Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:

Tạo thế và lực mới cho giai đoạn tiếp theo

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính tháng 1+ 2 năm 2021

2020 là năm cuối nhiệm kỳ, mặc dù có nhiều biến động, khó khăn, thách thức lớn từ dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế toàn cầu và một số chỉ tiêu không đạt được như kế hoạch, nhưng vẫn là một năm thành công của nước ta. Việt Nam được coi là điểm sáng trên thế giới cả về phòng, chống đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đây là những thành tích rất đáng trân trọng, tự hào, là kết quả của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tạo thế và lực mới để đất nước vững bước vào giai đoạn tiếp theo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Tại các kỳ họp trong năm 2020, Quốc hội đã cho ý kiến về các mục tiêu chủ yếu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và các kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn quốc gia giai đoạn 2021-2025. Các thành viên Chính phủ, các vị trưởng ngành đã kịp thời báo cáo, giải trình những nội dung cần thiết, cung cấp góc nhìn toàn diện, làm rõ trách nhiệm về các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Các dự án luật, dự thảo nghị quyết đã được Quốc hội thảo luận, xem xét kỹ lưỡng, toàn diện, thận trọng và thông qua với tỷ lệ tán thành cao; đồng thời, tập trung cho ý kiến về những vấn đề quan trọng để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau.

Các luật, nghị quyết được ban hành trong năm 2020 có ý nghĩa quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, cuộc sống của Nhân dân, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, giải quyết những bất cập, tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trên nhiều lĩnh vực…

Trên cơ sở bám sát tình hình thực tế, phân tích sâu sắc những thuận lợi, thời cơ, những khó khăn, tồn tại, Quốc hội đã đưa ra giải pháp quan trọng cho kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo.

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, với nhiều thời cơ và vận hội mới. Đây là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV; đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và cũng là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, cùng với những thời cơ và vận hội mới, dự báo năm 2021, nước ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đặt ra, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần dân tộc, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng; Chủ động, trách nhiệm cao để thực hiện mục tiêu phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra; Giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, có giải pháp khắc phục những hạn chế; thực hiện hiệu quả các mục tiêu, cân đối lớn, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2020-2025.

Đồng thời, tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với việc nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Các đại biểu Quốc hội lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, với Chính phủ và các cơ quan ban, ngành để hoàn thành tốt chức trách đại biểu của Nhân dân
Các đại biểu Quốc hội lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, với Chính phủ và các cơ quan ban, ngành để hoàn thành tốt chức trách đại biểu của Nhân dân.

Cùng với đó, phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, hợp tác xã, nâng cao chất lượng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng an toàn, bền vững; Đánh giá sâu hơn về quy mô thu ngân sách, tỷ lệ huy động, cơ cấu chi, bội chi và giải pháp giảm bội chi, trần nợ công, khả năng vay, trả nợ; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; Tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí; Giảm nghèo bền vững; Bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; Chú trọng các yếu tố để bảo đảm phát triển bền vững.

Chính phủ, các cấp, các ngành cũng cần khẩn trương triển khai thực hiện các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua. Đồng thời, chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, vận động Nhân dân tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật; nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, của cử tri và Nhân dân để có các giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn.

Các đại biểu Quốc hội luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, với Chính phủ và các cơ quan ban ngành liên quan để hoàn thành tốt chức trách đại biểu của Nhân dân.   

(Lược trích phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Kỳ họp  thứ 10, Quốc hội khóa XIV)