Tăng cường công tác thu và thực hiện tiết kiệm chi ngân sách nhà nước

Theo thoibaotaichinvietnam,vn

(Tài chính) Ngày 6/11/2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-BTC về việc tăng cường công tác thu và thực hiện tiết kiệm chi NSNN trong các tháng cuối năm 2013.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, cục trưởng cục thuế, cục trưởng cục hải quan, giám đốc sở tài chính các tỉnh, thành phố cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ.

Tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Quyết định số 128/QĐ-BTC thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế theo Đề án 30 của Chính phủ; thực hiện cải cách thủ tục hải quan, quản lý thuế, đẩy nhanh triển khai thực hiện Cơ chế một cửa Quốc gia và ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thời gian và chi phí trong việc chấp hành pháp luật thuế, hải quan của doanh nghiệp.

Thứ hai, qua công tác theo dõi phân tích kết quả thu, lãnh đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan các cấp phải đề ra các giải pháp quản lý hiệu quả, phát hiện kịp thời các khoản khai thác tăng thu, các địa bàn còn thất thu để có biện pháp quản lý thu phù hợp. Trên cơ sở đó, cụ thể hoá chỉ tiêu thu các tháng còn lại, giao chỉ tiêu thu cho từng đơn vị, từng cá nhân theo từng tuần, từng tháng. Định kỳ tổ chức theo dõi, giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện thường xuyên đối với từng đơn vị, cá nhân để kịp thời chỉ đạo đôn đốc thu đảm bảo tiến độ thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đã được giao.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế qua công tác tham vấn giá, xác định trị giá, xác định mã số tính thuế, kiểm tra sau thông quan. Xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro, đảm bảo thông tin quản lý rủi ro có hiệu quả đối với từng khâu nghiệp vụ; Cập nhật dữ liệu để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các trường hợp thực hiện không đúng quy định...

Thứ tư, tổ chức rà soát toàn bộ nguồn thu, các quỹ của các tổ chức, doanh nghiệp, kiểm tra tình hình trích, lập, sử dụng các quỹ của doanh nghiệp, tổ chức thu phí,...phát hiện kịp thời các khoản tăng thu để kịp thời, đôn đốc nộp vào NSNN.

Thứ năm, tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, các doanh nghiệp có rủi ro cao đã được hoàn thuế, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, thanh tra giá chuyển nhượng, thanh tra kiểm tra về lĩnh vực thương mại điện tử nhằm tăng thu, chống thất thu ngân sách.

Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hải quan, chống buôn lậu, gian lận thương mại đặc biệt là từ nay đến cuối năm nhất là dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán.

Thứ bảy, ngành Thuế và ngành Hải quan phải thường xuyên phối hợp trong việc phân loại thống nhất danh sách doanh nghiệp rủi ro cao về thuế. Theo đó, phối hợp kiểm tra giám sát chặt chẽ việc kê khai hải quan và kê khai thuế đối với doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế nhằm chống các hành vi gian lận thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ ngân sách nhà nước;

Tăng cường sự phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để thống nhất quy định các tiêu chí rủi ro, chứng từ, loại hình thanh toán qua ngân hàng có rủi ro. Tiến tới xây dựng cơ chế phối hợp trao đổi thông tin với ngân hàng để nắm thông tin các giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ kịp thời ngăn chặn hành vi chiếm đoạt tiền thuế GTGT thông qua khấu trừ, hoàn thuế; Khẩn trương triển khai thực hiện việc đối chiếu chéo hóa đơn, trước mắt tập trung tại những địa bàn lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm của người nộp thuế.

Thứ tám, quản lý chặt chẽ đối với việc đăng ký, cấp, thu hồi mã số thuế/mã số doanh nghiệp theo đúng quy định tại Thông tư số 80/2012/TT-BTC. Phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan có liên quan rà soát, xác minh doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh để có biện pháp xử lý kịp thời.

