Ngành Hải quan:

Triển khai nhiều biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế

PV.

Nhằm tăng cường công tác quản lý thuế, mới đây, Tổng cục Hải quan đã có Công văn yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố, Cục Kiểm tra sau thông quan triển khai các biện pháp đôn đốc thu nợ đối với người nộp thuế còn nợ tiền, thuế phạt, tiền chậm nộp, đảm bảo thu hồi kịp thời nợ đọng thuế vào NSNN, giảm nợ đọng thuế.

Tổng cục Hải quan văn yêu cầu các cục hải quan triển khai các biện pháp đôn đốc thu nợ
Tổng cục Hải quan văn yêu cầu các cục hải quan triển khai các biện pháp đôn đốc thu nợ

Theo Tổng cục Hải quan, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế đã được nêu cụ thể tại Điều 125 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Theo đó, thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bao gồm:

a, Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác, phong tỏa tài khoản;

b) Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập;

c) Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu;

d) Ngừng sử dụng hóa đơn;

đ) Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp;

e) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ;

g) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

Căn cứ theo các quy định về quản lý thuế thuế về quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố, Cục Kiểm tra sau thông quan áp dụng ngay các biện pháp đôn đốc thu nợ đối với người nộp thuế còn nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp, đảm bảo thu hồi kịp thời nợ đọng thuế vào ngân sách nhà nước, giảm nợ đọng thuế.

Đồng thời, rà soát tất cả các trường hợp doanh nghiệp đang có nợ thuế quá hạn đến 90 ngày thì thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định để thu hồi các khoản nợ vào ngân sách nhà nước. Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính thì cơ quan hải quan nơi doanh nghiệp nợ thuế phải ban hành quyết định hành chính về quản lý thuế hoặc có văn bản đề nghị cơ quan chức năng liên quan trong việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế hành chính về thuế theo quy định.

Đối với việc áp dụng biện pháp cưỡng chế dùng làm thủ tục hải quan: Cơ quan Hải quan phải ban hành Quyết định cưỡng chế dùng làm thủ tục hải quan, gửi đến đối tượng bị cưỡng chế và thông báo trên trang thông tin điện tử của ngành Hải quan chậm nhất là 5 ngày làm việc trước ngày áp dụng biện pháp dùng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đối với biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản: Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản được gửi cho người nộp thuế bị cưỡng chế, kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng nơi người nộp thuế bị cưỡng chế mở tài khoản và các tổ chức, cá nhân có liên quan kèm theo lệnh thu NSNN ngay trong ngày ban hành quyết định cưỡng chế và được cập nhật trên trang thông tin điện tử của ngành Hải quan.

Quyết định cưỡng chế chấm dứt hiệu lực kể từ ngày người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào NSNN hoặc số tiền thuế nợ bị cưỡng chế được cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định nộp dần tiền thuế nợ hoặc quyết định gia hạn nộp thuế hoặc quyết định miễn tiền chậm nộp tiền thuế hoặc thông báo không tính tiền chậm nộp.

Cơ quan quản lý thuế ban hành Quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định cưỡng chế theo Mẫu số 08/CC tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Về mẫu thông báo tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, các đơn vị căn cứ vào điểm b.1 khoản 2 Điều 9 Thông tư số 06/2021/TT-BTC hướng dẫn: “Trường hợp sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt hoặc đã nộp nhưng số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn thiếu thì cơ quan Hải quan thông báo cho người nộp thuế biết số tiền thuế, tiền phạt còn nợ, số ngày chậm nộp qua Hệ thống theo mẫu số 1 Phụ lục 2 hoặc bản giấy theo mẫu số 01/TXNK phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này”.

Đối với những nội dung liên quan đến nâng cấp Hệ thống Kế toán thuế tập trung, do hiện nay ngành Hải quan chuẩn bị xây dựng hệ thống Hải quan thông minh theo hướng thuê dịch vụ hệ thống công nghệ thông tin hướng tới hải quan số theo chủ trương đầu tư đã được phê duyệt tại Quyết định 97/QĐ-BTC ngày 26/1/2021 của Bộ Tài chính.

Do đó, thông báo về việc người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt hoặc thông báo số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn thiếu, Tổng cục Hải quan đề nghị các cục hải quan tỉnh, thành phố vẫn thực hiện theo theo mẫu số 01/TXNK phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 06/2021/TT-BTC.

Về việc công khai các khoản thuế nợ, Tổng cục Hải quan đã đưa các khoản nợ của DN lên website: https://www.customs.gov.vn. Doanh nghiệp có thể truy cập vào website của cơ quan Hải quan để thực hiện tra cứu tình trạng nợ thuế chi tiết theo tờ khai để thực hiện nghĩa vụ với NSNN theo quy định.

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố niêm yết công khai nội dung mẫu thông báo tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt tại trụ sở của cơ quan Hải quan để doanh nghiệp được biết và thực hiện.