Thu ngân sách nhà nước của TP. Hồ Chí Minh giảm mạnh do Covid-19

Theo H.Chung (TTXVN/Vietnam+)

Tại TP. Hồ Chí Minh, hầu hết các khoản thu ngân sách trong 6 tháng năm 2020 đều giảm mạnh so với cùng kỳ, do ảnh hưởng của COVID-19.

Người dân nộp thuế tại điểm thu Ngân hàng Vietcombank.
Người dân nộp thuế tại điểm thu Ngân hàng Vietcombank.

Mặc dù đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát ở Việt Nam từ cuối tháng 4/2020, tuy nhiên những ảnh hưởng tiêu cực vẫn hiện rõ trong nhiều hoạt động kinh tế, doanh nghiệp, gián tiếp tác động đến nguồn thu ngân sách.

Tại TP. HCM, hầu hết các khoản thu ngân sách trong 6 tháng năm 2020 đều giảm mạnh so với cùng kỳ, do ảnh hưởng của COVID-19.

Theo số liệu của Cục Thống kê TP. HCM mới công bố, trong 6 tháng năm 2020, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước thực hiện 163.173 tỷ đồng, đạt 40,2% dự toán, giảm 14,4% so cùng kỳ.

Trong số đó, thu nội địa 108.703 tỷ đồng, đạt 39% dự toán, giảm 9,8% so cùng kỳ; thu từ dầu thô 6.370 tỷ đồng, đạt 52,2% dự toán, giảm 47,5% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 48.100 tỷ đồng, đạt 41,8% dự toán, giảm 17% so cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp nhà nước chiếm 9,9% tổng thu nội địa, giảm 9,4% so cùng kỳ.

Ngược lại, các khoản chi lại tăng mạnh so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) trong 6 tháng năm 2020 ước thực hiện 29.672 tỷ đồng, đạt 29,1% dự toán, tăng 22,2% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển 9.112 tỷ đồng, đạt 25,2% dự toán, tăng 40,9%; chi thường xuyên đạt 16.913 tỷ đồng, đạt 36,3% dự toán, tăng 8,4% so với cùng kỳ.

Kết quả thu ngân sách 6 tháng của TP. HCM sụt giảm mạnh so với cùng kỳ là điều đã được dự báo trước, khi đại dịch COVID-19 bùng phát và tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê TP. HCM, đây là lần đầu tiên trong thời gian 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước của thành phố bị sụt giảm mạnh, trong khi chi ngân sách địa phương lại tăng cao.

Hiện các nguồn thu đều gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân của việc sụt giảm này là do nhiều doanh nghiệp, hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng do COVID-19; trong khi thành phố lại đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, giãn thuế, giảm thuế... cho doanh nghiệp.

Trong khoảng thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội để thực hiện các biện pháp chống dịch COVID-19, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn đã bị ngưng trệ; nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô hoặc điều chỉnh mô hình hoạt động.

Số liệu thống kê cũng cho thấy lượng khách du lịch quốc tế đến TP. HCM, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, thu hút vốn đầu tư… đều giảm mạnh.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động tăng tới 40,6% so với 6 tháng 2019. Những điều này đã khiến số thu ngân sách của thành phố giảm mạnh so với cùng kỳ.

Theo Cục Hải quan TP. HCM, tính đến giữa tháng 6/2020, nhóm 10 mặt hàng nhập khẩu chủ lực tạo nguồn thu ngân sách của đơn vị này đã giảm với biên độ rất mạnh, từ 15-50% so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng 5 nhóm hàng nhập khẩu chủ lực là ôtô nguyên chiếc, xe gắn máy, sắt thép, phương tiện vận tải khác và xăng dầu đã giảm thu ngân sách khoảng 7.500 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Trong khi đó, các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng lại đều có mức thuế suất thấp như: máy vi tính, điện tử, linh kiện, nông- thủy sản, dược phẩm, hóa chất… do phần lớn được hưởng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết với Việt Nam. Do đó, số thuế tăng (chủ yếu là từ thuế giá trị gia tăng) không đủ bù đắp số thuế nhập khẩu đã giảm.

Đối với các khoản thu nội địa, thông tin từ Cục Thuế TP. HCM cho biết trong 5 tháng đầu năm 2020, nhiều khoản thu sụt giảm mạnh so với cùng kỳ; trong đó, thu lệ phí trước bạ giảm 30,2%; thu phí-lệ phí giảm 25,73%; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước giảm 42%;  thu tiền sử dụng đất giảm 21%; thu khác ngân sách giảm 32,18%...

Tuy vậy, Cục Thuế TP. HCM cũng cho biết nếu loại trừ các khoản giảm do ảnh hưởng từ COVID-19 và gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất thì kết quả thu ngân sách vẫn có sự tăng trưởng so cùng kỳ; trong đó, thu nội địa (trừ dầu) tăng 7,07% so cùng kỳ và thu từ khu vực kinh tế tăng 7,26% so cùng kỳ.

Cụ thể, tính đến hết tháng 5/2020, kết quả thu nội địa (trừ dầu) giảm do ảnh hưởng từ COVID-19 là 10.040 tỷ đồng; trong đó, khu vực sản xuất kinh doanh giảm 6.300 tỷ đồng (thuế giá trị gia tăng giảm 2.000 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 2.500 tỷ đồng và thuế tiêu thụ đặc biệt giảm 1.800 tỷ đồng).

Cục Thuế thành phố cũng đã gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo nội dung Nghị định 41/2020/NĐ-CP (ngày 8/4/2020 về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất) cho 22.207 doanh nghiệp, tổ chức và 9.823 hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, với số thuế là 8.096 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, trong năm 2020 Trung ương giao TP. HCM thu ngân sách 405.828 tỷ đồng, tăng 1,68% so với dự toán năm 2019. Để đạt được chỉ tiêu đề ra cũng như vực dậy nền kinh tế, UBND TP. HCM đã và đang triển khai một số chương trình hành động, kế hoạch phục hồi kinh tế.

Trước mắt, UBND TP. HCM sẽ áp dụng các giải pháp tình thế giúp các doanh nghiệp tồn tại, bám trụ thị trường và cơ hội phục hồi. Giai đoạn tiếp theo sẽ gắn việc phục hồi tăng trưởng với tái cơ cấu kinh tế theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu, nhất là tái cơ cấu thị trường.

Đồng thời, TP. HCM cũng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp từ nay đến hết năm.

Bên cạnh đó, ngành tài chính thành phố sẽ tăng cường các biện pháp và bồi dưỡng nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; tập trung cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

Đồng thời, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; rà soát, sắp xếp các dự án đầu tư để trình UBND TP. HCM phân bổ kế hoạch vốn, thanh quyết toán các công trình, dự án, thu hồi vốn để chi đầu tư phát triển.