Thứ chín, thực hiện nghiêm, đúng quy định, quy trình trong xác định số thuế đủ điều kiện khấu trừ và hoàn thuế theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, nhất là công văn số 13706/BTC-TCT.

Thứ mười, xây dựng kế hoạch thu nợ đối với số tiền thuế nợ tại thời điểm ngày 31/12/2012, chi tiết cho từng tháng; cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan các cấp rà soát, xác định số tiền thuế còn nợ của từng đối tượng và giao chỉ tiêu thu nợ đến từng phòng, từng chi cục thuế, chi cục hải quan. Các phòng/chi cục thuế, chi cục hải quan căn cứ chỉ tiêu cấp trên giao để phân bổ cụ thể cho từng Đội, từng công chức quản lý thực hiện đôn đốc thu nợ thuế, đảm bảo số nợ thuế đến 31/12/2013 không vượt quá chỉ tiêu đề ra.

Mười một, ban hành 100% thông báo nợ thuế và tiền chậm nộp đối với người nộp thuế còn nợ thuế; trường hợp người nộp thuế thuộc diện kê khai thuế GTGT theo quý thì ban hành thông báo theo quý; Đối với các khoản thuế đã hết thời hạn được gia hạn theo quy định hiện hành, cơ quan thuế thực hiện ban hành thông báo và đôn đốc người nộp thuế nộp ngay trong tháng hết thời gian gia hạn vào NSNN.

Mười hai, cục thuế các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Tài chính thực hiện xác định các khoản thu phí, lệ phí và phối hợp đôn đốc thu nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh, các phương tiện thông tin đại chúng công khai thông tin các doanh nghiệp nợ thuế lớn, chây ỳ theo quy định của  Luật quản lý thuế; Phối hợp với Sở Kế hoạch đầu tư trong công tác thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy phép hành nghề của các doanh nghiệp vi phạm pháp luật nghiêm trọng về thuế; phải thực hiện thu hồi theo đúng quy định của pháp luật.

Cuối cùng, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật (công an, kiểm sát,…) để xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế, hải quan như gian lận, trốn lậu thuế, chuyển giá, buôn lậu...

Tiếp tục điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm

Thứ nhất, căn cứ nhiệm vụ chi NSNN còn lại trong những tháng cuối năm 2013 (đã trừ đi số kinh phí tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên theo Chỉ thị số 09/CT-TTg) và yêu cầu nhiệm vụ, các Bộ, cơ quan trung ương tiếp tục rà soát các dự án đầu tư, các khoản chi thường xuyên đã bố trí trong dự toán, chủ động cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện đối với những nhiệm vụ chưa thực sự cấp bách. Tăng cường thực hành tiết kiệm hơn nữa; tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, chi phí lễ hội, khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước...; không xử lý bổ sung ngoài dự toán và ứng vốn, trừ trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách...

Thứ hai, cơ quan tài chính địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình thu, chi ngân sách tại địa phương, căn cứ khả năng thu và sử dụng các nguồn lực tài chính của địa phương để chủ động tổ chức điều hành chi NSĐP, trong đó ưu tiên dành nguồn để xử lý các nhu cầu cấp thiết về an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương. Trường hợp đã sử dụng hết các biện pháp mà vẫn không đảm bảo được cân đối NSĐP thì báo cáo kịp thời về Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý.

Toàn bộ nguồn vốn đầu tư thu hồi, số tiết kiệm và cắt giảm dự toán chi thường xuyên năm 2013 thuộc ngân sách cấp nào thì bổ sung dự phòng ngân sách cấp đó và sử dụng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Cơ quan Tài chính và Kho bạc Nhà nước các cấp ở địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi NSNN, đảm bảo chi ngân sách đúng chế độ và tiết kiệm. Kiên quyết từ chối thanh toán đối với các khoản chi thuộc đối tượng phải rà soát, cắt giảm và giãn tiến độ thực hiện nhưng đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư không có giải thích hợp lý, hợp lệ./.