Sử dụng nợ công hiệu quả - Đảm bảo an ninh tài chính quốc gia

PV.

(Taichinh) - Nợ công là nguồn tài chính quan trọng bổ sung cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những năm qua, công tác quản lý nợ có nhiều chuyển biến, ngày càng tốt hơn, dần tiếp cận gần hơn với thông lệ quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Bộ Tài chính cho biết: Năm 2014, khối lượng vốn vay nợ công cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội đạt 627.800 tỷ đồng. Trên 98% vốn vay đã được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng. Việc tăng cường huy động vốn vay cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường..., đã tạo ra diện mạo mới cho đất nước, trong đó có một số công trình hiện đại, đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Trong thời gian qua, vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đưa vào các lĩnh vực thực sự cần thiết và được sử dụng một cách tiết kiệm, qua đó góp phần làm cho kinh tế phát triển, tạo ra nguồn lực để trả nợ trong tương lai.

Đặc biệt, Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2013 là 15,2%; năm 2014 là 13,8% và năm 2015 dự kiến khoảng 16,1% (theo quy định là không quá 25%).

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực, chủ động thực hiện cơ cấu lại nợ công: năm 2014, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính đã chủ động kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu nhằm giảm dần áp lực trả nợ ngắn hạn và giảm dần đảo nợ.

Theo đó, trong tương lai sẽ giảm mạnh và tiến tới ngừng phát hành tín phiếu và trái phiếu kỳ hạn ngắn, tập trung chủ yếu vào trái phiếu có kỳ hạn dài từ 5 năm đến 15 năm, bước đầu cơ cấu lại danh mục trái phiếu Chính phủ.

Ngoài ra, việc công khai về nợ công đã bước đầu đi vào nề nếp, tạo được kênh thông tin quan trọng phục vụ cho việc phân tích, đánh giá, nghiên scứu về vấn đề nợ công.

Hiện nay, quy mô nợ công so với GDP đang ở mức cao, gần với ngưỡng được Quốc hội cho phép trong khi nguồn lực của chúng ta còn hạn chế nên vẫn cần thiết phải huy động vốn vay để đầu tư. Điều quan trọng hiện nay là làm sao nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, đồng thời xây dựng kế hoạch trả nợ đầy đủ, đúng hạn và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công

Để từng bước khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc sử dụng nợ công, nhằm đưa ra những giải pháp tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, ngày 14/2/2015, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg. Thủ tướng Chính phủ đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án có liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, cụ thể:

Một là, quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới. Tính đúng, tính đủ nợ công theo quy định, đảm bảo trong giới hạn cho phép.

Hai là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Ba là, khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công (bao gồm các loại rủi ro về tỷ giá, lãi suất, thanh khoản, tái cấp vốn và tín dụng). Tăng tính thanh khoản và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ.

Bốn là, quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh; đối với cho vay lại theo hướng tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và thu đủ nợ đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới. Đồng thời, tính đúng, tính đủ nợ công theo quy định, đảm bảo trong giới hạn cho phép. Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển.

Ngoài ra, sẽ rà soát, thẩm định, đánh giá tác động lên nợ công của các chương trình, dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ, vốn vay được Chính phủ bảo lãnh và vốn vay của chính quyền địa phương ngay từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn vay. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn; Quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc bảo đảm trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. Đối với cho vay lại theo hướng tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát.

Đồng thời, tăng cường quản lý nợ nước ngoài của quốc gia, nhất là việc vay ngắn hạn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng để đảm bảo các chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép.