Tăng cường hợp tác kinh tế số trong ASEAN sau đại dịch COVID- 19

Theo Thanh Chi/daibieunhandan.vn

Sáng 7/6, tại Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà làm Trưởng đoàn đã tham dự hội nghị Nhóm tư vấn AIPA lần thứ 13 (AIPA CAUCUS 13) do Quốc hội Thái Lan chủ trì tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà giới thiệu Đoàn ĐBQH Việt Nam
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà giới thiệu Đoàn ĐBQH Việt Nam

Hội nghị có sự tham dự của: Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai; Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân và các Đoàn đại biểu Nghị viện thành viên AIPA.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện Ban Thư ký AIPA trình bày báo cáo tình hình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong ASEAN; nghe các Đoàn Nghị viện thành viên AIPA trình bày báo cáo quốc gia và thảo luận hai chủ đề “Hợp tác kinh tế số trong ASEAN sau đại dịch Covid-19”, “Tình hình thực hiện các Nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng AIPA lần thứ 42”.

Đoàn ĐBQH Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà làm Trưởng đoàn, tham dự hội nghị AIPA Caucus lần thứ 13
Đoàn ĐBQH Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà làm Trưởng đoàn, tham dự hội nghị AIPA Caucus lần thứ 13

Trình bày Báo cáo quốc gia về “Hợp tác kinh tế số trong ASEAN sau đại dịch Covid-19", Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cho rằng, dưới tác động của đại dịch Covid-19, công nghệ kỹ thuật số đã trở thành công cụ thiết yếu để duy trì các nhu cầu cơ bản của con người như hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, chăm sóc sức khỏe và giáo dục từ xa. Trước tình hình đó, thúc đẩy chuyển đổi số trong nền kinh tế hướng tới mục tiêu Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số là biện pháp quan trọng nhằm thích ứng kịp thời với bối cảnh của đại dịch, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội, bảo đảm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế mỗi nước thành viên nói riêng và cộng đồng ASEAN nói chung.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến thay mặt Đoàn ĐBQH Việt Nam trình bày báo cáo quốc gia về Hợp tác kinh tế số trong ASEAN sau đại dịch Covid-19
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến thay mặt Đoàn ĐBQH Việt Nam trình bày báo cáo quốc gia về Hợp tác kinh tế số trong ASEAN sau đại dịch Covid-19

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, ở Việt Nam, Quốc hội đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều luật nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn; khuyến khích thương mại điện tử, công nghệ thông tin, chuyển giao công nghệ và quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo; đồng thời, bảo đảm phù hợp với cam kết của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và tiêu chuẩn quốc tế.

Quốc hội Việt Nam luôn quan tâm đến phát triển khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ mới, khuyến khích các mô hình kinh tế và phương thức kinh doanh mới, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số và hạ tầng kết nối thông minh.

Đặc biệt, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về một số chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên dành 5,3 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cho đầu tư cơ sở hạ tầng chuyển đổi số.

Nhằm tăng cường hợp tác kinh tế số trong ASEAN sau đại dịch Covid-19, Đoàn ĐBQH Việt Nam đề nghị các nghị viện thành viên AIPA xác định vấn đề chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết có vai trò quan trọng trong chính sách kinh tế của các quốc gia, đặc biệt là tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Đoàn ĐBQH Việt Nam cũng đề nghị, các nghị viện thành viên AIPA tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên và các tổ chức quốc tế để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số ở mỗi nước. Hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các quy định về chuyển giao công nghệ trong đầu tư.

Với vai trò lập pháp, các nghị viện thành viên cần tích cực hoàn thiện hệ thống luật và quy định, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số; mạnh dạn cho phép thí điểm và hỗ trợ các mô hình đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp; tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những người kém khả năng chống chịu trong đại dịch Covid-19. Hoàn thiện các quy định và triển khai hiệu quả công tác an ninh mạng, bảo đảm an toàn các giao dịch kinh tế trên môi trường số; bảo vệ dữ liệu của các cá nhân và tổ chức được tạo ra trong nền kinh tế số; quản lý chặt chẽ, đề cao trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trên môi trường số và ngăn chặn thông tin xấu, độc hại.

Đoàn ĐBQH Việt Nam cũng cho rằng, các nghị viện thành viên AIPA cần tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật đã ban hành liên quan đến phát triển kinh tế số ở mỗi quốc gia.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà trình bày báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện các Nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng AIPA lần thứ 42 
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà trình bày báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện các Nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng AIPA lần thứ 42 

Trình bày Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện các Nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng AIPA lần thứ 42, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà cho biết, tất cả các Nghị quyết do Đại hội đồng AIPA thông qua đã được chuyển đến các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam nhằm thực thi. Các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan trung ương liên quan nhằm nghiên cứu, đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành luật mới nhằm nội luật hóa các nội dung được đề cập trong các Nghị quyết; phối hợp triển khai các chương trình hợp tác với ASEAN trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội.

Về thực hiện Nghị quyết Thúc đẩy kỹ thuật số có tính bao trùm nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại cho biết, Quốc hội Việt Nam đã ban hành mới và sửa đổi nhiều luật trong lĩnh vực kinh tế số như: Luật Giao dịch điện tử; Luật Công nghệ thông tin; Luật Viễn thông; Luật An ninh mạng; Luật Doanh nghiệp; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Chuyển giao công nghệ… nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn cho mọi doanh nghiệp.

Quốc hội cũng khuyến khích thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, công nghệ thông tin, chuyển giao công nghệ và quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.

Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tập trung vào hoàn thiện cơ chế, chính sách các hoạt động của các mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ mới...; Nghị quyết cơ cấu lại nền kinh giai đoạn 2021 - 2025 nhằm triển khai hiệu quả, toàn diện Đề án quốc gia về chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số; Nghị quyết số 43/2022/QH15 về một số về chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.