Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025


Trong giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn đầu tư công đã được sử dụng hiệu quả hơn nhờ sự cải thiện về thể chế, pháp lý đầu tư công và việc tăng cường phân cấp đầu tư. Mặc dù vậy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, tình trạng lãng phí vốn đầu tư công còn phức tạp.

Hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng đã được cải thiện
Hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng đã được cải thiện

Nguồn vốn dành cho đầu tư công còn phụ thuộc ngân sách nhà nước, chưa thu hút được sự tham gia của khu vực tư nhân. Trong giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn đầu tư công tiếp tục tăng cao, trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Do vậy, việc tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội và khắc phục các hạn chế nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công là yêu cầu cấp thiết đang được đặt ra.

Thực trạng thu hút và sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020

Trước năm 2014, Việt Nam chưa có Luật Đầu tư công, do đó, việc điều chỉnh hoạt động đầu tư công chủ yếu được thực hiện thông qua một số bộ luật như: Luật Xây dựng, Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), Luật Đấu thầu và các văn bản dưới luật khác. Do được điều chỉnh bằng nhiều luật và văn bản dưới luật khác nhau, nên việc quản lý hoạt động đầu tư công vừa chồng chéo, vừa sơ hở.

Luật Đầu tư công ra đời năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2015), theo đó đầu tư công được tách ra khỏi Luật Xây dựng. Luật Đầu tư công đã tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho các cơ quan Nhà nước trong việc quản lý đầu tư công, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, để chấn chỉnh và buộc tất cả các tổ chức và cá nhân có liên quan đến đầu tư công phải hướng tới xác định rõ trách nhiệm về hiệu quả đầu tư công phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, thất thoát, lãng phí vốn đầu tư công và các nguồn lực như trước đây.

Sự ra đời của Luật Đầu tư công 2014 và Nghị quyết số 26/2016/QH14 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 đã tạo ra nền tảng pháp lý giúp cải thiện hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư công trong giai đoạn 2016-2020. Đầu tư công giai đoạn 2016-2020 cơ bản khắc phục được hệ quả tồn đọng từ giai đoạn trước là nợ đọng xây dựng cơ bản.

Theo đó, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 đã bố trí đủ vốn ngân sách trung ương cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thanh toán toàn bộ số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương của các dự án được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn (đến hết ngày 31/12/2014 là 8.547,3 tỷ đồng nhưng năm 2015 chưa bố trí nguồn để thu hồi của từng bộ, ngành trung ương và địa phương) Công văn số 8836/BKHĐT-TH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2017). Việc ứng trước vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN.

Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025  - Ảnh 1

Công tác kế hoạch được đổi mới, có tầm nhìn trung hạn, có sắp xếp thứ tự ưu tiên, với trọng tâm là các Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án quan trọng quốc gia. Trong giai đoạn 2016-2020, một số công trình, dự án giao thông quan trọng đã được vào sửdụng, như các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, các dự án Đường cao tốc hướng tâm có tác động lớn trong việc nâng cao năng lực vận tải. Nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn khác cũng được tập trung đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020.

Hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng đã được cải thiện, từng bước khắc phục hiện tượng đầu tư dàn trải, thể hiện qua hệ số ICOR giai đoạn 2016-2019 là 6,1, thấp hơn so với mức gần 6,3 của giai đoạn 2011-2015. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, GDP giảm mạnh so với kế hoạch, dẫn đến hệ số ICOR năm 2020 là 18,07, tác động mạnh đến hệ số ICOR của giai đoạn 2016-2020, ước khoảng là 8,5.

Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025  - Ảnh 2

Cơ cấu đầu tư cũng có những chuyển biến theo hướng tích cực. Nguồn chi tiêu công từ ngân sách trung ương có xu hướng giảm dần từ giai đoạn 2005- 2020; ngược lại, nguồn chi tiêu công do địa phương quản lý có chiều hướng tăng dần, cao nhất là 59,7% năm (2020) do Chính phủ đẩy mạnh phân cấp quản lý đầu tư công.

Mặc dù vậy, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công chưa được như kỳ vọng. Nhu cầu vốn đầu tư công để phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội của Việt Nam còn rất lớn, trong khi việc thực hiện và giải ngân thực hiện vốn đầu tư công sử dụng NSNN trong giai đoạn 2016- 2020 còn nhiều bất cập. Cụ thể như:

Một là, vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công. Kể từ năm 2015, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong tất cả các năm đều không đạt kế hoạch, phải chuyển nguồn sang năm sau. Mặc dù, tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước năm 2020 tăng tới 34,5% so với 2019 do các biện pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công của Chính phủ để ứng phó với đại dịch COVID-19, nhưng tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 91,1% kế hoạch năm (năm 2019 bằng 90,5%).

