Tác động của thương mại quốc tế đến tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh


Trong 35 năm qua, hoạt động thương mại quốc tế (TMQT) đã tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, tăng trưởng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong giai đoạn 2011-2019 đạt bình quân 9,91%/năm. Quy mô và tốc độ tăng trưởng TMQT đã đóng góp vào quy mô và tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa của Thành phố, đồng thời tác động mạnh mẽ tới việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, thu hút đầu tư trong và ngoài nước...

Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn và năng động của đất nước
Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn và năng động của đất nước

Giới thiệu

TMQT đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đối với mỗi quốc gia, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, tham gia TMQT tạo ra động lực cho sự tăng trưởng kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ và cơ cấu ngành nghề trong nước; tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy phân công lao động trong nước và quốc tế.

Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn và năng động của đất nước, luôn đi đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Từ năm 2001 đến nay, tốc độ tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh luôn đạt được ở mức cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước. Năm 2019, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của TP. Hồ Chí Minh tăng 7,86% so với năm 2018, quy mô GRDP Thành phố chiếm hơn 22,3% GDP của cả nước. Năm 2020, GRDP của TP. Hồ Chí Minh tăng 1,39% so với năm 2019, đóng góp 22% tổng GDP của cả nước.

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh. Phát triển XNK là một trong những trụ cột cho tăng trưởng kinh tế bền vững ở TP. Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, TP. Hồ Chí Minh cần nâng cao giá trị gia tăng của XNK, tập trung đầu tư xuất khẩu sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường trên cơ sở tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Cơ sở lý luận

Lý thuyết TMQT của trường phái cổ điển và các lý thuyết TMQT hiện đại đã chỉ ra rằng, TMQT đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế vì nó mở rộng khả năng sản xuất và tiêu dùng của mỗi nước. Lịch sử phát triển của kinh tế thế giới cho thấy, các nước đi nhanh trên con đường tăng trưởng và phát triển kinh tế là các nước có nền ngoại thương mạnh và năng động. TMQT phát triển có vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế; thúc đẩy phân công lao động xã hội, hình thành lại vùng chuyên môn hóa, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, cải tiến công tác quản lý, áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất. TMQT góp phần mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, hòa nhập nền kinh tế một nước vào nền kinh tế thế giới trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của đất nước.

Chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế thông qua tự do hóa thương mại đã đem lại những kết quả khả quan cho mọi nền kinh tế trên thế giới, trong đó hoạt động XNK đã thể hiện được vai trò quan trọng phục vụ có hiệu quả phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, thúc đẩy nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Tự do hóa thương mại vừa mở rộng quy mô xuất khẩu của mỗi quốc gia, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho nhập khẩu, mở cửa cho hàng hóa và dịch vụ quốc tế mà nước mình mong muốn thâm nhập vào thị trường nội địa dễ dàng hơn. Toàn cầu hóa làm cho thị trường XNK được mở rộng, cho phép các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh được hoạt động XNK của mình. Về mặt sản phẩm, sự đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa được thực hiện thông qua tự do hóa XNK dẫn tới sự nâng cao năng suất lao động và cuối cùng, cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, nhất là ở các nước đang phát triển khi họ có thể tạo dựng được các dịch vụ có năng suất lao động cao nhờ chi phí trả lương thấp hơn.

Tác động của thương mại quốc tế đến tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh  - Ảnh 1

Cùng với chiến lược hội nhập quốc tế và phát triển, TMQT là một bộ phận quan trọng, gắn liền với tiến trình hội nhập quốc tế và có vai trò quyết định đến lợi thế của một quốc gia trên thị trường khu vực và thế giới. Vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển TMQT nói chung và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ nói riêng là mục tiêu phát triển kinh tế hàng đầu của các quốc gia. Xuất khẩu là cơ sở để mở rộng và thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại, tăng cường địa vị kinh tế và năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia trên thị trường thế giới. Sức cạnh tranh của hàng hóa được nâng cao, tăng trưởng kinh tế trở nên ổn định và bền vững hơn nhờ các nguồn lực được phân bổ một cách hiệu quả hơn. Xuất khẩu cũng tạo nguồn vốn chủ yếu cho nhập khẩu công nghệ, máy móc và những nguyên, vật liệu cần thiết cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hoạt động xuất khẩu kích thích các ngành kinh tế phát triển, góp phần tích lũy vốn, mở rộng sản xuất, tăng thu nhập cho nền kinh tế, cải thiện mức sống của các tầng lớp dân cư. Ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu là nguồn tăng dự trữ ngoại tệ, từ đó tạo điều kiện cần thiết để giúp cho quá trình ổn định đồng tiền nội tệ và chống lạm phát.

