Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế

Việt Hoàng

Sáng ngày 4/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022. Thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính  chủ trì chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích một số nét chính về bối cảnh, tình hình tháng 5 vừa qua. Theo đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước diễn biến phức tạp, chiến sự ở Ukraine vẫn kéo dài, khó đoán định, tác động tới kinh tế toàn cầu. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại. Rủi ro lạm phát, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá dầu. Các vấn đề về an ninh phi truyền thống, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu… diễn biến phức tạp.

Ở trong nước, ngoài các công việc thường xuyên, đất nước thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Tổ chức Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII; Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đang diễn ra sôi nổi, bàn thảo cho ý kiến về nhiều nội dung lớn của đất nước...

Cũng trong tháng, Chính phủ tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng như: các dự án thua lỗ, các tổ chức tín dụng yếu kém, một số dự án đầu tư công kéo dài, chậm tiến độ từ nhiều năm. Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chính thức phát điện sau nhiều năm chậm tiến độ. Bên cạnh đó, trong bối cảnh mới đã phát sinh một số vấn đề liên quan thị trường vốn, lạm phát, tăng giá xăng dầu, tăng giá nguyên liệu đầu vào, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm… đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải có những quyết sách chủ động, linh hoạt để xử lý.

Trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp, dịch COVID-19 về cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch COVID-19 xuất hiện. Chính phủ đã ban hành 6 nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 4 quyết định để triển khai chương trình phục hồi và phát triển. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 của nước ta tiếp tục khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. 

Phát biểu tại Phiên họp, các thành viên Chính phủ đều thống nhất nhận định, mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, lạm phát, giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá dầu tăng cao nhưng kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Tính chung 5 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 57% dự toán, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,6%, nền kinh tế xuất siêu 516 triệu USD; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 8%; gần 100.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại, cao nhất từ trước đến nay; khách quốc tế trong 5 tháng tăng 350%. Đặc biệt, SEA Games 31 đã được tổ chức rất thành công, an toàn.

Theo kết quả mới nhất, Việt Nam đã tăng 48 bậc, xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi COVID-19 của Nikkei Asia nhờ các kết quả kiểm soát dịch bệnh, bao phủ vắc xin và mở cửa nền kinh tế.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức liên quan đến tình hình thế giới, dịch bệnh, lạm phát, các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu có xu hướng tăng, giải ngân đầu tư công chưa được cải thiện…

Về nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 6, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh tiêm vắc xin theo các mục tiêu Chính phủ đề ra; nắm chắc tình hình thế giới; tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, văn bản, chính sách nhằm tháo gỡ một số vướng mắc, điểm nghẽn trong thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, các chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo 5 cân đối lớn; phát triển thị trường vốn an toàn, lành mạnh, bền vững.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chuyển đổi số, cổ phần hóa doanh nghiệp, triển khai các chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, tăng cường thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...