Thu trên 481 tỷ vào ngân sách từ hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại


Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2019, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên các tuyến, địa bàn cả nước diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo đơn vị chức năng kịp thời ngăn chặn, qua đó, năm 2019, ngành Tài chính thu trên 481 tỷ vào ngân sách nhà nước từ hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phứt tạp

Năm 2019, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên các tuyến, địa bàn cả nước diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động, cụ thể: Các đối tượng lợi dụng sự sơ hở trong công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng; lợi dụng địa hình phức tạp, đường mòn, lối mở, đường sông biên giới, đường kênh rạch thuê cửu vạn vận chuyển trái phép hàng hóa vào nội địa. Trong đó, nhiều mặt hàng là có thuế suất cao, hàng thuộc danh mục CITES như gỗ trắc, quặng các loại, phế liệu, hàng bách hóa tiêu dùng...

Đối với tuyến biên giới đường biển - cảng biển, các đối tượng lợi dụng hình thức “quá cảnh”, “trung chuyển”, “tạm nhập tái xuất” để nhập lậu hàng hóa; Khai báo sai về tên hàng, mã số thuế, xuất xứ, số lượng, chất lượng, trị giá; sửa chữa, giả mạo hồ sơ, chứng từ, điều chỉnh Manifest; từ chối nhận hàng hoặc bỏ hàng nếu bị phát hiện.

Với tuyến hàng không, bưu điện, hàng hóa trọng điểm là các mặt hàng có ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội như ma túy, vũ khí, tài liệu có nội dung cấm, động, thực vật hoang dã quý hiếm, các mặt hàng tiêu dùng, hàng có giá trị cao.

Kết quả thực hiện

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đã tập trung làm tốt nhiệm vụ cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, triển khai quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ. Trong năm 2019, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm soát, đấu tranh đối với hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, vận chuyển ma túy trong tình hình mới trong đó tập trung kiểm soát tình trạng buôn lậu các mặt hàng trọng điểm... Qua đó, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo toàn lực lượng triển khai nghiêm túc, nhiều biện pháp quan trọng, trong đó tập trung vào những công việc sau:

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại năm 2019 đạt được kết quả cao, đã phát hiện, xử lý 17.321 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan tăng 4,14%, thu ngân sách đạt 481 tỷ 095 triệu đồng tăng 37,08 %, so với cùng kỳ năm 2018.

Thứ nhất, thực hiện nhiệm vụ giúp việc Bộ Tài chính (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia), Tổng cục Hải quan chủ động phối hợp với Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia xây dựng Kế hoạch phối hợp, tập trung vào những vấn đề nóng, nổi cộm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu.

Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý như ban hành Quy chế tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong lĩnh vực Hải quan và ký Quy chế phối hợp số 3229/QC-BĐBP-TCHQ ngày 04/9/2019 giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng - Bộ Quốc phòng và Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính.

Thứ ba, nâng cao năng lực của lực lượng chuyên trách chống buôn lậu, đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại duy trì triển khai hoạt động trực ban, giám sát trực tuyến trong toàn ngành Hải quan.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các địa bàn trọng điểm, mặt hàng nhạy cảm thông qua việc ban hành các kế hoạch như: triển khai công tác KSHQ năm 2019; kiểm soát đối với hàng quá cảnh, tạm nhập- tái xuất từ Việt Nam sang Campuchia; kiểm tra, giám sát, kiểm soát phòng ngừa, đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển trái phép khoáng sản qua biên giới... Kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi nhập khẩu thiết bị có chứa nội dung hình ảnh vi phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia, xuyên tạc lịch sử, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Thứ năm, chủ động phối hợp với lực lượng chức năng trên cơ sở các quy chế đã được ký kết giữa các bên, trong đó, chú trọng ngay từ công tác trao đổi thông tin; tổ chức lực lượng, phương tiện hiệp đồng tác chiến, đấu tranh, bắt giữ xử lý các vụ việc đến phối hợp tổ chức hội thảo, tập huấn,... nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung được Đảng, Nhà nước giao cho mỗi lực lượng

Thứ sáu, thực hiện công tác cảnh báo nghiệp vụ và hợp tác quốc tế. Qua công tác nắm tình hình địa bàn, thu thập, xử lý thông tin, xác định trọng điểm, kịp thời ban hành 13 văn bản chỉ đạo, cảnh báo các hiện tượng nóng, nổi cộm, các phương thức, thủ đoạn buôn lậu mới. Năm 2019, Tổng cục Hải quan đã tiếp nhận 75 yêu cầu xác minh đến Hải quan các nước các quốc gia Campuchia, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, UEA, Úc.

Đến nay, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại năm 2019 đạt được kết quả cao hơn cùng kỳ năm 2018, cả về số vụ phát hiện, bắt giữ, về trị giá hàng hóa và tăng thu cho ngân sách nhà nước. Cụ thể: từ ngày 16/12/2018 đến ngày 15/12/2019, đã phát hiện, xử lý 17.321 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan tăng 4,14%; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 3.035 tỷ 305 triệu đồng tăng 78,29%; thu ngân sách đạt 481 tỷ 095 triệu đồng tăng 37,08 %, so với cùng kỳ năm 2018. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 51 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố: 164 vụ.