Hoạt động xuất khẩu không những đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn tạo ra những thay đổi quan trọng đối với sản xuất trong nước. Xuất khẩu đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất sản phẩm mới do các ngành sản xuất hàng xuất khẩu tạo điều kiện cho các ngành khác có cơ hội phát triển thuận lợi. Bên cạnh đó, xuất khẩu tạo ra những tiền đề kinh tế, kỹ thuật nhằm cải tạo và nâng cao năng lực sản xuất trong nước; bởi vì xuất khẩu là phương tiện quan trọng đưa nguồn vốn và kỹ thuật công nghệ từ thế giới bên ngoài vào nhằm hiện đại hóa nền kinh tế nội địa để tạo ra năng lực sản xuất mới. Thông qua xuất khẩu, hàng hóa nội địa tham gia vào cuộc cạnh tranh trên thị trường thế giới về giá cả, chất lượng...

Xuất khẩu có tác động tích cực đến việc giải quyết công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho người dân. Tác động của xuất khẩu đến đời sống bao gồm nhiều mặt. Trước hết, các DN sản xuất hàng xuất khẩu là nơi thu hút hàng triệu lao động vào làm việc với thu nhập cao. Xuất khẩu tạo ra nguồn vốn để nhập khẩu vật phẩm tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống và đáp ứng ngày càng phong phú thêm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Đồng thời, xuất khẩu tác động tích cực đến trình độ tay nghề của người sản xuất hàng xuất khẩu.

Trong khi đó, nhập khẩu là hiện tượng di chuyển hàng hóa từ thị trường thế giới vào thị trường nội địa của một nước. Cùng với xuất khẩu, hoạt động nhập khẩu chính là cơ sở quan trọng để mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại của một nước, là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng. Nhập khẩu hướng vào mục tiêu chủ yếu là phục vụ chiến lược phát triển xuất khẩu và đáp ứng yêu cầu thiết yếu của sản xuất, tiêu dùng trong nước. Thị trường nhập khẩu mở rộng, chất lượng hàng nhập khẩu được nâng cao góp phần đổi mới trang, thiết bị kỹ thuật và quy trình sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ nói chung, từ đó thúc đẩy xuất khẩu phát triển. Như vậy, cơ cấu hàng nhập khẩu cần được kiểm soát theo hướng ưu tiên phục vụ sản xuất để xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu trong nước...

Tác động của thương mại quốc tế đối với tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động XNK của TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng mạnh cả về quy mô và tốc độ đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Thành phố. Trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI hoạt động XNK của TP. Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu hết sức khả quan. Đặc biệt, kể từ năm 2007 khi Việt Nam gia nhập Tổ chức TMQT (WTO), TP. Hồ Chí Minh đã nắm bắt được các cơ hội để tăng quy mô XNK cũng như đa dạng hóa mặt hàng và thị trường XNK. Năm 2008, thị trường XNK của TP. Hồ Chí Minh đã được mở rộng trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch XNK trong năm 2019 đạt 2.156.629 tỷ đồng, tăng 29,7% so với năm 2018.

Giai đoạn 2011-2019, XNK của TP. Hồ Chí Minh tăng nhanh cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng. Thành phố đã có nhiều điều chỉnh và kiểm soát một cách chặt chẽ hơn các mặt hàng xuất khẩu nên giá trị thặng dư thương mại lớn hơn. Vì vậy, kim ngạch XNK đóng góp một cách tích cực vào tăng trưởng GRDP của Thành phố.

