Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung làm việc với Đoàn đánh giá của IFAD tại Việt Nam

Theo Cổng thông tin Điện tử Bộ Tài chính

(Tài chính) Ngày 23/5/2013, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung có buổi tiếp và làm việc với Đoàn đánh giá của Ban giám đốc Điều hành Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) tại Việt Nam do ông Agus Prihatin Saptono, Phó Chủ tịch Quỹ IFAD làm trưởng đoàn. Cùng tham dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Vụ Hợp tác quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung làm việc với Đoàn đánh giá của IFAD tại Việt Nam
Toàn cảnh buổi làm việc. Nguồn: Mof.gov.vn
Tại buổi làm việc, đại diện IFAD, ông Agus Prihatin Saptono cho biết về kết quả đánh giá của IFAD về các dự án do IFAD hỗ trợ cho Việt Nam tại các vùng miền núi và nông thôn đặc biệt khó khăn thời gian qua. Các thành viên trong đoàn đánh giá cao những hoạt động mà dự án đã thực hiện, đặc biệt là mô hình hợp tác công tư (PPP) của Việt Nam và đề xuất mô hình này cần được nhân rộng thời gian tới.

Thứ trưởng cảm ơn những đánh giá cao của IFAD đối với Việt Nam và cho biết dự án của IFAD rất phù hợp với chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam trong việc đảm bảo an sinh xã hội, các dự án này chủ yếu tập trung vào các vùng miền núi và khó khăn. Với kết quả tích cực đạt được từ các dự án sẽ góp phần giúp các tỉnh xung quanh ngoài dự án học tập nhiều kinh nghiệm. Theo Thứ trưởng, ở Việt Nam, muốn hỗ trợ người nghèo, người dân tộc thì cần phải hiểu rõ về phong tục, tập quán của người dân vùng đó, phải có 3 cùng: “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” và các dự án của IFAD đã thực hiện tốt điều này, từ đó góp phần làm nên sự thành công của các dự án.

Thứ trưởng cho biết, Việt Nam có khoảng 12 dự án của IFAD được thực hiện, trong đó có 6 dự án đã kết thúc thành công và đề nghị nên tổ chức các chương trình để các nước thành viên của IFAD có cơ hội trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Thứ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ tích cực từ IFAD để cùng với nguồn lực của nhà nước, Việt Nam có thể giải quyết được các vấn đề về an sinh xã hội một cách có hiệu quả, đồng thời, cam kết Việt Nam sẽ tham gia đóng góp tích cực vào quỹ của IFAD.

Đánh giá về kết quả đã đạt được của các dự án, đoàn công tác của IFAD cho rằng, những dự án thực hiện đã có những tác động tích cực tới sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực và xóa đói giảm nghèo. IFAD ủng hộ và đánh giá cao mối quan hệ hợp tác của Việt Nam với IFAD, sự hợp tác của hai bên đã hướng đến đúng đối tượng và hy vọng với những kết quả tích cực đó sẽ là kinh nghiệm để tiếp tục được nhân rộng tại các tỉnh khác nằm ngoài dự án. Đại diện IFAD khẳng định, Việt Nam luôn là đối tác tích cực của IFAD; IFAD sẵn sàng và sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ Việt Nam trên 3 lĩnh vực: Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao năng lực quản lý và tài chính nông thôn. 

* Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) là một tổ chức tài chính phát triển thuộc hệ thống Liên hợp quốc. Việt Nam trở thành thành viên IFAD từ năm 1977. Từ tháng 1/2008, IFAD thành lập Văn phòng đại diện tại Hà Nội.
 
* Đến nay Việt Nam đã hoàn thành đóng góp 1.617.793 USD cho 8 đợt bổ sung vốn của Quỹ. Ngày 31/1/2013, Bộ Tài chính có thư gửi IFAD cam kết tham gia đợt đóng góp thứ 9 nguồn vốn của Quỹ (giai đoạn 2013-2015) với số tiền 600.000 USD, tăng 20% so với các giai đoạn trước.
 
* Các khoản tài trợ từ IFAD cho Việt Nam: khoản vay từ IFAD có điều kiện ưu đãi với thời gian vay 40 năm, trong đó có 10 năm ân hạn, phí dịch vụ cho khoản vay là 0,75%.
 
* Các địa bàn IFAD tập trung hỗ trợ là miền núi, vùng đồng bào dân tộc với mục tiêu nhằm hỗ trợ cải thiện bền vững đời sống của các hộ gia đình nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng dự án, hướng tới nâng cao thu nhập của các hộ gia đình dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo, đặc biệt chú trọng vào phụ nữ. Các nội dung đầu tư bao gồm: Phát triển hạ tầng nông thôn theo hướng kết nối với thị trường; Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp xác định các mặt hàng nông sản có tiềm năng của địa phương và hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị để tăng giá trị hàng hóa, qua đó tăng thu nhập; Hỗ trợ cung cấp tín dụng vi mô, tín dụng cho doanh nghiệp để phục vụ chuỗi giá trị; Ngoài ra còn có các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật khác cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các tổ chức nghiên cứu khoa học.