Trên nửa triệu học sinh vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ gạo

PV (thực hiện).

Để bảo đảm kịp thời hỗ trợ gạo dự trữ quốc gia cho các em học sinh ngay từ thời điểm bắt đầu năm học mới, trên cơ sở báo cáo của các địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành quyết định xuất tạm ứng hơn 16.192 tấn gạo hỗ trợ học sinh (thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ gạo) trong 2 tháng đầu học kỳ I của năm học 2016- 2017.

Việc hỗ trợ trực tiếp bằng nguồn gạo DTQG đã góp phần giảm bớt khó khăn cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn.
Việc hỗ trợ trực tiếp bằng nguồn gạo DTQG đã góp phần giảm bớt khó khăn cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn.

Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Phan Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà (DTNN) nước xoay quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, năm học 2016-2017 là mùa thứ tư những hạt gạo của Đảng, Chính phủ được xuất cấp để tiếp tục vun trồng bao ước mơ tuổi thơ. Ông có thể điểm xuyết về những kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai nhiệm vụ này?

Trên nửa triệu học sinh vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ gạo - Ảnh 1

Ông Phạm Phan Dũng

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng: Thực hiện Quyết định 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong 3 năm học qua (2013 - 2014, 2014 - 2015 và năm học 2015 - 2016), Chính phủ đã hỗ trợ trên 196.000 tấn gạo dự trữ quốc gia  (DTQG) cho hơn 500.000 lượt học sinh/năm học của 49 tỉnh thành phố trong cả nước.

Riêng năm học 2015 - 2016, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã xuất cấp 72.327 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho học sinh, trong đó xuất cấp học kỳ I là gần 40.000 tấn gạo và học kỳ II là 33.000 tấn gạo cho 48 tỉnh thành phố, theo đúng kế hoạch phân bổ, tiếp nhận gạo của UBND các tỉnh.

Cũng trong năm học 2015-2016, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc tiến hành kiểm tra quá trình tiếp nhận, phân bổ, sử dụng gạo tại một số địa phương như: Hà Giang, Quảng Nam và Kon Tum. Đối với các tỉnh còn lại, Tổng cục DTNN giao nhiệm vụ cho các Cục DTNN khu vực phụ trách địa bàn phối hợp với địa phương để kiểm tra, báo cáo kết quả thực hiện.

Qua công tác kiểm tra tại các địa phương cho thấy, đa số các trường đã thành lập Ban tiếp nhận, quản lý, sử dụng gạo hỗ trợ cho học sinh; lập sổ theo dõi tình hình tiếp nhận, sử dụng gạo hàng ngày, hàng tháng, từng học kỳ và cả năm học.

Việc hỗ trợ trực tiếp bằng nguồn gạo DTQG đã góp phần giảm bớt khó khăn cho học sinh, gia đình và nhà trường, góp phần quan trọng trong việc duy trì tỷ lệ đi học, nâng cao thể trạng của học sinh và chất lượng giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, gián tiếp giải quyết được phần nào khó khăn cho một số địa phương trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống dân cư và phát triển kinh tế tại một số vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn... Qua báo cáo của Bộ Tài chính, đồng chí Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao nỗ lực này.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do sự di dời của địa bàn dân cư; sự thành lập mới các trường; sự thay đổi do điều chỉnh vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và do thiên tai, thời tiết nên chúng tôi và một số địa phương còn gặp khó khăn trong rà soát, xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách và ban hành quyết định phân bổ gạo cho các đối tượng thụ hưởng…

PV: Thưa ông, để triển khai Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai phương án hỗ trợ gạo cho học sinh năm học mới 2016 - 2017, xin ông cho biết cụ thể hơn về kế hoạch triển khai?

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng: Thực hiện Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ và theo sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ra quyết định, giao Tổng cục DTNN tạm thời xuất cấp hơn 16.192 tấn gạo hỗ trợ các em học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trong 2 tháng đầu học kỳ I của năm học 2016- 2017, kịp thời cho năm học mới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng giao Tổng cục DTNN khẩn trương tổ chức xuất kho, vận chuyển, giao gạo theo đúng quy định về quy trình xuất cấp, giao nhận, phân phối, sử dụng hàng DTQG;

Đồng thời, phối hợp với UBND các tỉnh tổ chức giao gạo cho các địa phương, hỗ trợ kịp thời cho các em ngay đầu năm học mới theo đúng quy định.

Cùng với đó, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ gạo cho học sinh của các địa phương trong năm học 2016-2017 để báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính ra quyết định xuất cấp gạo bổ sung cho các địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả hỗ trợ gạo cho học sinh của các địa phương theo đúng quy định.

PV: Thưa ông, ngoài niềm vui được nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước thì mối quan tâm của nhiều em học sinh, các bậc phụ huynh và chính quyền các địa phương là nguồn gạo và chất lượng gạo được cấp phát tại các Cục DTNN khu vực?

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng: Để chuẩn bị cho việc thực hiện hiện nhiệm vụ này, ngay từ cuối năm 2015, chúng tôi đã dự báo tình hình, xây dựng dự toán và đề xuất với Bộ trưởng Bộ Tài chính cho phép đầu năm 2016 nhập tăng số lượng gạo, để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ gạo cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay, số lượng gao trong kho DTQG đã đủ để đáp ứng yêu cầu này.

Năm học 2015 - 2016, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã xuất cấp 72.327 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho học sinh, trong đó xuất cấp học kỳ I là gần 40.000 tấn gạo và học kỳ II là 33.000 tấn gạo cho 48 tỉnh thành phố, theo đúng kế hoạch phân bổ, tiếp nhận gạo của UBND các tỉnh... Qua báo cáo của Bộ Tài chính, đồng chí Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao nỗ lực này.

Căn cứ vào lượng tồn kho gạo tại các Cục DTNN khu vực được bố trí đều khắp trong cả nước, Tổng cục DTNN sẽ giao nhiệm vụ cho các Cục DTNN khu vực xuất cấp gạo hỗ trợ học sinh thuộc địa bàn do đơn vị quản lý.

Trường hợp nhu cầu hỗ trợ gạo cho học sinh của một số tỉnh như: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên vượt lớn hơn so với lượng tồn kho tại các đơn vị dự trữ, Tổng cục DTNN sẽ có phương án điều động hàng từ các kho ở khu vực lân cận tham gia xuất, cấp, bảo đảm đủ số lượng gạo, hỗ trợ kịp thời cho các em học sinh

Có thể khẳng định rằng, gạo DTQG khi xuất cấp đều đảm bảo chất lượng theo quy định. Trước và trong quá trình xuất cấp, gạo DTQG đều được kiểm tra kỹ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Ở mỗi điểm giao nhận, các bên đều trực tiếp lấy mẫu gạo đánh giá chất lượng thông qua đánh giá cảm quan, kiểm tra thực tế các bao gạo giao nhận, trên cơ sở đó các đơn vị DTQG tiến hành lập biên bản giao nhận với địa phương. Chính vì vậy, qua các đợt xuất cấp, chất lượng gạo luôn được người dân và địa phương đánh giá cao.

Trong năm học 2016-2017, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban dân tộc và UBND các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng gạo tại các địa phương để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các trường hợp sai sót, sử dụng gạo không đúng mục đích.