Tăng thuế BVMT là giải pháp cần thiết đảm bảo thực hiện cam kết quốc tế

Theo Thúy Nga/tapchithue.com.vn

Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) xung quanh đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đang được lấy ý kiến.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Phóng viên: Theo đề xuất của Bộ Tài chính, từ ngày 1/7/2018, mức thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu cần phải tăng lên kịch khung nhằm hoàn thiện chính sách tài chính, hướng tới phát triển bền vững, cơ cấu lại nguồn thu NSNN. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS. Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính,
TS. Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính,
TS. Nguyễn Viết Lợi: Luật Thuế BVMT ban hành năm 2010 là một trong những chính sách góp phần nâng cao nhận thức của người dân, DN trong việc bảo vệ môi trường, đảm bảo ứng phó kịp thời với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới và lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập, thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu.
Qua đó, góp phần tăng thu NSNN và thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có nhiệm vụ chi cho BVMT. Tuy nhiên, hiện giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam còn ở mức thấp, đứng thứ 44/180 nước từ thấp đến cao và 136 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam.
Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng ô nhiễm không khí hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Do vậy, chính sách thuế BVMT cần phải sửa đổi phù hợp thông lệ quốc tế; thực hiện mục tiêu cải cách chính sách thuế BVMT, góp phần xây dựng hệ thống thuế đồng bộ. Theo đó, việc điều chỉnh chính sách thuế BVMT theo đề xuất của Bộ Tài chính hiện nay là hoàn toàn hợp lý. 
Xăng dầu là mặt hàng quan trọng thuộc diện Nhà nước quản lý giá, do đây là đầu vào của SXKD và hoạt động đi lại của người dân. Vậy theo ông, việc tăng thuế BVMT đối với xăng dầu sẽ tác động như thế nào đến thu NSNN, giá cả thị trường và đời sống người dân?
Thuế BVMT là loại thuế gián thu, điều tiết vào sản phẩm, hàng hóa (hàng hóa) khi sử dụng, gây tác động xấu đến môi trường. Như vậy, đây là loại thuế không áp vào DN, mà đánh vào người sử dụng hàng hóa, dịch vụ cuối cùng.
Trong bối cảnh thuế nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh (từ 20% còn 8% từ năm 2021, đến năm 2023 còn 5% và năm 2024 còn 0% khi nhập từ các nước ASEAN) và giá xăng dầu của Việt Nam tương đối thấp so với các nước trong khu vực, nên ảnh hưởng của việc tăng thuế BVMT đối với giá cả thị trường là tương đối hạn chế. Đối với người dân, tăng thuế BVMT sẽ hướng họ tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng, thân thiện môi trường.
Đối với các trường hợp thuộc diện dễ bị tổn thương, thì hiện nay Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống. Riêng với thu NSNN, việc tăng thuế BVMT không chỉ góp phần cơ cấu lại nguồn thu, mà còn đảm bảo chi cho các hoạt động BVMT, xử lý ô nhiễm chất thải rắn, lỏng, khí…
Về tác động đối với giá bán, theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, thuế BVMT là một trong các yếu tố cơ bản cấu thành giá cơ sở (là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu).
Theo đó, với phương án điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng dầu chỉ tăng 1.000 đồng/lít đối với xăng và nếu giá dầu thô không biến động nhiều, các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi, thì mức độ tác động đối với giá bán xăng dầu là không đáng kể.
Mặt khác, việc tăng thuế BVMT chỉ nhằm bù đắp số giảm thu NSNN do cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế và điều chỉnh mức thuế MFN hiện hành bằng mức thuế ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do, nhằm tránh mức thuế khác nhau đối với cùng một sản phẩm. 
Từ những phân tích này cho thấy, việc điều chỉnh tăng mức thuế BVMT góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường, qua đó giảm phát thải ô nhiễm, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế.
Tất nhiên, vấn đề nào cũng có hai mặt, và tăng thuế BVMT cũng tương tự. Do đó, cần phải đảm bảo nguyên tắc điều chỉnh mức thu thuế phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như các cam kết hội nhập.
Theo cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, thời gian tới các loại thuế nhập khẩu sẽ tiếp tục giảm mạnh. Trước vấn đề này, việc tái cơ cấu thu NSNN cần thực hiện như thế nào để bảm bảo cân đối thu-chi, thưa ông?
Trong những năm qua, chính sách thu NSNN liên tục được hoàn thiện đã góp phần tăng quy mô và đảm bảo tỷ lệ động viên GDP vào NSNN. Cụ thể, tỷ lệ huy động GDP vào NSNN thông qua thuế, phí đã đạt khoảng 21% GDP/năm, sát với mục tiêu nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Tuy nhiên, quy mô chi NSNN tăng khá cao, điều này gây không ít khó khăn với cân đối NSNN. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, dựa vào tình hình ngân sách thực tế, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Theo đó, công tác tái cơ cấu thu NSNN cần tập trung vào một số giải pháp quan trọng.
Trước hết, là cơ cấu lại nguồn thu, tăng cường thu NSNN từ nội lực nền kinh tế, hạn chế các nguồn thu kém bền vững, phụ thuộc và tài nguyên thiên nhiên; điều chỉnh hợp lý tỷ trọng giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường, nghiên cứu để ban hành thuế tài sản và các chính sách thu từ đất.
Thứ hai, hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng mở rộng cơ sở thu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Thứ ba, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng.
Xin cảm ơn ông!