Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn dân chung sức đồng lòng chống dịch


Ngày 29/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Toàn cảnh Hội nghị trực  toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Nguồn: chinhphu.vn
Toàn cảnh Hội nghị trực toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Nguồn: chinhphu.vn

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận nỗ lực, sự phối hợp hiệu quả, bài bản của các lực lượng tham gia chống dịch. Tuy nhiên, trước những diễn biến mới, rất phức tạp của đại dịch Covid-19 hiện nay, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có giải pháp tích cực hơn, toàn diện hơn, phù hợp hơn, hiệu quả hơn theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hiện nay tại một số địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn, diễn biến càng ngày càng phức tạp hơn, khó kiểm soát hơn; đồng thời, biến chủng virus lần này nguy hiểm hơn, phức tạp hơn, gây bệnh nặng hơn và khó kiểm soát hơn.

Trong khi đó, tại một số cơ quan, địa phương, đơn vị khi chưa có dịch thì chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Một số địa phương, cơ quan đơn vị cũng không nắm chắc tình hình, không đánh giá đúng tình hình, không đưa ra được giải pháp phù hợp để giải quyết ngay từ đầu, từ sớm, từ xa. Một bộ phận nhân dân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cộng với việc thực hiện thiếu nghiêm túc trong thực hiện các quy định phòng, chống dịch, dẫn tới lây lan, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trước thực tế trên, Thủ tướng yêu cầu mục tiêu đầu tiên và trên hết trong lúc này là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Các bộ, ngành, dịa phương, các lực lượng chức năng triển khai ngay các biện pháp kiềm chế, đẩy lùi, kiểm soát, dập tắt dịch, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm “an ninh, an dân, an toàn...

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, phát huy những kết quả, thành quả đã đạt được trong các đợt chống dịch lần trước và những kết quả bước đầu của lần này, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nắm chắc và dự báo tốt tình hình, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, nhưng phải “tấn công là chính, là đột phá, phải làm ngay, phòng ngừa là vấn đề cơ bản, chiến lược, lâu dài, thường xuyên và quyết định”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, càng trong lúc khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, lấy đó làm động lực phấn đấu vươn lên, khẳng định truyền thống lịch sử của dân tộc, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể” trên tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tự lực, tự cường, phát huy trí tuệ tập thể, dân chủ, tránh khuynh hướng những lúc khó khăn thì mất đoàn kết, đổ lỗi, phân tán lực lượng… 

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cấp uỷ, chính quyền các địa phương phải bám sát tình hình, kịp thời đưa ra quyết định, phương hướng, giải pháp cụ thể để thực hiện nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Vũ  Đức Đam trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia, chỉ đạo chung trên "mặt trận" chống dịch Covid-19. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp theo dõi, cùng chỉ đạo, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Đối với địa bàn Bắc Ninh, Bắc Giang là những địa bàn công nghiệp, sản xuất công nghiệp, tổ chức sản xuất liên quan đến công thương, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo công việc phòng, chống dịch, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh tại hai tỉnh này.

Còn ở Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng trực tiếp chỉ đạo; các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với thành phố trong công tác phòng, chống dịch.

Đối các cơ quan, đơn vị, địa phương, Thủ tướng yêu cầu phải phân công, phân cấp, phân quyền rõ ràng, đi đôi với kiểm tra giám sát. Vừa qua, tại những địa bàn trọng điểm, Trung ương đã lập các tổ công tác về phối hợp trên tinh thần chặt chẽ, có hiệu quả và thực tế cũng đã chứng minh hiệu quả.

Đồng thời, vừa làm phải vừa hoàn thiện các thể chế, các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình chống dịch một cách căn cơ, bài bản và có hệ thống, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, nóng vội. Về mặt thể chế, quy định phải hoàn thiện, việc biên soạn thành lý luận để phát huy, phổ biến, không để bị động, lúng túng.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm với phương châm “BA KHÔNG": Không nói thiếu tiền, không nói thiếu nguồn nhân lực, không nói thiếu thể chế và phương tiện vật chất, vật tư y tế, sinh phẩm, thuốc men… Trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành quyết định những vấn đề trong thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Đặc biệt, nhấn mạnh về chiến lược vaccine, Thủ tướng chỉ đạo phải tiếp cận mọi khả năng để mua vaccine, trong lúc nguồn vaccine còn thiếu, cả thế giới đều lo thiếu vaccine. Đó là khó khăn khách quan, nhưng không vì thế mà chậm trễ. Do đó, cần dùng mọi biện pháp từ: biện pháp ngoại giao, doanh nghiệp, Chính phủ, người dân, các biện pháp khác… để tiếp cận mua vaccine. Đồng thời, phải đẩy nhanh nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước; tiến hành mua công nghệ sản xuất vaccine từ nước ngoài...

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn dân, cùng toàn thể hệ thống chính trị chung sức đồng lòng chống dịch; mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp với tinh thần sáng tạo, chủ động, tấn công để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng, chống dịch hiện nay, cũng như các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong năm nay.