Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử


Chiều ngày 10/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã chủ trì phiên họp Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Đây là phiên họp cuối cùng trong nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì phiên họp Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Nguồn: baochinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì phiên họp Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Nguồn: baochinhphu.vn

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ủy ban, các chuyên gia, doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực, tâm huyết trong xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong thời gian qua.

Theo Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên hợp quốc, xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đứng thứ 86/193 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2018. 

Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết số 17/NQ-CP Chính phủ ban hành ngày 07/03/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 đã chú trọng vào việc xây dựng thể chế và yêu cầu nền tảng dùng chung. Qua 2 năm triển khai, bộ máy chỉ đạo, điều hành triển khai Chính phủ điện tử được kiện toàn.

Hiện nay, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử được mở rộng chức năng, nhiệm vụ để chỉ đạo thêm nội dung về chuyển đổi số, kinh tế số, đô thị thông minh. Môi trường pháp lý cho phát triển Chính phủ điện tử cơ bản được hình thành đầy đủ.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô toàn quốc đã được phát triển và hình thành theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Trong đó, Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối với trên 200 hệ thống thông tin của 90 cơ quan, đơn vị để kết nối chia sẻ dữ liệu quy mô quốc gia.

100% các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh để kết nối chia sẻ dữ liệu trong mỗi bộ/tỉnh và là đầu mối kết nối ra bên ngoài. Kết nối, chia sẻ dữ liệu hiệu quả sẽ là tiền đề phát triển Chính phủ số.

Các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao được chú trọng phát triển để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là việc triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia.

Qua Cổng dịch vụ công quốc gia, việc trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước đã giúp tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí hành chính (trên 90% văn bản điện tử được trao đổi giữa các cơ quan nhà nước; trên 4,5 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia).

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; Triển khai hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để giảm giấy tờ trong xử lý thủ tục hành chính.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, bảo đảm đến tháng 7/2021 hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai theo quy định. Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng, triển khai ngay các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số cho giai đoạn mới; quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia. 

Về các nền tảng Chính phủ điện tử, các bộ, ngành, địa phương sử dụng, khai thác hiệu quả các dịch vụ cung cấp trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, chủ động chia sẻ cung cấp dữ liệu của mình cho các cơ quan Nhà nước khác… Đồng thời, 100% cơ quan, tổ chức nhà nước hoàn thành xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và đề xuất phương án bảo đảm an toàn thông tin...

Một trong những dấu ấn đặc biệt trong xây dựng Chính phủ điện tử là sự kiện khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia. Chỉ với 8 dịch vụ công ban đầu tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương ngày 9/12/2019, đến ngày 8/3/2021 đã có hơn 2.800 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.800 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền, với hơn 116 triệu lượt truy cập, đã có trên 468 nghìn tài khoản đăng ký; hơn 42,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 940.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 67.000 giao dịch thanh toán điện tử (tổng số tiền hơn 26,7 tỷ đồng) trên Cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 53.000 cuộc gọi, hơn 10.000 phản ánh, kiến nghị.