Ứng dụng công nghệ thông tin: Điểm sáng của ngành Tài chính năm 2012

Nghi Thu

(Tài chính) Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông Việt Nam (ICT Index) năm 2012 do Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin (CNTT) và Hội tin học Việt Nam công bố, ngành Tài chính đã trở lại vị trí thứ 2 trong Bảng xếp hạng về CNTT ở khối Bộ, ngành. Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, sự ghi nhận này đã minh chứng cho những quyết tâm và nỗ lực cải cách, hiện đại hóa và ứng dụng CNTT của ngành Tài chính thời gian qua.

Năm 2012, ngành Tài chính đã trở lại vị trí thứ 2 trong Bảng xếp hạng về CNTT ở khối Bộ, ngành. Ảnh: Internet
Năm 2012, ngành Tài chính đã trở lại vị trí thứ 2 trong Bảng xếp hạng về CNTT ở khối Bộ, ngành. Ảnh: Internet

Nhìn lại năm 2012, công tác triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT ngành Tài chính theo Quyết định số 1766/QĐ-BTC đã đạt được những thành công nhất định. Theo đó, về công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN), hàng loạt các dự án ứng dụng CNTT được triển khai mạnh mẽ trong các lĩnh vực như: Quản lý thuế thu nhập cá nhân, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Kê khai thuế điện tử qua mạng Internet, thủ tục hải quan điện tử… Có thể nói, việc áp dụng triển khai công nghệ tiên tiến, tổ chức theo mô hình xử lý tập trung trên phạm vi toàn quốc đối với các dự án đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong công tác tin học hoá quản lý Thuế nói riêng và quản lý Tài chính nói chung.

Trong khi đó, về công tác chi NSNN, Dự án TABMIS chính thức được triển khai đồng bộ tại các cơ quan Tài chính/Kho bạc Nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương đã góp phần quan trọng nhằm đạt được mục tiêu cải cách quản lý tài chính công của ngành Tài chính… Ngoài ra, năm 2012 công tác triển khai, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và an ninh thông tin điện tử ngành Tài chính được quan tâm, tập trung nguồn lực nhằm hạn chế các cuộc tấn công gây ảnh hưởng tới sự hoạt động của hệ thống ứng dụng CNTT của Ngành.

Bên cạnh đó, sự kiện Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến cũng thể hiện rõ quyết tâm cao nhất của lãnh đạo ngành Tài chính trong việc quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Cụ thể, ngày 01/8/2012, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã chủ Hội nghị giao ban bằng hình thức truyền hình trực tuyến với 7 điểm cầu trên toàn quốc. Nhiều ý kiến khẳng định, đây là một bước đột phá về ứng dụng CNTT trong việc cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, thời gian, tăng cường tính hiệu quả trong điều hành và thực thi nhiệm vụ.

Năm 2012 cũng là năm cho thấy những nỗ lực của ngành Tài chính trong việc kêu gọi các nguồn tài trợ quan trọng từ các đối tác quốc tế nhằm phục vụ cho cải cách hiện đại hóa công nghệ của Ngành trong bối cảnh nguồn đầu tư trong nước ngày càng khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Trong đó, phải kể đến sự kiện ngày 22/3/2012, tại Hà Nội, Bộ trưởng Vương Đình Huệ và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki đã ký kết khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 2,661 tỷ Yên của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam để triển khai hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS). Sự kiện này mở ra cơ hội lớn để Việt Nam thực hiện chiến lược hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương giữa Việt Nam và thế giới.

Một trong những dấu ấn khác về ứng dụng CNTT trong năm 2012 là việc Bộ Tài chính đã phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2011 - 2015, qua đó tạo những định hướng lớn và cụ thể cho các đơn vị trong ngành Tài chính để tổ chức triển khai nhiệm vụ trong giai đoạn tới. Để thực hiện kế hoạch quan trọng này, ngành Tài chính tập trung xây dựng cơ chế chính sách, các quy định, quy chế liên quan đến việc ứng dụng và triển khai các dự án CNTT trong phạm vi toàn Ngành và đến nay công tác này cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, ngành Tài chính cũng đã tháo gỡ nhiều vướng mắc trong cơ chế chính sách nhằm giúp các đơn vị trong Ngành đẩy mạnh công tác CNTT, trong đó rõ nhất là việc giải ngân các dự án liên quan đến CNTT. Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước cho biết, năm 2012, nhờ sự quyết liệt tháo gỡ khó khăn trong quy trình phối hợp đã giúp Kho bạc Nhà nước đạt kết quả giải ngân tốt, tính đến ngày 31/1/2013 ước đạt 90,6%, nếu tính thêm cả 7% tiết kiệm thì gần đạt tỷ lệ cam kết từ đầu năm (98%).

Riêng với ngành Dự trữ, với việc Bộ Tài chính tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến Thông tư số 19/2012/TTLT-BTC-BKH&ĐT-BTTTT hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, đã giúp toàn hệ thống Dự trữ giải ngân được thêm 20 tỷ đồng, đưa tỷ lệ giải ngân ước đến hết ngày 31/1/2013 đạt 96,9%. Việc vận dụng Thông tư 19 cũng đã giúp ngành Thuế tháo gỡ được hàng trăm tỷ đồng tồn đọng từ những năm trước cho khâu mua sắm hàng hóa...