mài mòn cao được áp dụng cho giải pháp nhận diện bảo mật cấp quốc gia trong quá trình quản lý cấp, đổi GPLX.

Hai là, trên GPLX bằng vật liệu PET, thông tin được in bằng tiếng Việt và tiếng Anh tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam có nhu cầu lái xe, cấp GPLX quốc tế khi cư trú, công tác, học tập và du lịch tại 85 nước thành viên Công ước Viên.

Thực tế, hiện nay rất nhiều người dân Việt Nam đã và đang sử dụng GPLX vật liệu PET để điều khiển phương tiện ở nước ngoài kể cả các nước tiên tiến như Mỹ, Pháp, … khi đi du lịch, công tác hoặc học tập.

Ba là, khi chuyển đổi sang GPLX bằng vật liệu PET thì các thông tin về người lái xe trong suốt quá trình từ đào tạo, sát hạch, các vi phạm khi tham gia giao thông,… đều được tích hợp trên cơ sở dữ liệu quản lý GPLX quốc gia, tạo thành một hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ đảm bảo việc truy cập, tra cứu nhanh chóng, tiện lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu; giảm bớt thủ tục, thời gian xác minh khi cấp, đổi GPLX.

Đồng thời, người dân có thể thực hiện kê khai đổi GPLX qua mạng, Bưu điện, nhiều Sở Giao thông vận tải đã cung cấp dịch vụ đổi GPLX tại nhà, đáp ứng nhu cầu người dân ở cả các vùng xa xôi, hẻo lánh (giảm chi phí đi lại, thời gian cho người dân).

Như vậy, việc chuyển đổi sang GPLX bằng vật liệu PET bên cạnh đáp ứng yêu cầu quản lý thì mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng. Vì vậy, việc quy định thu lệ phí cấp lại GPLX là phù hợp.