Tài chính số với mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp


Kiến trúc Chính phủ điện tử (CPĐT) ngành Tài chính định hình các nền tảng cơ bản phục vụ xây dựng CPĐT hướng tới Tài chính số của ngành Tài chính.

Tài chính số với mục tiêu lấy phục vụ người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Tài chính số với mục tiêu lấy phục vụ người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Mục đích của Kiến trúc CPĐT ngành Tài chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Tài chính và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu mở hướng tới Tài chính số với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; tạo nền tảng cho ngành Tài chính tiếp cận, nắm vai trò chủ động, kiến tạo và đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền Tài chính số hiện đại tại Việt Nam.

Nhất quán trong mục tiêu phấn đấu

Ngày 28/12/2018, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã ký Quyết định số 2445/QĐ-BTC ban hành Kiến trúc CPĐT ngành Tài chính. Đây là quyết định rất quan trọng trong triển khai xây dựng CPĐT theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về CPĐT và Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ nói chung và của ngành Tài chính nói riêng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chủ trì Hội nghị trực tuyến sáng ngày 12/9/2019
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chủ trì Hội nghị trực tuyến sáng ngày 12/9/2019.

Tại Hội nghị trực tuyến phổ biến Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025 được tổ chức sáng ngày 12/9/2019, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đã khẳng định, việc triển khai xây dựng CPĐT của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước tiến quan trọng, đặc biệt là chuyển biến trong nhận thức về CPĐT và quá trình triển khai hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, đảm bảo gắn kết giữa cải cách hành chính với ứng dụng CNTT, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm…

Quá trình ứng dụng CNTT để đẩy mạnh phát triển CPĐT, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công của Bộ Tài chính, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; phát triển Tài chính điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Tài chính số là một yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi tất cả các đơn vị trong ngành Tài chính cần coi việc phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số là nhiệm vụ then chốt của sự nghiệp hiện đại hoá ngành Tài chính”

Thứ trưởng Vũ Thị Mai.

Đảm bảo thực hiện các mục tiêu đúng định hướng

Kiến trúc CPĐT ngành Tài chính đặt ra lộ trình gồm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn từ nay tới năm 2020 sẽ tiếp tục hoàn thiện xây dựng CPĐT ngành Tài chính hướng tới Chính phủ phục vụ, lấy người dùng làm trung tâm và nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành thông qua CPĐT và các công cụ số hóa.

Giai đoạn 2021 tới 2025 sẽ tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ xây dựng văn phòng không giấy tờ; xây dựng nền tảng Tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở; thiết lập hệ sinh thái ngành Tài chính số trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo và kết nối với các bên thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa để cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ Tài chính thông minh.

Giai đoạn 2026-2030 sẽ thiết lập hệ thống Tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh. Ngành Tài chính đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số dựa trên việc đẩy nhanh các giá trị gia tăng của dịch vụ Tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế bao hàm kinh tế số.

Theo ông Nguyễn Đại Trí, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính), để thực hiện các mục tiêu này, Bộ Tài chính sẽ phải thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ gồm:

Một là, xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai xây dựng, phát triển CPĐT;

Hai là, xây dựng nền tảng công nghệ phát triển CPĐT phù hợp với xu thế phát triển CPĐT trên thế giới;

Ba là, xây dựng, phát triển CPĐT bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc phục vụ người dân, doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số quốc gia hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số;

Bốn là, xây dựng CPĐT bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân;

Năm là, bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng CPĐT;

Sáu là, thiết lập cơ chế đảm bảo thực thi.

Điều kiện để triển khai thành công

Để triển khai Kiến trúc CPĐT ngành Tài chính, tại Quyết định số 2445/QĐ-BTC, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ đến từng đơn vị cụ thể, trong đó có một số điểm chính để tổ chức triển khai thành công Kiến trúc CPĐT ngành Tài chính.

Đó là, xây dựng Chiến lược Tài chính đến 2030 và chiến lược của từng lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, nợ công, tài sản công, chứng khoán, dự trữ quốc gia, giá, bảo hiểm, kế toán - kiểm toán... phù hợp với lộ trình cải cách thủ tục hành chính, lộ trình xây dựng CPĐT của Chính phủ, của ngành Tài chính. Tập trung nguồn lực toàn ngành, bao gồm cả nhân lực và nguồn vốn để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án CNTT.

Điều chỉnh, cập nhật kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT ngành Tài chính 5 năm và hàng năm phù hợp với Kiến trúc CPĐT ngành Tài chính. Bảo đảm duy trì, cập nhật Kiến trúc CPĐT ngành Tài chính phù hợp với các định hướng phát triển CNTT của Chính phủ nói chung và của ngành Tài chính nói chung.

Kiến trúc CPĐT ngành Tài chính thể hiện các định hướng về ứng dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo tinh thần của Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 09/3/2018 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về triển khai ứng dụng công nghệ của của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách.

Việc nghiên cứu, tìm hiểu các công nghệ mới cũng như khả năng ứng dụng các công nghệ này trong lĩnh vực tài chính - ngân sách và thể hiện trong Kiến trúc CPĐT ngành Tài chính là công việc rất mới, khó đòi hỏi nhiều trí lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ và các đơn vị trong quá trình xây dựng, hoàn chỉnh Kiến trúc.

Các nghiệp vụ ngành Tài chính trong mô hình liên thông theo 7 nhóm chính:

Quản lý nghiệp vụ tài chính nhà nước; Quản lý thị trường tài chính; Quản lý nhà nước về hải quan; Quản lý nhà nước về thuế; Thanh tra; Nhóm nghiệp vụ khác và hoạt động nội ngành; Thông tin báo cáo ra bên ngoài.

Kiến trúc nghiệp vụ ngành Tài chính thể hiện tính liên kết và liên thông nghiệp vụ, dữ liệu chặt chẽ trong từng nhóm dòng nghiệp vụ và giữa các nhóm dòng nghiệp vụ với nhau. Mô hình liên thông nghiệp vụ, thông tin là căn cứ quan trọng trong quy hoạch, xây dựng, phát triển hệ thống CNTT toàn ngành Tài chính hướng tới các mục tiêu nghiệp vụ, bảo đảm tính phù hợp và hiệu quả đầu tư ứng dụng CNTT.