Tăng quyền cho Hải quan để chống buôn lậu là cần thiết

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Chiều 14/1, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật hải quan (sửa đổi). Đa số các ý kiến tán thành và đề nghị tăng thẩm quyền cho cơ quan hải quan được phép tạm giữ phương tiện, áp tải người buôn lậu.

Tăng quyền cho Hải quan để chống buôn lậu là cần thiết
Việc tăng thẩm quyền cho cơ quan hải quan là cần thiết. Nguồn: internet

Hải quan được tạm giữ người

Trước khi các đại biểu cho ý kiến về dự án Luật hải quan (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đã đọc báo cáo  sau khi Thường trực Ủy ban pháp luật phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan có liên quan tổ chức khảo sát tại một số cục hải quan, đồng thời tiếp thu chỉnh lý nhiều nội dung theo ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 khóa XIII.

Ông Phan Trung Lý cho biết, về thẩm quyền của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 93 dự thảo trình Quốc hội, Điều 92 mới) tồn tại hai luồng ý kiến trái chiều.

Các ý kiến thứ nhất cho rằng, hành vi vận chuyển ma túy, vũ khí... tại điểm b khoản 1 là hành vi vi phạm pháp luật hình sự chứ không phải là vi phạm pháp luật về hành chính. Đồng thời, đề nghị bỏ quy định về thẩm quyền “tạm giữ người, áp giải người” tại điểm này vì không phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính.

Các ý kiến thứ hai tán thành với việc bổ sung thẩm quyền truy đuổi liên tục của cơ quan hải quan, đồng thời đề nghị bổ sung thẩm quyền trong việc dừng phương tiện vận tải để kiểm tra nếu có căn cứ cho rằng có dấu hiệu buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Trước những luồn ý kiến còn khác nhau này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đề xuất hai phương án.

Phương án 1: Tiếp tục giao nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cho lực lượng hải quan, đồng thời bổ sung các thẩm quyền tương ứng với nhiệm vụ.

Theo đó, trường hợp có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội kiểm soát hải quan, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thẩm quyền dừng phương tiện vận tải, tạm giữ người, áp giải người vi phạm.

Theo phương án này, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật cần nghiên cứu bổ sung trong Luật này một điều để sửa đổi, bổ sung thống nhất trong Luật xử lý vi phạm hành chính, đồng thời nghiên cứu, bổ sung những thẩm quyền này trong quá trình sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự và xây dựng Luật tổ chức điều tra hình sự.

Phương án 2: Chỉ giao nhiệm vụ cho hải quan chủ trì phối hợp với các ngành chức năng thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Theo phương án này sẽ chỉnh lý lại các điều luật trong dự thảo theo hướng hải quan chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng và không bổ sung thẩm quyền như phương án 1. Đồng thời quy định các cơ quan chức năng phải có lực lượng phối hợp thường xuyên với lực lượng hải quan thực hiện nhiệm vụ này.

Cần phải quy định cụ thể

Hầu hết các ý kiến đồng tình với phương án 1 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đó là tăng thẩm quyền cho cơ quan Hải quan được phép tạm giữ phương tiện, áp tải người vi phạm. Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng cần phải có những quy định cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Việc tăng thẩm quyền cho cơ quan hải quan là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải quy định cụ thể trong luật: ai được giữ, thời gian giữ bao lâu. Đồng thời cũng phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan hải quan trong việc giữ người.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đồng tình với các ý kiến của các đại biểu về dự án Luật hải quan (sửa đổi) và đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội nên ghi rõ trong Luật về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hải quan, đó là: Cơ quan hải quan là cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Bộ Tài chính, nhằm làm rõ hơn trách nhiệm pháp lý của cơ quan hải quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chốt lại phiên thảo luận và cho rằng, đa số ý kiến đều nhất trí, mong muốn sửa đổi, phải khắc phục được bất cập của hoạt động hải quan hiện nay. Và việc tăng thẩm quyền cho cơ quan hải quan, cụ thể là cơ quan này được quyền tạm giữ phương tiện, áp tải người là cần thiết để tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu hiện nay.