Tháo “nút thắt” kiểm tra chuyên ngành để giải quyết ách tắc xuất, nhập khẩu

PV.

Đó là nội dung được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề cập đến tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Hiện vẫn có khoảng 200 danh mục hàng hóa phải quản lý chuyên ngành trước khi thông quan với khoảng 100 nghìn hàng hóa, mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Nguồn: Internet
Hiện vẫn có khoảng 200 danh mục hàng hóa phải quản lý chuyên ngành trước khi thông quan với khoảng 100 nghìn hàng hóa, mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Nguồn: Internet

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, từ năm 2014, Bộ Tài chính, cơ quan quản lý nhà nước về hải quan đã xây dựng Đề án về kiểm tra chuyên ngành trình Thủ tướng Chính phủ. Ngày 17/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2026/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án. Theo đó, Chính phủ giao cho 13 bộ, ngành xây dựng, sửa đổi hoàn thiện các văn bản pháp luật, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng giảm thiểu số lượng danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu và áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Bộ trưởng Tài chính cho biết, để tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu, giảm chi phí cho doanh nghiệp, trong năm 2017, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tổ chức nhiều cuộc làm việc tập trung vào áp mã HS đối với các danh mục hàng hóa chuyên ngành.

Qua rà soát, đã phân định được 50 danh mục hàng hóa thuộc trách nhiệm của quản lý các bộ, ngành, như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Ban Cơ yếu Chính phủ… Đến nay, trong phối hợp, các Bộ đã cùng Bộ Tài chính xây dựng danh mục các hàng hóa cần kiểm tra chuyên ngành.

Tuy vậy, hiện vẫn có khoảng 200 danh mục hàng hóa phải quản lý chuyên ngành trước khi thông quan với khoảng 100 nghìn hàng hóa, mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Việc một số mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan, một hàng hóa thuộc quản lý của nhiều đơn vị trong cùng một bộ, cũng có hàng hóa thuộc quản lý của nhiều bộ, đó chính là khâu cần thiết phải tháo gỡ, nếu không, sẽ không có động lực để thúc đẩy giao lưu thương mại hàng hóa qua biên giới.

Tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác này là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho công tác kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, Bộ Tài chính đã có báo cáo trình Chính phủ và được Thủ tướng đồng ý, chỉ đạo giao Bộ Tài chính cùng phối hợp với 10 bộ, ngành thành lập và đưa vào hoạt động 10 điểm kiểm tra chuyên ngành tập chung tại 6 địa bàn hải quan trọng yếu để kiểm tra tại chỗ, phục vụ thông quan nhanh.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác kiểm tra chuyên ngành; Rà soát các mặt hàng đang chịu nhiều đầu mối kiểm tra để đơn giản hóa, chuyển mạnh sang quản lý rủi ro, giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm; Triển khai cơ chế 1 cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế, hải quan, kết nối đồng bộ với các bộ ngành...

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng cấp Trung tâm phân tích, phân loại hàng hóa xuất, nhập khẩu của Tổng cục Hải quan thành Cục kiểm định Hải quan với 6 chi cục kiểm định và 4 trạm kiểm định di động kèm theo phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên, khối lượng công việc rất lớn, để đạt được hiệu quả như mong muốn cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các bộ ngành, cùng vào cuộc rà soát, cắt giảm, đẩy nhanh thông quan.