Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho ngành Chứng khoán

PV.

Đất nước ta bước vào năm 2019 trong bối cảnh thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, nền kinh tế trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước tình hình đó, việc tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) bền vững, ổn định, hiệu quả qua đó, phát huy vai trò tạo vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, nâng cao chất lượng, tăng trưởng, tăng tính minh bạch của nền kinh tế trong thời gian tới là vô cùng quan trọng.

Thủ tướng yêu cầu cần tập trung tái cơ cấu toàn diện TTCK, trong đó tập trung cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán.
Thủ tướng yêu cầu cần tập trung tái cơ cấu toàn diện TTCK, trong đó tập trung cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán.

Phát triển TTCK nhằm tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế là một chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới. Nhìn lại chặng đường gần 20 năm phát triển, TTCK Việt Nam ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà nói chung và thị trường tài chính nói riêng.

Theo đó, TTCK Việt Nam đang thực sự trở thành kênh huy động vốn quan trọng trong và ngoài nước cho nền kinh tế. Vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã tăng gần 17 lần trong vòng 12 năm qua từ mức 22,7% GDP năm 2016 lên mức 72% GDP năm 2018. Huy động vốn của khối doanh nghiệp tư nhân thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp tăng 70% năm 2017 và trên 30% năm 2018 đạt 86 nghìn tỷ đồng và đưa Việt Nam trở thành quốc gia có mức huy động vốn qua kênh chứng khoán thành công nhất Đông Nam Á.

Thông qua TTCK, Chính phủ đã huy động được vốn với kỳ hạn 20 đến 30 năm, chủ động tốt hơn nguồn vốn dài hạn cho đầu tư công và cơ cấu lại nợ công. TTCK Việt Nam cũng đã trở thành bệ phóng cho thành công của nhiều DN lớn, hỗ trợ tốt cho công tác cổ phần hóa DNNN và quan trọng hơn là cùng với hệ thống tín dụng của ngân hàng, tạo ra một hệ thống thị trường tài chính Việt Nam cân đối hơn, hiệu quả hơn, hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển TTCK phát triển ổn định, vững chắc, tại Lễ đánh cồng đầu Xuân Kỷ Hợi 2019 do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tổ chức sáng 12/2/2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về chứng khoán và TTCK, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật Chứng khoán để trình Quốc hội thông qua trong năm 2019.

Theo đó, Luật Chứng khoán phải đồng bộ với Luật DN, Luật Đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, công khai, minh bạch, hiệu quả, hoàn thiện chuẩn mực về công bố tài thông tin của các công ty đại chúng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các DN niêm yết, đặc biệt, cần tăng cường thể chế bảo vệ nhà đầu tư thiểu số.

Bên cạnh đó, đối với việc tổ chức thực hiện chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020 định hướng đến 2022 ngày 1/3/2012, Thủ tướng yêu cầu rà soát những nhiệm vụ đã hoàn thành, những nhiệm vụ chưa hoàn thành, những hạn chế, những bất cập, những bài học kinh nghiệm; Chủ động đề xuất phương hướng cho chiến lược trong giai đoạn tới 2021-2030 nhằm xác định mục tiêu lộ trình phát triển thị trường vốn, nhằm phát triển cân đối giữa thị trường tín dụng và thị trường vốn để từ đó tăng cường kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, phát triển đồng bộ trên các thị trường; Phát triển sản phẩm, nhà đầu tư của thị trường, trong đó cần tập trung cho TTCK, TTCK phái sinh và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bên cạnh việc tiếp tục tăng độ sâu tài chính của thị trường trái phiếu chính phủ.

Thủ tướng cũng yêu cầu cần tập trung tái cơ cấu toàn diện TTCK, trong đó tập trung cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán. Bộ Tài chính cũng cần khẩn trương trình lại Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và thực hiện đúng lộ trình hình thành một TTCK Việt Nam thống nhất, chuyên nghiệp.

Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan trình Chính phủ điều chỉnh các cơ chế chính sách và giải pháp thúc đấy mạnh mẽ tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn DNNN, DN niêm yết giao dịch trên TTCK Việt Nam để vừa thúc đẩy quy mô của thị trường, đẩy mạnh tính công khai, minh bạch, nâng cao năng lực quản trị của DNNN sau khi được cơ cấu lại, hoặc cổ phần hóa, thoái vốn các DNNN. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam, từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng của các tổ chức xếp hạng thị trường, xây dựng các quy định về xếp hạng tín nhiệm, thiết lập tổ chức định mức tín nhiệm của Việt Nam...

Bộ Tài chính, UBCKNN cần tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chứng khoán nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách quản lý thị trường, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho TTCK; Hợp tác và chia sẻ thông tin nhằm giám sát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm xuyên biên giới...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trên TTCK; Tạo dựng lòng tin trong công chúng, nhà đầu tư, giúp thị trường phát triển một cách ổn định và bền vững. Tăng chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi thao túng giá, giao dịch nội gián, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin giao dịch không đúng.

"Làm cho TTCK gần với người dân hơn nhưng không phải bằng tư duy về một trò chơi như cách gọi chơi chứng khoán mà là phương thức đầu tư an toàn, hiệu quả. Nhiều người dân không dám đầu tư vào TTCK vì họ không tin đó là một kênh đầu tư đáng tin cậy và an toàn. TTCK mà chỉ có các nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn thì không bao giờ có thể trở thành kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế mà thực sự đây là một thị trường rất an toàn như quý vị đã biết...", Thủ tướng chia sẻ về cách tiếp cận cũng như yêu cầu về đổi mới tư duy trong lãnh đạo, điều hành TTCK.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính, UBCKNN ưu tiên khẩn trương xây dựng kế hoạch và giải pháp đẩy mạnh ứng dụng thành quả cuộc cách mạng 4.0 trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán có các nền tảng công nghệ then chốt như chuỗi khối dữ liệu lớn trí tuệ nhân tạo…, coi đây là giải pháp đột phá của ngành Tài chính, chứng khoán cùng với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của toàn Ngành.