Thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực tư nhân


Chúng ta luôn xác định huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định, kết hợp chặt chẽ với nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Trong các nguồn lực của nền kinh tế thì việc huy động và sử dụng các nguồn lực của khu vực tư gồm nguồn vốn của khu vực tư nhân trong nước và vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Làm sao để người dân yên tâm bỏ tiền đầu tư kinh doanh?

Đầu tiên là câu chuyện huy động, sử dụng nguồn vốn khu vực tư trong nước. Làm sao để người dân yên tâm bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh, chứ không phải tập trung đầu cơ nhà cửa, đất đai hay vàng, bạc, ngoại tệ, hay tích trữ, gửi tiết kiệm.

Hiện nay, có 2 luồng ý kiến về việc nguồn lực tư nhân - một loại ý kiến cho rằng, nguồn lực trong dân còn nhiều nhưng loại ý kiến khác cho rằng, biết không thể huy động được vốn cho các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Với chủ trương cơ cấu lại đầu tư công theo hướng giảm dần tỷ trọng đầu tư công nhằm khuyến khích và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong nền kinh tế nên từ năm 2015, tỷ trọng đầu tư tư nhân (38,7%) đã vượt tỷ trọng đầu tư của khu vực nhà nước (38%) trong tổng mức đầu tư toàn xã hội, phần còn lại là của FDI (23,3%).

Trước khi có Luật PPP do Quốc hội ban hành ngày 18/6/2020, cả nước có 336 dự án PPP với tổng mức đầu tư là hơn 1,6 triệu tỷ đồng thuộc các lĩnh vực giao thông, hạ tầng kỹ thuật, trụ sở làm việc, năng lượng, cấp thoát nước, môi trường, hạ tầng thương mại, văn hóa, thể thao. Trong đó, riêng ngành giao thông huy động được tới trên 672 nghìn tỷ đồng cho 220 dự án, số dự án BOT là 118 với tổng mức huy động là 279.367 tỷ đồng(1). Những con số rất ấn tượng.

Tuy nhiên, tới đây(2), Chính phủ sẽ trình Quốc hội đầu tư 729km cao tốc Bắc - Nam phía Đông còn lại trong giai đoạn 2021 - 2025, chia thành 12 dự án thành phần với hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng, thay vì dự kiến đầu tư toàn bộ 12 dự án theo hình thức PPP, chủ yếu là do khó khăn về huy động vốn tín dụng và tính cấp thiết, hiệu quả của tuyến đường.

Chính phủ kiến nghị sau khi hoàn thành sẽ tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước và coi đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng. Tuy nhiên, trước mắt, phương án này sẽ là gây áp lực cho ngân sách và nợ công giai đoạn 2021-2025, nhất là khi chúng ta đang phải dành nguồn lực ngân sách đầu tư công cho các vùng miền còn nhiều khó khăn thuộc 3 Tây là Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Câu hỏi là tại sao có những Sun Group đầu tư thành công dự án BOT cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, Tập đoàn Đèo Cả với các dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân, Phước Tượng - Phú Gia nổi tiếng, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Đồng Đăng - Trà Lĩnh… mà Nhà nước lại khó thu hút nguồn lực tư nhân để đầu tư các dự án trên? Tuyến đường trục dọc, xương sống của quốc gia, lưu lượng xe cực lớn mà không thu xếp được vốn thì các tuyến đường ngang, đường nan quạt, tuyến ven biển, miền núi thì huy động vốn tư nhân thế nào được?

Cũng là huy động sức dân, tại sao chúng ta lại làm tốt được trong xây dựng nông thôn mới? Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các địa phương đã huy động sức dân tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn bằng nhiều hình thức. Ở các xã nông thôn mới, hệ thống giao thông được xây dựng khá hoàn chỉnh, từ đường trục xã, đường trục thôn đến đường ngõ xóm và đường giao thông nội đồng đã được cứng hóa và nâng cấp. Đó có phải là do phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" khi quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, việc đầu tư được người dân kiểm tra, giám sát chặt chẽ, các công trình có ý nghĩa thiết thực với người dân? Trong giai đoạn 2010 - 2015, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã huy động hơn 852 nghìn tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp gần 108 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020 tương ứng là trên 1,5 triệu tỷ đồng và 205 nghìn tỷ đồng.

