Tạo sự thông thoáng trong hỗ trợ giá và vay vốn cho nông dân


Bộ Tài chính vừa có Công văn số 11253/BTC-QLG gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long để trả lời về kiến nghị của cử tri về chính sách cho vay, hỗ trợ giá… nhất là đối với thiên tai, dịch bệnh cho người dân làm sản xuất nông nghiệp.

Đối với việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, tổng dư nợ đến ngày 30/6/2019 là 198.505 tỷ đồng.
Đối với việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, tổng dư nợ đến ngày 30/6/2019 là 198.505 tỷ đồng.

Luôn tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp

Theo phản ánh của cử tri Vĩnh Long, thời gian qua, việc tiếp cận nguồn vốn của các đối tượng chính sách gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí không tiếp cận được hoặc có nhưng rất chậm không kịp thời, đúng lúc. Do vậy, cử tri kiến nghị chính sách cho vay, hỗ trợ giá… nhất là đối với thiên tai, dịch bệnh cho người dân làm sản xuất nông nghiệp cần thông thoáng, đơn giản quy trình thủ tục, để người dân dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn này.

Đối với những vấn đề mà cử tri quan tâm, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay nước ta đang thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo quy định của Luật giá và các văn bản hướng dẫn. Giá các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nói chung được hình thành theo cơ chế thị trường. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng trên được quyền tự định giá theo tín hiệu khách quan trên thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ Tài chính khẳng định, Nhà nước luôn tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp và sử dụng biện pháp bình ổn giá khi có biến động bất thường về giá. Nhà nước chỉ gián tiếp tác động vào sự hình thành và vận động của giá mặt hàng trên qua các biện pháp kinh tế vĩ mô như xây dựng và ban hành các chính sách phát triển sản xuất, điều hoà cung-cầu...

Đồng thời, Nhà nước cũng thực hiện quản lý và bình ổn giá thị trường theo quy định của pháp luật thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; áp dụng biện pháp bình ổn giá trong đó có biện pháp đăng ký giá đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; kê khai giá khi doanh nghiệp định giá, điều chỉnh giá đối với một số mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; quy định về niêm yết giá và không được bán cao hơn giá niêm yết đối với tất cả các hàng hóa dịch vụ hoặc thực hiện điều tiết cung cầu, triển khai chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương đối với một số mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, phân bón...).

Đối với việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, theo báo cáo của NHCSXH, tổng dư nợ đến ngày 30/6/2019 là 198.505 tỷ đồng, hàng năm tăng trưởng bình quân khoảng 9%, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Thủy lợi, Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ giá cho người dân sản xuất, chăn nuôi thông qua các doanh nghiệp đăng ký hoạt động hợp pháp có sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích (sản phẩm dịch vụ thủy lợi, sản phẩm giống gốc vật nuôi, sản phẩm giống gốc thủy sản). Theo đó, Nhà nước hỗ trợ khoản tài chính của ngân sách nhà nước theo mức cố định trên từng đơn vị sản phẩm, dịch vụ công ích cho nhà sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích để sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ.

Ngoài các biện pháp quản lý giá theo quy định của pháp luật, để hỗ trợ người dân một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiên tai và các dịch bệnh nguy hiểm đối với giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, hiện nay Chính phủ đang thực hiện hỗ trợ người dân theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/01/2017 về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời quy định về mức trợ giá tối đa, mức hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm giống gốc vật nuôi, dịch vụ thủy lợi, sản phẩm giống gốc thủy sản và hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại dịch bệnh cho các đối tượng được thụ hưởng theo quy định của pháp luật.

Đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách

Đối với việc vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, người nghèo và các đối tượng chính sách khi vay vốn tại NHCSXH không phải thế chấp tài sản; riêng đối với hộ nghèo, được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính trong việc vay vốn. Bên cạnh đó, tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP nêu trên, Chính phủ đã giao NHCSXH quy định cụ thể về quy định và thủ tục cho vay đối với từng người vay bảo đảm đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện.

Ngoài ra, đối với các trường hợp khách hàng gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, ngoài việc được xem xét xử lý nợ bị rủi ro theo quy định (về gia hạn nợ, khoanh nợ hoặc xóa nợ) thì khách hàng cũng được NHCSXH xem xét cho vay bổ sung vốn theo quy định để khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống. Do đó, về cơ bản, quy định, thủ tục vay vốn ưu đãi qua NHCSXH hiện nay đã tương đối đầy đủ, đồng bộ, đơn giản hóa và đảm bảo tính ưu đãi của Nhà nước.

Đối với việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, theo báo cáo của NHCSXH, tổng dư nợ đến ngày 30/6/2019 là 198.505 tỷ đồng, hàng năm tăng trưởng bình quân khoảng 9%, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách.

Nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH đã hỗ trợ cho trên 5,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 3,7 triệu lao động, trên 3,6 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựn trên 11,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; trên 104 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng Sông Cửu long, trên 574 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, trên 13 nghìn căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; trên 111 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài.

Bộ Tài chính cho biết, trường hợp người dân làm sản xuất nông nghiệp có nhu cầu vay vốn, đề nghị làm thủ tục với chi nhánh NHCSXH để được hướng dẫn, hỗ trợ quy trình vay thuận tiện, nhanh chóng.