Tạo nền tảng bền vững cho tăng trưởng

Theo Khánh Ninh/daibieunhandan.vn

Dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, trong khi các nguồn lực dự trữ cho doanh nghiệp đang cạn dần, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc nếu có thì phục hồi rất chậm - đòi hỏi cần có giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn trước mắt, tạo tiền đề để phát triển về sau.

Không ít doanh nghiệp đối diện những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán, bị gián đoạn hoặc ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động.
Không ít doanh nghiệp đối diện những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán, bị gián đoạn hoặc ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động.

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có khoảng 870.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó hơn 96% là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Phần lớn các doanh nghiệp trong số này đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn như chi phí sản xuất tăng cao do giá nguyên liệu đầu vào tăng; chi phí vận chuyển, logistics tăng mạnh... Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp còn phải đối diện những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán, bị gián đoạn hoặc ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động.

Một khảo sát khác do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi tháng 3 cũng cho thấy mức độ khó khăn là chưa từng thấy mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải bởi những tác động của dịch Covid-19. Cụ thể, 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Ngoài ra, một số ngành gần như tê liệt hoàn toàn như du lịch, lưu trú, nhà hàng và một số ngành có tỷ lệ chịu tác động tiêu cực cao là may mặc, thông tin truyền thông và sản xuất thiết bị điện...

Có thể thấy, những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối diện là rất lớn, cho dù Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã có nhiều biện pháp hỗ trợ tích cực, kịp thời và hiệu quả. Vậy nhưng dự báo, kinh tế - xã hội trong quý III năm nay sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức, khả năng hồi phục nhanh và tạo đà tăng trưởng cho quý IV là rất khó khăn.

Cụ thể, theo phân tích của đại diện Tổng cục Thống kê, khó khăn đầu tiên phải kể đến là nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất đang thiếu hụt; giá cả một số nguyên vật liệu, giá cước vận tải trên thị trường thế giới tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu nguyên vật liệu trong nước.

Tiếp đó là nguồn cung lao động bị ảnh hưởng nặng nề và có khả năng thiếu hụt tạm thời. Là việc lưu thông hàng hóa bị hạn chế do giãn cách xã hội, nhất là luồng thương mại quốc tế sẽ bị thu hẹp khi dịch bệnh tái bùng phát trên diện rộng và cuối cùng là doanh nghiệp cần có thời gian để phục hồi, kết nối các nguồn cung, cầu hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động, thị trường...

Để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể duy trì, trụ vững qua dịch bệnh, ngoài các chính sách đã ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu kiến nghị một số chính sách khác về thuế, phí... Bên cạnh đó, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng cũng dự kiến được thành lập, sẽ tiến hành rà soát những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp...

Trong bối cảnh hiện nay, để có thể có mức tăng trưởng như kỳ vọng, bên cạnh việc kiểm soát dịch bệnh phải là ưu tiên hàng đầu, điều quan trọng là khâu quản lý, điều hành và xác định mục tiêu tăng trưởng phải hết sức linh hoạt.

Bên cạnh đó, cần tạo đột phá về chất lượng cải cách thể chế dẫn tới cải thiện chất lượng tăng trưởng, hoàn thiện các quy định nhằm cơ cấu lại doanh nghiệp, thúc đẩy cạnh tranh. Đặc biệt, phải có kế hoạch dài hơi nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế, tạo nền tảng bền vững cho tăng trưởng sau dịch.