Tác động của đại dịch COVID-19 đến lao động, việc làm và một số giải pháp đề xuất


Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội nói chung, nhất là trong lĩnh vực lao động, việc làm. Thất nghiệp gia tăng, số người không có việc làm, thu nhập giảm dẫn đến sự gia tăng các tệ nạn xã hội. Đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến lao động, việc làm, cũng như tìm kiếm giải pháp ứng phó là những vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tác động của đại dịch COVID-19 
đến lao động, việc làm

Bức tranh về nền kinh tế toàn cầu đã trải qua một năm 2020 đầy biến động với “gam màu tối” là chủ đạo, do ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đại dịch COVID-19. Trong lĩnh vực lao động, việc làm (LĐVL), Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO (2020) nhận định, thị trường LĐVL đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu phục hồi sau những gián đoạn chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra trong năm 2020.

Tuy nhiên, tác động tiêu cực của đại dịch vẫn còn đang tiếp diễn, số giờ làm việc toàn cầu năm 2020 đã sụt giảm 8,8% so với quý IV/2019. Mức độ sụt giảm này bao gồm cả số giờ làm việc bị giảm của những người vẫn có việc làm và những người bị mất việc.

Theo ILO (2020), số lượng lao động thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng từ 5,3 triệu người (kịch bản “thấp”) đến 24,7 triệu người (kịch bản “cao”). Đây là số tăng thêm so với số lượng lao động thất nghiệp sẵn có là 188 triệu người trong năm 2019. Tình trạng thiếu việc làm cũng được dự báo sẽ tăng theo diện rộng, khi những tác động về kinh tế của COVID-19 sẽ khiến cả giờ làm và tiền lương bị giảm.

Nhóm lao động tự làm ở các nước đang phát triển – vốn thường là tấm đệm giúp làm nhẹ bớt độ xung của những tác động do những thay đổi đột ngột mang lại, thì lần này sẽ không còn tác dụng, vì những hạn chế di chuyển đối với con người và hàng hóa. Tình trạng lao động nghèo được dự báo cũng sẽ gia tăng đáng kể, bởi “việc giảm thu nhập do suy giảm các hoạt động kinh tế sẽ ảnh hưởng xấu tới những NLĐ cận nghèo hoặc sống dưới chuẩn nghèo”.

Tác động của đại dịch COVID-19 đến lao động, việc làm và một số giải pháp đề xuất - Ảnh 1

Tác động của cuộc khủng hoảng việc làm tới một số nhóm lao động sẽ không đồng đều và điều này sẽ làm gia tăng bất bình đẳng. Những người bị ảnh hưởng lớn, bao gồm những người được bảo vệ ít hơn và làm những công việc được trả lương thấp, nhất là lao động trẻ và lao động cao tuổi. Phụ nữ và lao động di cư cũng thuộc nhóm này. Lao động di cư dễ bị tổn thương, vì họ thường không được hưởng đầy đủ quyền lao động và an sinh xã hội. Trong khi đó, phụ nữ thường chiếm số đông trong nhóm các công việc lương thấp và các ngành kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh.

Theo thống kê, trong quý I/2021, cả nước còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, trong đó nam giới chiếm 51% và số người trong độ tuổi từ 25 đến 54 chiếm gần 2/3. Cụ thể, có 540 nghìn người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập.

Xét theo 3 khu vực, khu vực ít chịu tác động thấp nhất là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, với 7,5% lao động bị ảnh hưởng. Kế tiếp là khu vực công nghiệp và xây dựng, với 16,5% lao động bị ảnh hưởng. Lao động trong khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm tỷ lệ 20,4% (ILO, 2020; Tổng cục Thống kê, 2020).

Hình 1 cho thấy, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2021 là 51,0 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý IV/2020 và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020. So với quý trước, sự sụt giảm của lực lượng lao động là xu thế thường quan sát được trong nhiều năm kể cả những năm trước khi xảy ra đại dịch, do ảnh hưởng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 ngay trước dịp Tết Nguyên đán đã làm thay đổi xu thế tăng thường thấy so với cùng kỳ các năm trước. Thông thường, theo đà tăng dân số, lực lượng lao động năm sau luôn tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lực lượng lao động quý I/2021 xuống thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 gần 200 nghìn người và thấp hơn cùng kỳ khi chưa có dịch (năm 2019) khoảng 600 nghìn người.

