Tìm giải pháp cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam

PV.

Ngày 01/03/2018, tại Hà Nội, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Standard Chartered tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nâng cao mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam".

Tham dự Hội thảo có ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, đại diện các vụ, cục chức năng thuộc Bộ Tài chính cùng với đông đảo chuyên gia tư vấn quốc tế của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Standard Chartered.

Nỗ lực cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, hệ số tín nhiệm quốc gia là chỉ số phản ánh toàn bộ diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, xã hội, tài chính, tiền tệ, tín dụng và khả năng hoàn trả hữu hạn đối với danh mục nợ của quốc gia. Đây là chỉ số cơ bản được các nhà đầu tư xem xét như một yếu tố xác định mức độ rủi ro và khả năng sinh lời trước khi quyết định đầu tư vào quốc gia đó.

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại phát biểu tại Hội thảo. Nguồn: Văn Trường
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại phát biểu tại Hội thảo. Nguồn: Văn Trường

Nhận thức được mức độ quan trọng của xếp hạng tín nhiệm quốc gia, thời gian qua, Chính phủ đã hợp tác với 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín trên thế giới gồm Moody’s (năm 2005), Standard & Poor’s (năm 2005) và Fitch’s (năm 2014).

Năm 2017, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định và có nhiều cải thiện, cụ thể là tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức độ cao, lạm phát được kiểm soát. Vì vậy, 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s và Fitch’s đã nâng mức triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ mức “ổn định” lên mức “tích cực”.

Ông Trương Hùng Long cho rằng, việc cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì đây là vấn đề về uy tín quốc gia trên trường quốc tế. Thông qua đó sẽ giúp Chính phủ, doanh nghiệp, định chế tài chính nhà nước và các tổ chức tín dụng khi huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế có thể giảm được chi phí huy động vốn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, nguồn vốn ODA giảm dần từ năm 2015 và sẽ dựa nhiều hơn vào vay thương mại. Do đó, nếu nâng được mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia (BB-) như hiện nay lên mức BBB thì chi phí huy động vốn vay sẽ giảm 2,5%.

“Mức xếp hạng tín nhiệm càng cao thì chi phí vay càng giảm, vì vậy việc cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm của quốc gia cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa”, ông Long cho biết.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xếp hạng tín nhiệm, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới cho rằng, hệ số tín nhiệm quốc gia có ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế chứ không riêng khu vực nhà nước, vì vậy các nước trên thế giới và cả Việt Nam cần có một hệ thống chính sách phù hợp và công khai thông tin ra ngoài.

Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: Văn Trường
Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: Văn Trường

“Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang quốc gia có thu nhập trung bình cao, việc tiếp cận các nguồn vốn sẽ có thay đổi. Do vậy, Việt Nam cần quan tâm đến rủi ro tín dụng của nhà nước cũng như chi phí của huy động vốn”, ông Sebastian Eckardt khuyến cáo.

Để cải thiện định mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam

Để cải thiện định mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, theo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, thời gian tới cần tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, về chính trị và thể chế: Tăng cường ổn định chính trị, kỷ cương, kỷ luật và các hoạt động của đất nước trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật cần được tăng cường. Cùng với đó, không ngừng thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội nhằm giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng giữa các đối tượng, vùng, miền và khu vực địa lý…

Thứ hai, về điều hành kinh tế vĩ mô: Thực hiện đầy đủ, nhất quán và triệt để các đề án về tái cơ cấu kinh tế, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng, tái cấu trúc thị trường chứng khoán và các định chế tài chính; Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phấn đấu giảm bội chi ngân sách nhà nước về mức dưới 4% GDP vào năm 2020; Điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt theo tín hiệu thị trường.

Thứ ba, nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm. Trong nhóm giải pháp này chú ý một số nội dung sau: Tiếp tục cải thiện tính công khai, minh bạch, phục vụ cho công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia; Tăng cường phối hợp giữa cơ quan Việt Nam trong cung cấp thông tin và thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc gia; Tranh thủ hỗ trợ tư vấn quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm và duy trì tiếp xúc thường xuyên với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế khi làm việc với các tổ chức định mức tín nhiệm, ông Scott Wong, Chuyên gia tư vấn quốc tế của Ngân hàng Standard Chartered nêu ra 4 giải pháp nhằm cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, đó là: Tăng cường nền tảng tín nhiệm; Tạo nên sự thống nhất và mạch lạc về độ tín nhiệm; tạo bố cục để đối thoại nhất quán với các tổ chức đánh giá định mức và nhà đầu tư; Phối hợp chặt chẽ với chuyên gia phân tích quốc gia trong suốt quá trình đánh giá định mức của họ.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng tập trung bàn thảo các vấn đề như: Vai trò của công tác xếp hạng tín nhiệm; Cập nhật phương pháp xếp hạng của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới; Thực trạng công tác xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam và kinh nghiệm về công tác xếp hạng tín hiệm quốc gia của một số nước trong khu vực.

Ngày 6/2/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 304/QĐ-TTg phê duyệt nội dung Đề án nâng cao định mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia, trong đó đặt ra mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020 nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức đầu tư, đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (Moody’s) hoặc BBB- (S&P và Fitch) trở lên”.