Số liệu thống kê cho thấy, giá trị kim ngạch XNK của TP. Hồ Chí Minh không ngừng tăng lên. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch hàng hóa XNK trong giai đoạn 2011-2019 đạt bình quân 11,31%/năm (Bảng 1). Mặc dù, xuất khẩu còn gặp nhiều áp lực cạnh tranh và các hàng rào thương mại nhưng nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Năm 2011, tăng trưởng kim ngạch XNK là cao nhất giai đoạn 2011- 2019. Giai đoạn 2012-2015, kim ngạch XNK bị suy giảm nghiêm trọng, nhất là trong năm 2012 (-8,9%) do bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thế giới. Giai đoạn 2016-2019, kim ngạch XNK có xu hướng tăng trở lại và đạt 29,7% vào năm 2019. Tỷ trọng đóng góp của XNK vào GRDP vào năm 2019 (160,3%) cũng cao hơn năm 2011 (150,5%) (Bảng 1). Năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19, tỷ trọng đóng góp của XNK vào GRDP có xu hướng giảm nhẹ, ở mức 155,8%.

Hoạt động nhập khẩu đã đạt được những thành tựu khả quan. Tỷ trọng hàng nhập khẩu đối với loại hàng hóa tiêu dùng trong nước sản xuất được ngày càng giảm. Điều này góp phần lành mạnh hóa cán cân thương mại, mặt khác cũng cho thấy khả năng tự đáp ứng hàng tiêu dùng công nghiệp sản xuất trong nước ngày càng tăng. Cơ cấu nhập khẩu có sự biến động mạnh mẽ giữa hai nhóm hàng tư liệu sản xuất và nhóm hàng tư liệu tiêu dùng. Nhập khẩu hàng tiêu dùng có xu hướng giảm mạnh trong khi nhập khẩu các tư liệu sản xuất tăng lên. Điều này thể hiện đúng định hướng nhập khẩu của nước ta là: Giảm tỷ trọng hàng nhập khẩu phục vụ tiêu dùng, tăng tỷ trọng hàng nhập khẩu là máy móc, thiết bị, nguyên, vật liệu cho sản xuất, trong đó chủ yếu là máy móc, thiết bị, động cơ, phụ tùng và nguyên, nhiên, vật liệu.

Thị trường nhập khẩu của TP. Hồ Chí Minh đã được mở rộng tới hầu hết các nước và vùng lãnh thổ. Ngoài các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… vẫn còn thấp cả về quy mô và tốc độ đã bắt đầu có sự gia tăng nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng từ những thị trường có trình độ công nghệ cao như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Canada… Trong năm 2019, Ấn Độ nổi lên như một thị trường nhập khẩu mới của TP. Hồ Chí Minh với kim ngạch nhập khẩu đạt 898,1 triệu USD, tăng 117,9% so với năm 2018.

Từ năm 1995 đến nay, hoạt động nhập khẩu của TP. Hồ Chí Minh đã có những thay đổi đáng kể theo thành phần kinh tế. Cụ thể, nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng khá nhanh. Khu vực FDI nhập khẩu chỉ bằng 50% khu vực đầu tư trong nước, nhưng chiếm tới trên 60% giá trị xuất khẩu. Giá trị nhập khẩu của khu vực này ngày càng tăng. Điều này cho thấy, chủ trương thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu đã phát huy hiệu quả, đồng thời thể hiện khả năng cạnh tranh xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh hơn hẳn so với khu vực trong nước do lợi thế về công nghệ, định hướng mặt hàng và thị trường.

XNK ngày càng đóng vai trò tích cực cho tăng trưởng kinh tế, thể hiện ở hai khía cạnh chính, đó là tỷ trọng của XNK trong GRDP và đóng góp của XNK vào tốc độ tăng trưởng GRDP của Thành phố. TP. Hồ Chí Minh có giá trị GRDP thực tế cao nhất cả nước và có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao. Giai đoạn 2011-2019, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của TP. Hồ Chí Minh đạt 8,68%/năm. Có nhiều nhân tố đóng góp vào mức tăng trưởng của Thành phố như: Vốn đầu tư, nguồn lao động và các nhân tố tổng hợp (TFP). Có thể kể đến các nhân tố chi tiêu trong tổng cầu tác động đến tăng trưởng kinh tế của Thành phố như: Chi tiêu của các hộ gia đình, chi tiêu đầu tư của các DN, chi tiêu của chính quyến Thành phố và chi tiêu XNK hàng hóa. Chi tiêu XNK hàng hóa đóng góp vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Thành phố.