Hai là, việc triển khai các dự án đầu tư công còn dàn trải, manh mún; thiếu trọng tâm, trọng điểm. Nhiều dự án được khởi công mới, trong khi nhiều dự án bị giãn, hoãn tiến độ từ giai đoạn trước, chưa được bố trí vốn để tiếp tục thi công.

Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025  - Ảnh 3

Ba là, nhiều công trình đầu tư công không hiệu quả, sử dụng ít, dẫn đến không phát huy được hiệu quả như dự kiến; tình trạng lãng phí còn diễn ra phức tạp, hiệu quả đầu tư chưa cao.

Nguyên nhân chính của tình trạng đầu tư kém hiệu quả bao gồm:

- Thể chế pháp luật về đầu tư công tuy đã khá đồng bộ nhưng vẫn còn tồn tại các quy định chồng chéo giữa các văn bản pháp luật có liên quan đến đầu tư công như: quy định về đất đai, về môi trường, xây dựng (bất cập này đã được xử lý cơ bản tại Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14).

- Việc triển khai Luật Đầu tư công và văn bản hướng dẫn trong những năm đầu của kỳ trung hạn giai đoạn 2016-2020 còn lúng túng, đặc biệt trong quá trình chuẩn bị và hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.

- Công tác kế hoạch, dự án đầu tư công chưa tốt. Việc lập kế hoạch đầu tư công không sát với khả năng thực hiện dẫn đến phải điều chỉnh kế hoạch trong quá trình thực hiện.

- Chất lượng quy hoạch còn thấp, tính dự báo còn hạn chế, thiếu tính liên kết, đồng bộ gây lãng phí và kém hiệu quả đầu tư đặc biệt là các dự án hạ tầng.

- Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ của hầu hết các dự án.

- Nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công, dẫn đến phải điều chỉnh phương án phân bổ nhiều lần, ảnh hưởng tiến độ giao kế hoạch của cả nước.

Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025  - Ảnh 4

Kết quả thu hút nguồn vốn xã hội hóa

Bên cạnh những vấn đề bất cập về hiệu quả đầu tư, kết quả thu hút đầu tư cho các dự án đầu tư công vẫn chưa có nhiều cải thiện. Đầu tư công vẫn chủ yếu dựa vào NSNN, trong khi nguồn lực NSNN có hạn và phải phân bổ cho nhiều mục tiêu khác.

Tỷ trọng vốn từ NSNN trong tổng vốn đầu tư công có xu hướng tăng từ 50,9% năm 2014 lên 73,7% trong năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ vốn vay giảm do xu hướng cắt giảm ODA sau khi Việt Nam đạt ngưỡng thu nhập trung bình vào năm 2010.

Thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào khu vực công đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa đạt được yêu cầu đề ra. Hầu hết các dự án giao thông mới chỉ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài mặc dù có tìm hiểu nhưng chưa quyết định đầu tư.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia vào lĩnh vực giao thông đã phải gánh nhiều tổn thất. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm: Khung khổ pháp lý cho các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) trong thời gian này còn chưa hoàn thiện, một số quy định chưa phù hợp thực tế và chưa tiếp cận hoàn toàn với các thông lệ quốc tế. Chưa có các cơ chế, chính sách đặc thù của Chính phủ để bảo lãnh doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ… dẫn tới rất khó thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư còn nhiều bất cập. Hồ sơ mời thầu, bao gồm dự thảo hợp đồng BOT có nhiều nội dung chưa rõ ràng, bất bình đẳng, đẩy rủi ro về phía nhà đầu tư nên các nhà đầu tư khó tiếp cận nguồn tín dụng của các ngân hàng mặc dù năng lực, kinh nghiệm các nhà đầu tư đã được đánh giá đáp ứng yêu cầu ở bước sơ tuyển.

Thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025

Quốc hội đã thông qua Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025 với nhiều nội dung đổi mới, góp phần hạn chế những điểm yếu trong việc triển khai các dự án đầu tư công giai đoạn 2016-2020 như tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, cơ chế xin-cho...; đồng thời, tập trung vào các dự án trọng điểm và đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân. Mặc dù vậy, với những tồn tại, hạn chế trong cơ chế đầu tư, bất cập trong việc triển khai đầu tư và khả năng đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư công của nền kinh tế còn thấp, việc nâng cao hiệu quả của đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 đòi hỏi phải tập trung vào các giải pháp sau đây:

Tăng cường xã hội hóa, thu hút đầu tư tư nhân

Nhu cầu vốn đầu tư công dành cho phát triển hạ tầng ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Số vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 là khoảng 2,87 triệu tỷ đồng, tăng gần 1,5 so với vốn Chính phủ giao 5 năm vừa qua. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lượng vốn này mới chỉ đáp ứng được hơn 70% nhu cầu đầu tư của bộ, ngành trung ương và các địa phương trong những năm tới . Khả năng đáp ứng của NSNN các cấp có hạn, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động lớn đến nguồn thu ngân sách và toàn nền kinh tế. Do vậy, việc huy động tối đa các nguồn lực là giải pháp cần thiết, không thể chỉ trông chờ ngân sách nhà nước.

Sự tham gia của khu vực tư nhân trong các dự án đầu tư PPP) có thể giúp nâng cao hiệu quả, trình độ công nghệ của các dự án đầu tư nhờ sự năng động của khu vực này.

Tính toán của tác giả cho thấy, với giả định tốc độ tăng trưởng trung bình là 6,7%/năm (Theo chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt tại Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm trong giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7%/năm), GDP của Việt Nam giai đoạn 2021-2025 dự kiến đạt khoảng 23,465 triệu tỷ đồng (giá so sánh 2010). Theo đó, nguồn vốn NSNN dự kiến cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng theo giá hiện hành (khoảng 2,048 triệu tỷ đồng theo giá so sánh 2010) mới chỉ đạt tỷ lệ khoảng 8,7% GDP. Để đạt được tỷ lệ đầu tư công/GDP ít nhất bằng giai đoạn trước là 11,3%, cần huy động được lượng vốn đầu tư công tương đương khoảng 1,3 lần tổng mức vốn NSNN đưa ra trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2020.

Mục tiêu đầu tư công giai đoạn 2021-2025 được đưa ra trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn cũng đã nhấn mạnh: Thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển nền kinh tế, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025.

Trong đó, vốn đầu tư công tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền; Tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ NSNN cho các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng khó khăn khác; Không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư; Quán triệt nguyên tắc ưu tiên bố trí, sử dụng vốn NSNN như là vốn mồi để khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác; Tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công - tư để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế; các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục...

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, số lượng dự án sẽ được cắt giảm mạnh, tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm. Cụ thể, sẽ có 2.880 dự án chuyển tiếp, 3.304 dự án khởi công mới trong 5 năm. Con số này giảm hơn một nửa so với số dự án đầu tư công đã được đầu tư giai đoạn 2016-2020. Để tập trung nguồn lực đầu tư vào các dự án lớn, dự án trọng điểm có tính lan tỏa, Chính phủ đang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương giảm số lượng dự án đầu tư công 5 năm tới xuống còn 5.000 dự án. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư công và giảm phụ thuộc vào NSNN, cần tăng cường thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong các dự án đầu tư công.

Hiện nay, khuôn khổ thể chế để thu hút đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư công đã tương đối hoàn thiện, nhưng để thu hút được các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, một vấn đề quan trọng cần tạo ra các dự án PPP thực sự hấp dẫn, đồng thời đảm bảo chia sẻ rủi ro và để các nhà đầu tư có thể thấy được lợi ích, khả năng sinh lợi khi tham gia các dự án này. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư, ngoài lợi ích kinh tế, cũng phải cùng gánh trách nhiệm với Nhà nước, chia sẻ rủi ro đối với tình hình doanh thu của dự án (hiện đang được đề xuất là 50/50 mỗi bên).

Đối với các dự án đầu tư công quan trọng mang tính chiến lược, Nhà nước cần xác định đầu tư công là vốn mồi, theo đó Nhà nước sẽ đảm nhận những lĩnh vực mà nhà đầu tư tư nhân không có động cơ tham gia (không có khả năng sinh lời), còn lại những lĩnh vực có thể huy động vốn đầu tư tư nhân, Nhà nước không nên tham gia mà để dành vốn cho các dự án đầu tư khác. Đối với các dự án đầu tư công 100% vốn nhà nước, nếu tìm được đối tác tư nhân phù hợp, có thể xem xét chuyển đổi sang đầu tư theo hình thức đối tác công – tư.