Tác động của đại dịch COVID-19 đến lao động, việc làm và một số giải pháp đề xuất - Ảnh 2

Hình 2 cho thấy, trong quý I/2021, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49,9 triệu người, giảm 959,6 nghìn người so với quý IV/2020 và giảm 177,8 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và ở nam giới (tương ứng là giảm 491,5 nghìn người và 713,4 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020). Trước đó, trong năm 2020, sự bùng phát mạnh của dịch bệnh COVID-19 đã làm thị trường lao động suy giảm mạnh trong quý II (số lao động có việc làm giảm từ 50,1 triệu người trong quý I xuống còn 48,1 triệu người, giảm gần 2 triệu người).

Tiếp đó, quý III và quý IV/2020, do sự kiểm soát dịch tốt, cùng việc thực hiện nới lỏng cách ly xã hội và những chính sách hỗ trợ ảnh hưởng do COVID-19 của Chính phủ, TTLĐ có có sự phục hồi trở lại, lao động có việc làm tăng lên đạt mức 50,9 triệu người, gần với mức trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 là 51,0 triệu người. Tuy nhiên, đến quý I/2021, sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 đã làm giảm đà phục hồi của TTLĐ đạt được trước đó. Lao động có việc làm giảm xuống còn 49,9 triệu người, giảm 1,8% so với quý IV/2020 và giảm 0,36% so với cùng kỳ năm 2020.

Đại dịch Covid 19 cũng góp phần thay đổi thói quen làm việc, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin của người lao động nhằm thích nghi với các diễn biến khó lường của đại dịch. Cụ thể, đại dịch Covid-19 nên người lao động đã chuyển đổi từ việc không ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) sang có ứng dụng CNTT trong công việc của mình. Hơn nữa, mặc dù số người có việc làm giảm nhưng số phụ nữ có việc làm lại tăng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến do tăng về số người có việc làm phi chính thức khiến tỷ lệ lao động phi chính thức của nữ giới tăng mạnh hơn so với nam giới (2,5 điểm phần trăm so với 1,2 điểm phần trăm). Đây có thể là do tác động của yếu tố giới khi tham gia thị trường lao động dưới tác động của đại dịch Covid-19: nữ giới dễ thỏa hiệp và không có nhiều cơ hội lựa chọn các công việc khi tham gia thị trường lao động so với nam giới, họ bắt buộc phải chấp nhận làm các công việc kém ổn định hơn miễn là có thể đảm bảo thu nhập cho bản thân và gia đình.

Các số liệu thống kê cho thấy, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động trong quý I/2021 là 971,4 nghìn người, tăng 143,2 nghìn người so với quý IV/2020 và tăng 78,7 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động vào thời điểm quý I/2021 là 2,20%, tăng 0,38 điểm phần trăm so với quý IV/2020 và tăng 0,22 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.

Quý I/2021, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 3,88%, khu vực công nghiệp và xây dựng là 1,51%; khu vực dịch vụ là 1,76%. Mặc dù khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động cao nhất, nhưng so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ thiếu việc làm trong khu vực này đã giảm đi 0,8 điểm phần trăm, trong khi đó tỷ lệ này ở khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 0,86 điểm phần trăm và khu vực dịch vụ tăng 0,31 điểm phần trăm. Rõ ràng, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã làm tình trạng thiếu việc làm lan rộng sang cả khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

 Theo các số liệu thống kê tại Hình 5, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo (NEET) trong quý I/2021 là 16,3%, tương đương với gần 2 triệu thanh niên; tăng 0,9 điểm phần trăm, tương đương với 51,6 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ NEET ở khu vực thành thị, nông thôn, nam, nữ đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng là 1,0 điểm phần trăm; 0,7 điểm phần trăm; 1,1 điểm phần trăm và 0,6 điểm phần trăm. Như vậy, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tìm kiếm việc làm, cũng như học tập của thanh niên, làm tỷ lệ NEET tăng lên.

