Tiếp cận CMCN 4.0 trong lĩnh vực thuế: Cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

PV.

Với việc triển khai nhiều giải pháp công nghệ đồng bộ, ngành Thuế đang tích cực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 nhằm góp phần cải cách nền hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngành Thuế đang tích cực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 nhằm góp phần cải cách nền hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nguồn: Internet
Ngành Thuế đang tích cực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 nhằm góp phần cải cách nền hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nguồn: Internet
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Mục tiêu, đến hết 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, trong thời gian qua, ngành Thuế cũng đang từng bước đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ thông tin, đặc biệt từng bước nghiên cứu để tận dụng những thành quả, công nghệ tiên tiến trong cuộc CMCN 4.0 trong hoạt động của Ngành.

Hiện nay, công nghệ thông tin đang được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các khâu của ngành Thuế, qua đó giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời góp phần quản lý, thúc đẩy số thu tăng trưởng nhanh và bền vững.

Những năm qua, các dịch vụ điện tử như khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử… đã mang lại rất nhiều lợi ích cho người nộp thuế, tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, mang lại hiệu ứng rất tích cực đối với người dân và xã hội. Ngành Thuế đã tạo môi trường tiện ích bằng việc không ngừng nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch thủ tục thuế...

Đến nay, ngành Thuế đã cơ bản triển khai các dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Bên cạnh đó, ngành Thuế tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu riêng để quản lý các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, thông tin về tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế; Thông tin về tình hình tài chính…

Ngành Thuế cũng thực hiện đầy đủ chế độ trao đổi thông tin với cơ quan thuế các quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế trùng với Việt Nam, để nắm bắt thông tin về doanh thu, thu nhập phát sinh của các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, từ đó xác định nghĩa vụ thuế, ngăn ngừa hành vi gian lận, trốn thuế ở nước ta.

Trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu của cách mạnh công nghiệp 4.0 trong hoạt động chuyên môn, qua đó góp phần cải cách nền hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tính đến hết năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 99,64%. Riêng về nộp thuế điện tử, số doanh nghiệp nộp thuế điện tử đã đạt ở mức 97,90%, số tiền đã nộp vào NSNN năm 2017 là trên 392.160 tỷ đồng và trên 2,4 triệu lượt giao dịch nộp thuế điện tử

 

Về hoàn thuế điện tử, tính đến ngày 29/10/2017 đã có 2.155 doanh nghiệp thực hiện kê khai hoàn thuế điện tử, đạt 31,94% trên tổng số 6.747 doanh nghiệp đăng ký với tổng số hồ sơ tiếp nhận là 5.295 hồ sơ, tổng số tiền đề nghị hoàn thuế là 30.451 tỷ đồng. Tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn là 1.629 hồ sơ, với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là 10.369 tỷ đồng…