“Thúc” doanh nghiệp nhà nước đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán


Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gắn với bán đấu giá cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp quy mô lớn được đẩy mạnh đã cung cấp cho thị trường hàng hóa có chất lượng, tác động mạnh mẽ đến phát triển thị trường vốn, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch và kiểm soát của xã hội đối với hoạt động của DN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc gắn cổ phần hóa DNNN gắn với niêm yết vẫn chưa được chú trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, trong thời gian qua, việc cơ cấu lại DNNN thông qua quá trình cổ phần hóa đã tạo ra nguồn hàng hóa đầu tiên, đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo lập cơ sở cho sự hình thành của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thực tế cho thấy, cho đến nay, cổ phiếu của các DNNN cổ phần hóa vẫn là nguồn hàng hóa có chất lượng và chủ lực cho thị trường chứng khoán. Về cơ bản, đây là các DN lớn dẫn đầu thị trường về mức vốn hóa cũng như về tính minh bạch và quản trị công ty, các DN này hoạt động khá hiệu quả đóng góp nguồn thu ngân sách nhà nước; đồng thời tạo nguồn hàng chất lượng cho thị trường chứng khoán, góp phần nâng cao tính minh bạch thị trường…

Hiện nay, còn 755 DNNN cổ phần hóa chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, trong đó: Bộ Xây dựng có 53 DN, Bộ Công Thương có 46 DN, Bộ Giao thông vận tải có 35 DN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 27 DN, TP. Hà Nội có 85 DN, TP. Hồ Chí Minh có 97 DN, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN 144 DN, Tỉnh Vĩnh Phúc có 33 DN...

Hiện nay, quy mô của khối DN này liên tục tăng qua từng năm, chủ yếu từ nhu cầu vốn đầu tư ngày càng tăng và khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán thông qua hình thức phát hành thêm cổ phần rất tốt. Hầu hết DNNN sau cổ phần hóa thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán đều có những lợi thế nhất định do được thừa hưởng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và một số ưu đãi từ chính sách cổ phần hóa, đồng thời cơ chế hoạt động theo mô hình mới cũng năng động hơn nên tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh có những chuyển biến tích cực.

Nhờ đó, hầu hết các DN đều có nguồn giữ lại để tăng vốn điều lệ, hoặc đáp ứng đủ điều kiện cũng như có đủ uy tín để huy động vốn từ các nhà đầu tư thông qua việc phát hành thêm... Hầu hết các DNNN cổ phần hóa đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoạt động kinh doanh có lãi qua các năm và có sự tăng trưởng cả về doanh thu cũng như lợi nhuận. Tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của các DN này chiếm khá lớn so với toàn thị trường niêm yết nói chung...

Tuy nhiên, theo tổng hợp của Bộ Tài chính, việc gắn cổ phần hóa với niêm yết đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được chú trọng, cụ thể số lượng DNNN sau cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán năm 2017 là 747 DN. Tính đến ngày 30/9/2019, theo rà soát, tổng hợp của Bộ Tài chính thì đã có 840 DNNN cổ phần hóa đã đăng ký giao dịch, niêm yết trên hai Sở Giao dịch chứng khoán, trong đó, số lượng DN niêm yết là 314 DN; số lượng DN đăng ký giao dịch là 526 DN. Hiện nay, còn 755 DNNN cổ phần hóa chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, trong đó: Bộ Xây dựng có 53 DN, Bộ Công Thương có 46 DN, Bộ Giao thông vận tải có 35 DN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 27 DN, TP. Hà Nội có 85 DN, TP. Hồ Chí Minh có 97 DN, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN 144 DN, Tỉnh Vĩnh Phúc có 33 DN...

Trong thời gian tới, theo đề xuất của Bộ Tài chính, cơ quan đại diện chủ sở hữu cần chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa đẩy nhanh việc thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; bàn giao các DN thuộc diện phải bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo đúng quy định của pháp luật...