PGS.,TS. Vũ Sỹ Cường:

Thuế Tài sản không tác động đến người nghèo

PV.

Tại Hội thảo "Khả năng áp dụng và tác động của Thuế Tài sản tại Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức mới đây, PGS.,TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính đã đưa ra những đánh giá tác động của Thuế Tài sản đối với hộ gia đình tại Việt Nam và đề xuất một số kiến nghị về xây dựng Luật này.

Đây là nội dung đề tài nghiên cứu đã thực hiện rà soát các nội dung của Dự thảo Luật Thuế tài sản ở Việt Nam, xem xét các vấn đề lý thuyết, kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn ở Việt Nam, từ đó đưa ra những gợi ý chính sách cho xây dựng Luật. 

Hiện trên thế giới đã có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản với nhiều tên gọi khác nhau, như tại Nhật Bản gọi là Thuế Tài sản cố định, tại  Philippines là Thuế Tài sản thực… Viện dẫn điều này, PGS. Vũ Sỹ Cường cho biết, “các loại thuế chính liên quan tài sản là thuế đất đai, thuế bất động sản, thuế tài sản, thuế của cải ròng, thuế chuyển nhượng - trao tặng - thừa kế, thuế GTGT, thuế thặng dư vốn. Rất ít quốc gia đánh thuế trên động sản, chỉ đánh trên bất động sản, cũng ít quốc gia đánh thuế trên tài sản ròng”.

Tại Việt Nam, các nhà làm luật cần nghiên cứu để có tên gọi về sắc Thuế này. Trên thực tế, thuế tài sản đã được áp dụng từ lâu như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, nhưng loại thuế này chỉ đóng góp 0,03 – 0,06% GDP mỗi năm, thấp hơn các nước trên thế giới rất nhiều.

Theo PGS. Vũ Sỹ Cường, kết quả phân tích các phương án đánh thuế tài sản khác nhau cho thấy, với phương án thuế suất 0,3% và ngưỡng chịu thuế 2 tỷ đồng đối với nhà ở là có tác động nhỏ nhất đối với hộ gia đình. “Với ngưỡng 2 tỷ đồng, nếu thuế suất là 0,3%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 763.000 đồng (bằng 0,53% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 525.000 đồng (bằng 0,22% tổng chi tiêu). Nếu thuế suất là 0,4%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,019 triệu đồng (bằng 0,72% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 700.000 đồng (bằng 0,29% tổng chi tiêu)”-PGS. Cường chia sẻ.

Dự báo về ảnh hưởng của Thuế Tài sản đối với hộ gia đình tại Việt Nam, ông Cường phân tích, đối với ngưỡng 700 triệu đồng, nếu thuế suất 0,3% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 978 nghìn đồng (bằng 0,66% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 638 nghìn đồng (bằng 0,27% tổng chi tiêu). Nếu thuế suất là 0,4%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,3 triệu đồng (bằng 0,89% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 851 nghìn đồng (bằng 0,36% tổng chi tiêu).

Đối với ngưỡng 1 tỷ đồng, nếu thuế suất là 0,3%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 897 nghìn đồng (bằng 0,61% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 600 nghìn đồng (bằng 0,25% tổng chi tiêu). Nếu thuế suất là 0,4%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,198 triệu đồng (bằng 0,82% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 800 nghìn đồng (bằng 0,34% tổng chi tiêu).

Việc đánh thuế tài sản khá phức tạp ở nhiều nước, không chỉ riêng Việt Nam. Do đó, việc người dân và giới chuyên môn có phản ứng trái chiều về đề xuất đánh thuế tài sản là điều hết sức bình thường. Tại nhiều quốc gia khi đưa ra Luật thuế này cũng đã tranh luận có nên đánh thuế liên quan đến tài sản hay không. Nhiều quốc gia còn kỳ vọng, loại thuế này có tác dụng để can thiệp tình trạng bất bình đẳng.

Để áp dụng loại thuế này, Việt Nam phải có sự khác biệt và sự khác biệt đó phải dựa trên cơ sở hiệu quả, thực tiễn, ít mục tiêu và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

Thuế Tài sản nếu được ban hành như Dự thảo hiện nay phần nào tác động đến thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình, tuy nhiên, nó không ảnh hưởng tới người nghèo và chủ yếu làm giảm thu nhập của người giàu, theo đó, chỉ số bất bình đẳng sẽ được cải thiện.