Tác động của đại dịch COVID-19 đến lao động, việc làm và một số giải pháp đề xuất - Ảnh 3

 Trong khi đó, số liệu tại Hình 6 cho thấy, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện ở các quý năm 2019 chỉ ở mức 4%. Tuy nhiên, tỷ lệ này bắt đầu tăng lên khi dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát tại Việt Nam, chiếm 4,8% vào quý I/2020 và tăng lên mức cao nhất là 6,2% vào quý II/2020 khi dịch COVID-19 bùng phát. Khi các hoạt động kinh tế-xã hội dần được khôi phục vào cuối năm 2020, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm xuống còn 4,4% vào quý IV/2020 và tăng lên 4,9% vào quý I/2021 khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại.

Kết luận và một số giải pháp đề xuất

Thực trạng LĐVL trong quý I/2021 đã phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và TTLĐ Việt Nam nói riêng. Đây là thách thức rất lớn để Việt Nam hoàn thành tốt “mục tiêu kép”: vừa phát triển kinh tế vừa chiến thắng đại dịch. Nghiên cứu này đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho TTLĐ trong bối cảnh đại dịch vẫn còn diễn biến khó lường. Do vậy, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, đẩy nhanh việc cấp hộ chiếu vaccine, xây dựng các tiêu chí cần thiết để mở cửa thị trường du lịch quốc tế để giúp ngành Dịch vụ nói chung và ngành Du lịch nói riêng phục hồi và phát triển. Các ngành này phát triển sẽ thu hút số lượng lớn lao động tham gia, góp phần tận dụng tốt hơn tiềm năng lao động sẵn có.

Hai là, Việt Nam hiện nay vẫn còn 3,5 triệu lao động sản xuất sản phẩm nông nghiệp, với mục đích chủ yếu để bản thân và gia đình sử dụng. Khoảng 93,5% lao động tự sản tự tiêu không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và hơn một nửa trong số họ đang trong độ tuổi lao động. Đây là nguồn lao động tiềm năng vô cùng phong phú có thể tận dụng để phát triển. Vì vậy, cần triển khai những chính sách dành riêng để thu hút đối tượng này tham gia TTLĐ, một mặt góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội nói chung, mặt khác giúp cải thiện đời sống của người lao động.

Ba là, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời nhằm kích thích nền kinh tế, cũng như nhu cầu sử dụng lao động. Những biện pháp này không chỉ giúp các doanh nghiệp và NLĐ thoát khỏi nguy cơ phá sản, mất việc và giảm thu nhập, mà còn tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Bốn là, triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng lao động, tạo động lực cho NLĐ làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Năm là, thị trường lao động Việt Nam có khoảng 75% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Đây là hạn chế lớn của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch vẫn đang lan rộng và Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Chất lượng nguồn lao động chưa cao sẽ là rào cản ngăn cách cơ hội thích ứng và bắt kịp với các xu hướng công nghệ mới, các phương thức kinh doanh mới của thế giới. Vì vậy, Việt Nam cần tích cực đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế.  

Tài liệu tham khảo:

1. Tổng cục Thống kê (2020), Tổng cục thống kê họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý IV/2017 và năm 2020, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/01/tong-cuc-thong-ke-hop-bao-cong-bo-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-iv-va-nam-2020/;

2. Tổng cục Thống kê (2021), Thông cáo báo chí tình hình việc làm quý I/2021, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/04/thong-bao-cao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-i-2021/.

3. UNICEF (2020), 7 cách chủ doanh nghiệp có thể hỗ trợ người lao động là cha mẹ trong bối cảnh dịch COVID-19. https://www.unicef.org/vietnam;

4. ILO (2020), COVID-19 tác động nghiêm trọng tới việc làm và số giờ làm việc, https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/Pressreleases/WCMS_740943/lang--vi/index.htm;

5. ILO (2020), Thế giới mất gần 25 triệu việc làm vì COVID-19,  https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/Pressreleases/WCMS_738980/lang--vi/index.htm.

(*) Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Học viên Cao học Lớp CH20KT02 - Trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 9/2021.