Luật PPP mới là cú hích giúp đầu tư PPP phát triển mạnh hơn trong thời gian tới tại Việt Nam khi tạo ra khung pháp lý minh bạch, hiệu quả hơn. Những điểm mới rất quan trọng mà Luật PPP đã đạt được, đó là quy định rõ lĩnh vực được phép thực hiện PPP; bảo đảm minh bạch hóa thông tin về dự án PPP; quy định về doanh nghiệp dự án PPP và quy định về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu của dự án. Theo đó, cần thực hiện nghiêm túc Luật PPP cũng sẽ tạo tiền đề quan trọng để thu hút đầu tư theo hình thức PPP.

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công của Nhà nước

Kể từ khi ban hành Luật Đầu tư công 2019 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, thể chế luật pháp về đầu tư công đã tương đối hoàn thiện. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, cần khắc phục triệt để những bất cập trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư công như trong giai đoạn 2016-2020. Những biện pháp cần tập trung thực hiện bao gồm:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế đầu tư công, đơn giản hóa trình tự, thủ tục; tăng cường thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.

Hai là, rà soát hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về đầu tư công và các luật pháp có liên quan; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nghiên cứu sớm có quy định pháp luật phù hợp đối với việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ.

Ba là, kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả; xóa bỏ cơ chế “xin cho”, tham nhũng, lợi ích nhóm và các hạn chế, bất cập. Triệt để khắc phục tình trạng dự án chưa có chủ trương phê duyệt đầu tư nhưng vẫn khởi công, sau đó được đưa vào danh mục các dự án đầu tư.

Bốn là, kiên quyết cắt giảm thủ tục không cần thiết, giao dự toán, giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu.

Năm là, tích cực theo dõi, đôn đốc (chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu) đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án. Kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công, thực hiện dự án. Chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn, hằng năm để thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Sáu là, nâng cao tính minh bạch và giải trình công khai. Các thông tin về dự án đầu tư công cần được công bố công khai, đầy đủ, kịp thời, và chính xác, gồm trách nhiệm của các bên thực hiện dự án, các tài liệu về tài chính và quản trị dự án... Đảm bảo tiếng nói của người dân được lắng nghe và phản hồi.

Bảy là, hoàn thiện công tác thống kê về đầu tư công. Vốn đầu tư của cả khu vực nhà nước và tư nhân trong các dự án PPP đều nên coi là đầu tư công, do có mục tiêu tạo ra hàng hóa công cộng và cần được đưa vào thống kê hàng năm.

Tài liệu tham khảo

1. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư số 64/2020/QH14;

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Về tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dự kiến Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Tài liệu báo cáo Đon công tc ca Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, ngy 29/9/2020;

3. Tổng cục Thống kê (1996-2020), Niên giám Thống kê các năm, từ 1995 đến 2019,

4. Báo Đấu thầu (2020), “Nhu cầu đầu tư lớn, huy động tối đa các nguồn lực”, https://baodauthau.vn/nhu-cau-dau-tu-lon-huy-dong-toi-da-cac-nguon-luc-post94123.html;

5. Nguyễn Đoan Trang (2019), “Tác động của Đầu tư công tới tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam”, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, tháng 5/2019,

6. Nguyễn Thị Kim Chung (2020), Đầu tư công, lạm phát tại Việt Nam giai đoạn 1995-2019: Thực trạng và khuyến nghị, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 25, tháng 9/2020;

7. Nguyễn Văn Tuấn (2021), “Để nâng cao chất lượng đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025”, http://sotaichinh.hatinh.gov.vn/de-nang-cao-chat-luong-dau-tu-cong-trong-giai-doan-2021-2025-1606093491.html;

8. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 63/QĐ-TTg, ngày 12/1/2018 phê duyệt Đề án cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2020;

9. Thúy Hiền (2021), “Khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải trong kế hoạch đầu tư công trung hạn”, Báo Tin tức, https://baotintuc.vn/kinh-te/khac-phuc-tinh-trang-manh-mun-dan-trai-trong-ke-hoach-dau-tu-cong-trung-han-20210726163645286.htm;

10. Vũ Sỹ Cường và cộng sự (2016), Bài viết tóm tắt những kết quả chính của nghiên cứu về “Cơ chế phân bổ vốn đầu tư nhà nước: Thực trạng và giải pháp thể chế” trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” của Ủy ban Kinh tế do UNDP tài trợ.

(*) Nguyễn Đoan Trang, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10/2021.