Tỷ trọng kim ngạch XNK so với GRDP của Thành phố trong những năm qua không ngừng tăng lên; Thặng dư trong cán cân TMQT được duy trì nên có hiệu ứng tích cực tới tốc độ tăng trưởng GRDP của Thành phố. Mức đóng góp của TMQT vào giá trị của GRDP và mức tăng trưởng kinh tế của Thành phố ngày càng giữ vai trò trọng yếu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Bên cạnh những tác động tích cực, tác động của TMQT tới tăng trưởng kinh tế Thành phố còn một số hạn chế như: đóng góp từ XNK đến tăng trưởng còn nhỏ; hàm lượng công nghệ, kỹ năng, mức độ phức tạp của sản phẩm xuất khẩu chưa cao; Tình trạng gia tăng XNK hàng hóa chế biến thâm dụng lao động; mở rộng XNK đang có nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường… từ đó có tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn của Thành phố.

Để thương mại quốc tế đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Tại Đề án “Phát triển xuất khẩu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, dự báo đến năm 2025, TP. Hồ Chí Minh đặt ra kế hoạch kim đến năm 2025 ngạch xuất khẩu ước đạt 70 tỷ USD, đến năm 2030 đạt 108 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2026-2030 đạt 9%/năm. Trong bối cảnh đó, để hiện thực hóa mục tiêu đề ra và để thương mại quốc tế đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế của Thành phố, trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh cần quan tâm một số vấn đề sau:

- Duy trì và hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực truyền thống có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao, tạo nhiều việc làm và đóng góp ngân sách lớn cho Thành phố. Đưa ra các giải pháp nhằm gia tăng giá trị hàng hoá xuất khẩu; chuẩn bị điều kiện để nâng cấp công nghiệp, gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, hướng đến thực hiện dịch vụ xuất khẩu là chiến lược dẫn dắt nhằm nâng cao giá trị gia tăng đúng theo lợi thế cạnh tranh của Thành phố.

- Xây dựng chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh các cụm ngành xuất khẩu theo hướng dịch chuyển sang các công đoạn thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi giá trị toàn cầu; bước đầu chuyển dịch dần từ những ngành thâm dụng lao động có mức độ tinh vi và cơ hội đa dạng hóa thấp sang những ngành có mức độ tinh vi và cơ hội đa dạng hóa cao hơn. Xây dựng chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu gồm: Sản phẩm hữu hình (điện tử, cơ khí lắp ráp, chế tạo, tự động hóa, quang học) và xuất khẩu dịch vụ (tài chính, du lịch, logistics), bởi đây là các ngành tạo động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu trong dài hạn.

- Tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu, bao gồm cả hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng cảng biển... Tận dụng tốt hơn và đem lại hiệu quả cao hơn từ các máy móc, công nghệ nhập khẩu; sử dụng có hiệu quả và bảo tồn nguồn tài nguyên nhằm duy trì mục tiêu phát triển kinh tế bền vững cho Thành phố.

- Xây dựng chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên về cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu và lao động có kỹ năng, xuất khẩu dịch vụ, hàng hóa vô hình.

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 phê duyệt Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030;

2. Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh. Niên giám Thống kê 2010, 2015, 2018, 2019;

3. Nguyễn Quang Hiệp (2016), Phân tích mối quan hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, Luận án Tiến sỹ Kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân;

4. Lê Hoàng Oanh (2015), Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới. Tạp chí Khoa học thương mại, số 81, tr.35-42;

5.Tr ang tin điện tử Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh (2021). TP. Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 108 tỷ USD, truy cập từ link: https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tphcm-phan-dau-den-nam-2030-kim-ngach-xuat-khau-uoc-dat-108-ty-usd-1491875649.

 (*) ThS. Nguyễn Thị Anh, ThS. Phan Thị Phương Linh

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh.

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2021