Thứ trưởng thường trực Nguyễn Công Nghiệp: Ngành Tài chính đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp hoàn thành dự toán thu ngân sách 2012

Minh Anh (Báo Hải quan).

Trả lời phỏng vấn của phóng viên về tình hình thu- chi ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2012, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp khẳng định, về tổng thể ước thu NSNN năm 2012 sẽ cố gắng phấn đấu để đạt dự toán, qua đó đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng, nhất là chi cho phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng và bảo đảm an sinh xã hội.

Thứ trưởng thường trực Nguyễn Công Nghiệp: Ngành Tài chính đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp hoàn thành dự toán thu ngân sách 2012
Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp

Xin ông đánh giá khái quát về tình hình thực hiện nhiệm vụ thu - chi NSNN năm 2012?

Nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2012 được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động không thuận từ bên ngoài và những khó khăn nội tại.

Khó khăn trong hoạt động kinh tế của DN khiến thu ngân sách đạt thấp. Đánh giá thu 10 tháng đầu năm đạt 76,2% dự toán, thấp hơn trên 7% so yêu cầu tiến độ dự toán và chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2011, là năm có tiến độ thu thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Mặc dù ngành Tài chính, đặc biệt là các cơ quan thu đang ra sức phấn đấu quyết liệt, song ước cả năm thu nội địa và thu từ hoạt động XNK khả năng vẫn bị hụt so với dự toán, bù lại thu từ dầu thô có thể vượt dự toán ở mức khá chủ yếu do giá dầu tăng. Về tổng thể ước thu NSNN năm 2012 sẽ cố gắng phấn đấu để đạt dự toán, qua đó đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng, nhất là chi cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và bảo đảm an sinh xã hội. Bội chi NSNN dự kiến 4,8% GDP, bằng mức Quốc hội quyết định.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2012, xin ông cho biết những giải pháp trọng tâm Bộ Tài chính đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai thực hiện?

Để hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2012, ngành Tài chính đã và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, trọng tâm là:

Tập trung thực hiện rà soát, điều chỉnh chính sách thu phù hợp với quy định pháp luật và yêu cầu thực tế, tháo gỡ khó khăn cho DN, khuyến khích XK, chẳng hạn như gần đây đã điều chỉnh giảm thuế XK than từ 20% xuống 10% để tháo gỡ khó khăn cho ngành than tiếp tục hoạt động XK, từ đó có đóng góp thu cho ngân sách.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 01 về tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu và giảm nợ đọng thuế năm 2012; đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 22 về điều hành nhiệm vụ tài chính - NSNN những tháng cuối năm 2012, trong đó có các giải pháp về thu NSNN. Ngành Thuế và Hải quan đã tăng cường chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác quản lý thu; đôn đốc thu nộp ngân sách, chống thất thu và xử lý nợ đọng, đặc biệt đối với các khoản thu lớn, địa bàn thu quan trọng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế; thành lập các đội công tác xuống trực tiếp hỗ trợ các địa phương rà soát, đôn đốc thu; phấn đấu thu ở các lĩnh vực, ngành nghề có điều kiện để bù đắp các phần giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế. 

Trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn như vậy, yêu cầu đặt ra cho công tác quản lý điều hành chi ngân sách năm 2012 như thế nào, thưa ông?

Công tác quản lý, điều hành NSNN phải luôn luôn tích cực, chủ động; đặc biệt là trong điều kiện cân đối khó khăn như hiện nay, nhưng NSNN luôn đảm bảo đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện nỗ lực chung của ngành Tài chính. Công tác quản lý chi NSNN được tăng cường theo hướng chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; trong quá trình thực hiện tiếp tục rà soát, sắp xếp và phân loại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên; tiết giảm tối đa các khoản chi chưa thực sự cấp bách.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính chủ trương tiếp tục tăng cường công tác quản lý chi NSNN, nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng NSNN, trong đó tập trung vào việc tăng cường kiểm soát chi NSNN để đảm bảo chi đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách và quản lý tài sản của Nhà nước; phổ biến chính sách, pháp luật về tài chính; các quy định về công khai, minh bạch hoạt động tài chính- NSNN, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của cộng đồng.

Xin ông cho biết về dự toán năm 2013 và những thách thức sẽ gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện?

Dự toán NSNN năm 2013 Chính phủ đang trình Quốc hội được xây dựng trên tinh thần tích cực nhất, có tính tới bối cảnh và dự báo kinh tế trong và ngoài nước năm 2013. Dự toán thu nội địa loại trừ thu tiền sử dụng đất tăng 15,1% (đây là mức tăng cao khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 5,5%, chỉ số giá 7-8%); bội chi NSNN dự kiến mức 4,8% GDP; chi NSNN tiếp tục cơ cấu lại, ưu tiên chi cho con người, đảm bảo chi cho giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hoá, môi trường và an sinh xã hội theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như:

Dự toán thu NSNN năm 2013 được xây dựng với mức tăng cao trong bối cảnh hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN dự báo vẫn còn khó khăn, đồng thời tiếp tục thực hiện cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập. Do đó đòi hỏi phải phấn đấu rất tích cực, thực hiện thu quyết liệt thì mới có thể đạt được.

Dự toán chi đầu tư phát triển bố trí ở mức thấp hơn so với yêu cầu và thấp hơn năm trước nên sẽ tạo áp lực tăng chi trong quá trình điều hành. Do đó cần rà roát, bố trí vốn tập trung, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư,... đẩy mạnh huy động và khai thác tối đa các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển.

Chi thường xuyên bố trí thấp so với nhu cầu tối thiểu, đồng thời thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên; vì vậy, các cơ quan, đơn vị phải triệt để tiết kiệm, cắt giảm tối đa các khoản chi không thật cần thiết.

Trong điều kiện ngân sách khó khăn, nhưng xét đến yêu cầu thực tế và kiến nghị của Quốc hội, Chính phủ đang dự kiến phương án điều chỉnh dự toán ngân sách để dành nguồn cải cách tiền lương năm 2013 trình Quốc hội xem xét, quyết định để thực hiện từ 1-7-2013.

Xin cảm ơn ông!