Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung làm việc với Phái đoàn ngoại giao nhân dân Nhật Bản

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Sáng ngày 1/10/2014, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trương Chí Trung đã tiếp Phái đoàn ngoại giao nhân dân Nhật Bản (FEC) do ông Yoshihiko Nakagaki - Phó Chủ tịch kiêm Chủ tịch Ủy ban hợp tác văn hóa- kinh tế Nhật Bản - Việt Nam làm trưởng đoàn với sự tham gia của đại diện 20 tập đoàn và doanh nghiệp (DN) Nhật Bản nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Tham gia buổi tiếp FEC còn có đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính: Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tài chính Ngân hàng, Cục Tài chính DN.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung làm việc với Phái đoàn ngoại giao nhân dân Nhật Bản
Toàn cảnh buổi làm việc. Nguồn: mof.gov.vn
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trương Chí Trung đã chào mừng đoàn đến thăm và làm việc tại Bộ Tài chính và bày tỏ sự khâm phục trước những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của Nhật Bản trong những năm gần đây mặc dù đất nước xứ sở hoa anh đào thường xuyên phải ứng phó với thiên tai như nạn sóng thần và gần đây là núi lửa.

Ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản vẫn tích cực hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, theo đó góp phần xây dựng quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản.

Thứ trưởng Trương Chí Trung đã trả lời cụ thể các câu hỏi của Phó Chủ tịch FEC và một số thành viên của đoàn tập trung vào các nội dung về các bước chuẩn bị của Việt Nam trong việc hiện thực hóa nỗ lực tham gia hoàn toàn vào Cộng đồng thương mại tự do ASEAN (AAC) (giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNN) trong tiến trình này; Cơ chế bảo đảm nguồn thu cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công ích như điện, nước khi mở cửa kinh tế; Phương án bố trí vốn trong nước như thế nào cho DN bên cạnh nguồn vốn của nước ngoài nhằm tăng cường nguồn vốn hoàn thiện cơ sở hạ tầng xã hội; Chính sách ưu đãi đầu tư cho những lĩnh vực ưu tiên mà hai nước đã thỏa thuận; Tái cấu trúc DNNN và tiến trình cổ phần hóa (tỷ lệ cổ phần hóa, các vấn đề nổi cộm…), Chính sách tái cấu trúc hệ thống ngân hàng…

Riêng về lĩnh vực mà phái đoàn Ngoại giao nhân dân Nhật Bản hết sức quan tâm mở rộng đầu tư đó là ngành công nghiệp phụ trợ, Thứ trưởng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang chú trọng ưu tiên phát triển ngành này, theo đó đã ban hành chính sách phát triển. Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư mạnh mẽ vào ngành còn đang non trẻ này.

Hai bên thống nhất sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường hợp tác chặt chẽ, toàn diện nhằm đưa quan hệ của hai nước Việt Nam – Nhật Bản lên một tầm cao mới, đặc biệt, trong thời gian tới, dự báo những khó khăn về địa chính trị có thể xảy ra trên thế giới.