Doanh nghiệp và người dân đang quản lý, sở hữu nhiều tài sản phục vụ cho sản xuất kinh doanh như đất đai, máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu… Chúng ta đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn vừa thành công trong nước vừa vươn ra thị trường toàn cầu như các Tập đoàn Vingroup, Thaco, VietJet, FLC, Techcombank, VPBank Momo… Mới đây nhất, Vinfast thuộc Tập đoàn Vingroup đã ra mắt 2 mẫu xe điện tại Triển lãm Los Angeles 2021 danh tiếng đánh dấu việc chính thức tham gia vào thị trường ô tô điện Mỹ. Nhiều doanh nghiệp trong nước mong muốn được tham gia các dự án có hàm lượng công nghệ cao như đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc Bắc-Nam, các dự án năng lượng sạch… bằng cách hợp tác hoặc mua lại công nghệ nguồn của nước ngoài.

Như vậy, vấn đề không nằm ở chỗ nguồn lực trong dân là bao nhiêu, nhiều hay ít, mà quan trọng là việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn đó như thế nào cho hiệu quả nhất, đúng với mong muốn của người dân. Việc phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khu vực tư nhân nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế là chủ trương xuyên suốt của Nhà nước ta. Việc phát triển đồng bộ các loại thị trường tài chính, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ là những yếu tố quan trọng để khu vực tư phát triển.

Bên cạnh đó, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và thường xuyên cập nhật các quy định của pháp luật, Nhà nước phải xác định rõ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trong phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp ở quy mô tổng thể quốc gia, vùng, địa phương, ngành kinh tế kỹ thuật để người dân, doanh nghiệp có thể lựa chọn đầu tư sản xuất kinh doanh đúng hướng nhất là phát huy thế mạnh, lợi thế so sánh quốc gia, vùng miền, địa phương, doanh nghiệp, sản phẩm trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công khai, minh bạch

Sau gần 35 năm thu hút FDI kể từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, đến nay, FDI đã trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế với tỷ trọng đóng góp vào GDP tăng hàng năm. Hiện nay, FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đóng góp khoảng 20% GDP với gần 3 vạn dự án FDI, đến từ hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký gần 400 tỷ USD, trong đó khoảng 58% tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông…

Nguồn vốn này đã đóng góp lớn cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời khơi dậy và phát huy hiệu quả việc sử dụng các nguồn lực trong nước. Theo bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2021 (VNR500) thì 10 doanh nghiệp có vốn FDI lớn nhất là Samsung, Vietsovpetro, Unilever, Ford Việt Nam, Suntory Pepsico Việt Nam, Manulife Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam, Daikin VN, AIA VN và Proconco.    

Ngay như năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 hoành hành, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đạt 28,5 tỷ USD, trong đó có một số dự án lớn như Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD; Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam Việt Nam (Thái Lan) tại Bà Rịa - Vũng Tàu, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỷ USD; Dự án Khu trung tâm đô thị Tây hồ Tây (Hàn Quốc) tại Hà Nội, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 774 triệu USD…

FDI đã tạo ra gần 10 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp cho xã hội, làm gia tăng giá trị sản lượng công nghiệp cũng như số lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong nhiều năm liên tục, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước. FDI đã thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, nâng cao trình độ tiếp nhận công nghệ của nền kinh tế, đồng thời tạo sức ép để nhiều doanh nghiệp trong nước phải chủ động đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy cải cách và cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khu vực FDI cũng đóng góp quan trọng vào quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, nâng cao vị trí, vai trò của Việt Nam trên thế giới và khu vực.

Để tiếp tục thu hút FDI, cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các biện pháp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, công khai, minh bạch, sở hữu trí tuệ, bản quyền, thương quyền được bảo đảm, đẩy mạnh cải cách hành chính trên nền chính phủ số, hành chính công hiện đại và thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã được Đảng ta xác định.

Tóm lại, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó nguồn lực bên trong, nhất là khu vực kinh tế tư nhân trong nước là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định, kết hợp chặt chẽ với thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài theo hướng có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao là quan trọng, đột phá.

__________________________

(1) Báo cáo số 25/BC-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ gửi Quốc hội.

(2) Tờ trình số 519/TTr-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ gửi Quốc hội Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 -2025.

 

Theo TS. Trần Văn - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách/daibieunhandan.vn