Thống nhất và minh bạch hơn trong xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

PV.

Chiều 26/7, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo Chuyên đề nhằm giới thiệu một số điểm mới trong việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành (có hiệu lực từ ngày 20/5/2018).

Chủ trì cuộc họp báo, ông Nguyễn Nhất Kha – Phó Cục trưỏng Cục Quản lý giám sát (Tổng cục Hải quan) nhấn mạnh: Thông tư số 38/2018/TT-BTC được ban hành đã tạo nên được sự thống nhất, minh bạch về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đây cũng là lần đầu tiên, lĩnh vực xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có một đầu mối văn bản riêng giúp hải quan và doanh nghiệp thuận tiện trong việc thực hiện và tra cứu.  

Giới thiệu về Thông tư số 38/2018/TT-BTC, bà Hoàng Thị Thuỷ, Trưởng phòng, Phòng Giám sát, quản lý xuất xứ; hàng hóa và sở hữu trí tuệ (Cục Quản lý giám sát, Tổng cục Hải quan) cho biết: Có 10 nội dung quy định tại Thông tư này các doanh nghiệp cần lưu ý như: Quy định cụ thể hồ sơ xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Quy định cụ thể các trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Quy định cụ thể các trường hợp không phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Quy định cụ thể thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Quy định cụ thể về nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với trường hợp thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thu nội địa đối với hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế, không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế…

“Những nội dung trên không chỉ hỗ trợ và tạo thuận lợi rất nhiều cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp, mà còn góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, áp dụng ưu đãi thuế quan theo đúng các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên”, bà Hoàng Thị Thủy nhấn mạnh.

Theo bà Thuỷ, Thông tư số 38/2018/TT-BTC cũng đã quy định rất cụ thể về việc xử lý các trường hợp không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa: Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt nếu người khai hải quan không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì hàng hóa áp dụng thuế suất ưu đãi (MFN) hoặc thông thường; Đối với hàng hóa phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục hải quan mà người khai hải quan không nộp thì hàng hóa không được thông quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

“Trường hợp hàng hóa quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư số 38/2018/TT-BTC, người khai hải quan không nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng hàng hóa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam kết luận hàng hóa đủ điều kiện nhập khẩu hoặc cho phép nhập khẩu theo pháp luật chuyên ngành thì cơ quan hải quan thực hiện thông quan theo quy định”, bà Thuỷ thông tin thêm.